Chất vấn Bộ trưởng TT-TT, bức xúc với trách nhiệm Bộ trưởng Y tế
Chất vấn Bộ trưởng TT-TT Trương Minh Tuấn về việc quản lý quảng cáo thuốc, song đại biểu QH Đặng Phương Thảo lại bức xúc khi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chưa trả lời về quảng cáo thuốc tràn lan dù đã hứa 6 tháng trước.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn - Ảnh chụp màn hình
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Trương Minh Tuấn sáng 17-11, Đại biểu (ĐB) Nguyễn Lân Hiếu (ĐB An Giang, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) đặt câu hỏi hiện nay có tình trạng quảng cáo thuốc tràn lan trên mạng. Thuốc An cung Ngưu hoàng hoàn (An cung) được quảng cáo là một loại thuốc thần kỳ có thể chữa được tất cả các bệnh, đến mức nhà nhà đều mua An cung dự trữ sẵn trong khi hiệu quả điều trị thế nào chưa được cơ quan chức năng trong nước kiểm chứng, công bố. Người Việt mua An cung nhiều đến nỗi tại Đồng Nhân Đường (Bắc Kinh, Trung Quốc) có bố trí phiên dịch tiếng Việt 24/24 giờ để đáp ứng nhu cầu của khách người Việt. "Bộ trưởng Bộ TT-TT có giải pháp gì để chấn chỉnh tình trạng quảng cáo thuốc tràn lan, sai sự thật?"- ĐB Hiếu nêu câu hỏi.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thừa nhận ngay từ các kỳ họp trước, bản thân ông đã nhận được rất nhiều câu hỏi của ĐBQH về quảng cáo không đúng sự thật. Viện dẫn văn bản pháp lý, Bộ trưởng cho biết hoạt động quảng cáo ở môi trường mạng và truyền hình quy định đã được điều chỉnh bởi Luật quảng cáo và Nghị định 181, Nghị định 72 về sử dụng internet. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng những cá nhân, tổ chức lợi dụng Internet và môi trường mở để sử dụng trang mạng xã hội, đặc biệt là trang mạng nước ngoài để đăng quảng cáo các mặt hàng bị cấm, hàng giả hàng nhái, sản phẩm liên quan đến sức khoẻ tiêu dùng. Trong đó có thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm mà nội dung quảng cáo không đúng tính năng, tác dụng của sản phẩm, gây ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng.
Khi phát hiện, Bộ TT-TT đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý, đặc biệt là phối hợp với Facebook gỡ bỏ gần 400 đường link rao bán, quảng cáo sản phẩm dịch vụ bất hợp pháp. "Đây là kết quả rất tích cực. Hiện tại, Bộ TT-TT cũng tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, ví dụ đang phối hợp với Bộ Y tế kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật từ sơ chế, sản xuất đến quảng cáo các sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng"- Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết.
Nhấn mạnh đến giải pháp đồng bộ, tư lệnh ngành TT-TT cho biết đang phối hợp với các Bộ Công Thương, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu đề xuất chính sách quản lý hoạt động quảng cáo để quản lý tốt hơn trong thời gian tới.
Cho rằng phần trả lời của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chưa thoả đáng, ĐB Đặng Phương Thảo (Nam Định) sử dụng quyền tranh luận để làm rõ vấn đề. "Câu trả lời của Bộ trưởng chưa thể hiện rõ tính quyết tâm, đột phá và sáng tạo để ngăn chặn tình trạng quảng cáo tràn lan và sai sự thật. Bộ trưởng nói quảng cáo tràn lan chỉ xảy ra ở trang mạng nước ngoài nhưng tôi nhận thấy trên sóng phát thanh, truyền hình vẫn xảy ra"- ĐB Đặng Phương Thảo nói. Đồng thời, ĐB lưu ý bên cạnh sự phối hợp với các bộ ngành khác, Bộ TT-TT cần thể hiện hơn nữa khâu đột phá để chấm dứt hoàn toàn tình trạng quảng cáo sai sự thật trên sóng phát thanh truyền hình để tăng tính thuyết phục hơn, như vậy QH mới thấy thoả đáng hơn.
ĐB Đặng Phương Thảo cho biết cử tri rất quan tâm đến vấn đề quảng cáo tràn lan. Tại kỳ họp thứ 3, ĐB đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế về vấn đề này. Bộ trưởng Y têd Nguyễn Thị Kim Tiến hứa sẽ trả lời bằng văn bản nhưng đến nay đã 6 tháng trôi qua, ĐB vẫn chưa nhận được văn bản của Bộ Y tế. "Vậy trách nhiệm của Bộ trưởng Y tế thế nào?"- ĐB bức xúc.
Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn bắt đầu trả lời chất vấn. Có 70 ĐBQH đăng ký chất vấn, nhiều vấn đề rất nóng.