Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính việc "không bắt buộc mua bảo hiểm xe máy"
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, việc bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đã được quy định trong luật.
Ngày 6-11, tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết cử tri phản ánh việc mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới chưa mang lại lợi ích thiết thực cho người dân vì thủ tục bồi thường quá nhiều khó khăn, phức tạp.
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc
"Việc mua bảo hiểm của chủ phương tiện ôtô, xe máy chủ yếu để tránh cơ quan chức năng xử phạt. Bộ trưởng có giải pháp gì để bảo trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thực sự phát huy được ý nghĩa, mục đích bảo vệ quyền và lợi ích của người dân" - Đại biểu Huỳnh Thị Phúc chất vấn.
Nữ đại biểu đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu cũng chất vấn Bộ trưởng Hồ Đức Phớc về quan điểm của Bộ Tài chính trước ý kiến cử tri đề nghị không bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với ôtô, xe máy, mà nên để người dân tự nguyện mua khi họ có nhu cầu.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết việc bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đã được quy định tại Luật Giao thông đường bộ, Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Ông Hồ Đức Phớc cũng thông tin từ đầu năm 2021 đến tháng 9-2023, các công ty bảo hiểm đã chi trả gần 2.300 tỉ đồng cho các trường hợp tai nạn liên quan đến xe máy khi tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh đối tượng sử dụng xe máy thường là người nghèo, người có thu nhập thấp, trong khi các vụ tai nạn liên quan đến xe máy chiếm tỉ lệ cao. Trong nhiều vụ tai nạn, chủ xe cơ giới không đủ khả năng, năng lực tài chính để chi trả, bồi thường cho nạn nhân, nên bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bao gồm cả xe máy là giải pháp tài chính, công cụ chuyển giao rủi ro từ chủ xe cơ giới sang các doanh nghiệp bảo hiểm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết khi đó sẽ bảo đảm nguồn tài chính cho chủ xe cơ giới để nhanh chóng bồi thường cho nạn nhân. Dẫn Nghị định 67/2023/NĐ-CP ngày 6-9-2023, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết giới hạn trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra là 150 triệu đồng cho một người trong một vụ tai nạn. Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản là xe máy là 50 triệu đồng trong một vụ tai nạn.
Đối với các giải pháp để đẩy nhanh việc chi trả bồi thường cho người tham gia bảo hiểm, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết pháp luật hiện hành đã quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, trong đó nêu rõ trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm.
Cụ thể, khi nhận được thông báo tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải kịp thời hướng dẫn hồ sơ, thủ tục yêu cầu bồi thường (trong vòng 1 giờ), tổ chức thực hiện công tác giám định tổn thất (trong vòng 24 giờ); trong vòng 3 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện tạm ứng bồi thường. Đồng thời, quy định rõ thời hạn thanh toán bồi thường là 15 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường hợp lệ.
Bên cạnh đó, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục bồi thường khi đã cắt giảm 2/5 tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng so với quy định trước đây; chỉ yêu cầu thu thập tài liệu của cơ quan công an trong các vụ tai nạn gây tử vong đối với bên thứ ba và hành khách.
Nguồn: [Link nguồn]
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã nêu nhiều nguyên nhân dẫn tới việc giải ngân gói hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hiện đang chậm.