Chặt 6.700 cây xanh: "Cây thay thế khả năng chết rất cao"

Các nhà khoa học khẳng định cây mới trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ - không thích hợp trồng ở đô thị.

Sau khi cơ quan chức năng chặt hạ toàn bộ 381 cây xanh trên con đường từng được mệnh danh đẹp nhất Việt Nam, một loạt cây mới đã được trồng thay thế. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, cây vàng tâm được trồng thay thế.

Tuy nhiên, sau đó các nhà khoa học lên tiếng đều khẳng định, cây mới trồng thay thế trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ, không phải vàng tâm - một loại cây gỗ quý có tên trong Sách đỏ Việt Nam.

TS Nguyễn Tiến Hiệp - Trung tâm Bảo tồn thực vật Việt Nam - cho biết đã lấy mẫu cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh đem về nghiên cứu. Kết quả cho thấy, đó là cây mỡ.

Loại cây này thường được trồng ở vùng Tuyên Quang, Yên Bái, có đường kính gốc khoảng 20cm. Loại cây mỡ này không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đô thị, do vậy có “khả năng chết rất cao”.

Chặt 6.700 cây xanh: "Cây thay thế khả năng chết rất cao" - 1
Các nhà khoa học cho rằng cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ.

Giáo sư Đặng Huy Huỳnh - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam - cho rằng, có thể cơ quan chức năng nhầm lẫn nên đã trả lời báo chí rằng cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh là vàng tâm.

Ông Huỳnh cho rằng, cây mới thay thế trên đường này là cây mỡ. Do lõi của cây mỡ có màu vàng nên dễ nhầm lẫn thành cây vàng tâm. Tuy nhiên, từ xưa đến nay không ai trồng cây mỡ trên đường phố, vì đây là loại cây rừng nên cần có điều kiện sống nhất định của nó về thổ nhưỡng, ánh sáng.

Giáo sư Huỳnh cũng nhấn mạnh, cho dù đó là cây mỡ hay cây vàng tâm thì đều không thích hợp trồng ở đô thị.

Ông Huỳnh cũng bày tỏ không đồng tình với cách thay thế từ 15 loài cây khác nhau trước đây, nay chỉ đồng nhất một loài cây trên đường Nguyễn Chí Thanh. Bởi, trồng đa dạng cây sẽ giúp trong phòng trừ sâu bệnh, nếu trồng một loại cây khi bị sâu bệnh dẫn đến chết hàng loạt.

Đương nhiên, ngay tại thời điểm này ông Huỳnh chưa đưa ra lời khuyên nên trồng cây gì ở đây, vì trồng cây gì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như thổ nhưỡng, hoặc đặc điểm từng đoạn đường. Chính vì vậy, đoạn nút giao thông trồng cây khác với đoạn đường hay buôn bán... Giải pháp tốt nhất là nên trao đổi ý kiến cộng đồng, tổ dân phố, nhà khoa học xem có nên thay cây không, nếu có thì thay cây gì phù hợp với điều kiện riêng ở đó.

Nhắc lại chuyện dư luận phản đối chặt cây xanh, Giáo sư Huỳnh cho rằng, Hà Nội được vinh danh là thành phố xanh-sạch-đẹp, thành phố vì hòa bình có đóng góp một phần lớn từ cây xanh. Ngoài giá trị văn hóa, lịch sử, cây cối có vai trò rất lớn về môi trường như ngăn bụi, giảm tiếng ồn...

Ông Huỳnh cho rằng, vừa qua cơ quan chức năng thay thế hàng loạt cây là không hợp lý. Chỉ thay những cây “bất khả kháng” trong giao thông, hoặc nguy hiểm, giữ được thảm xanh cho Hà Nội sẽ tốt hơn. Cây nào chưa sâu mục, “cứ để đó, việc gì phải thay”.

Cây mỡ (tên khoa học Manglietia Phuthoensis - Dandy) thân thẳng, vỏ xám trắng, lá nhẵn xanh hình trái xoan, cành non và chồi màu xanh. Cây thích hợp với không khí ẩm, loại đất ferralit đỏ vàng, thường mọc ở rừng nguyên sinh và thứ sinh ở miền Bắc và miền Trung.
 
Gỗ mỡ mềm, thớ thẳng, mịn, dễ gia công, khó bị mối mọt. Gỗ mỡ dùng chủ yếu làm nguyên liệu giấy, sản xuất ván lạng, dùng làm bút chì, làm trụ mỏ và cũng có thể đóng đồ gia dụng, làm nhà cửa.
 
Cây mỡ có hoa ở đầu cành, bộ nhụy kéo dài, không có cuống nhụy, kích thước hoa từ 5 - 7 cm, hoa thơm, có 9 - 12 cánh.

Tiến sỹ Vũ Quang Nam - Trưởng Bộ môn Tài nguyên thực vật rừng, Đại học Lâm nghiệp Hà Nội - nói: “Chưa bao giờ tôi thấy cây mỡ hay vàng tâm trong danh mục cây đô thị của bất cứ thành phố nào. Bởi cả hai loại cây đó đều có thời gian sinh trưởng lâu, tán mỏng, tính thẩm mỹ kém hơn nhiều các loại cây đô thị khác như bằng lăng, phượng vĩ…”.

Chặt hạ và thay thế 6.700 cây ở Hà Nội
Sở Xây dựng Hà Nội đang đề xuất chặt hạ và thay thế khoảng 6.700 cây trên 190 tuyến phố tại 10 quận nội thành. Theo bạn:

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Thọ ([Tên nguồn])
Chặt hạ và thay thế 6.700 cây ở Hà Nội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN