Chánh án Nguyễn Hoà Bình: Roi vọt, trại giam sẽ làm các cháu trở nên chai sạn với hình phạt

Sự kiện: Thời sự

Chánh án Nguyễn Hoà Bình nói nỗ lực của dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên là bằng mọi cách cứu các cháu ra khỏi trại giam.

Sáng 8-6, theo nghị trình, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Con cháu chúng ta ở nhà, chúng ta đưa vào trường chuyên, lớp chọn…

Phát biểu thêm cuối phiên thảo luận tổ, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình (đoàn Bắc Giang) cho hay nhiều nước khi đưa luật tư pháp người chưa thành niên vào thi hành, tội phạm hình sự người chưa thành niên giảm xuống chứ không tăng.

“Chúng ta cần có thực tế kiểm nghiệm. Khi luật đi vào cuộc sống sẽ kiểm nghiệm việc đó” - Chánh án Nguyễn Hoà Bình nói.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình. Ảnh: PHẠM THẮNG

Giải thích “cái lý” tại sao tội phạm người chưa thành niên giảm, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho rằng nên xác định trẻ em là đối tượng giáo dục là chính chứ không phải trừng phạt là chính.

“Không phải cốt sao phạt thật là nặng, đó không phải mục tiêu. Chúng ta cứ coi như là con cháu chúng ta, nếu hư, chúng ta dỗ dành, dạy bảo. Nhà tù không bao giờ được coi là môi trường giáo dục tốt cả. Con cháu chúng ta ở nhà, chúng ta đưa vào trường chuyên, lớp chọn; nhưng nếu các cháu hơi có lỗi thì sử dụng biện pháp nhà tù, đấy không phải cách làm của chúng ta” - Chánh án Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh.

Ông cho rằng không nên coi trừng phạt thật nặng với các cháu để bảo đảm tính răn đe. Với người trưởng thành, quan điểm này có thể đúng nhưng người lớn lấy quan điểm này ra áp dụng với trẻ em là sai lầm.

“Nỗ lực của dự án Luật này là bằng mọi cách cứu các cháu ra khỏi trại giam” - Chánh án Nguyễn Hoà Bình nói thay vào đó là áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng (cảnh cáo, xin lỗi, đi học tập…), để hạn chế đến mức tối đa các cháu phải vào trại.

“Khi vào trại, tâm lý rất nặng nề, phần đời còn lại rất khó khăn. Nếu bị giam chung với người lớn thì không biết điều gì sẽ xảy ra. Roi vọt, trại giam sẽ làm các cháu trở nên chai sạn với hình phạt. Từ việc làm quen như vậy, các cháu sẽ không còn sợ nữa” - Chánh án Nguyễn Hoà Bình nêu lý do thế giới chứng minh vì sao tội phạm (người chưa thành niên) không tăng khi có đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên.

“Chỉ áp dụng biện pháp trừng phạt đưa vào nhà tù khi không còn giải pháp nào khác. Đó là biện pháp cuối cùng. Đừng có hy vọng tù thật nhiều, phạt thật nhiều các cháu thì tình hình tội phạm sẽ giảm. Đừng có nghĩ xử thật nhiều, thật nghiêm sẽ làm cho tình hình tốt hơn. Không nên nghĩ như thế. Đó là quan niệm sai” - vẫn lời Chánh án Nguyễn Hoà Bình.

CQĐT, VKS áp dụng xử lý chuyển hướng: Lo người chưa thành niên mất "quyền kháng cáo"

Góp ý cho dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, luật sư Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) tán thành với việc cần thiết phải ban hành luật này. Qua đó, giúp bổ sung những vấn đề liên quan đến tư pháp cho người chưa thành niên mà Bộ luật Hình sự, Bộ luật TTHS quy định nhưng chưa đầy đủ, cần bổ sung, sửa đổi.

Theo ông Nghĩa, tư pháp người chưa thành niên có đặc thù mà hai bộ luật trên chưa đáp ứng được, nhất là đối với tội phạm chưa thành niên, người bị hại chưa thành niên, người làm chứng chưa thành niên…

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM). Ảnh: PHẠM THẮNG

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM). Ảnh: PHẠM THẮNG

Ông đề nghị xem xét, nghiên cứu thêm một số vấn đề về đối tượng điều chỉnh của luật. Khi đề cập đến tư pháp người chưa thành niên là nói đến ba đối tượng: tội phạm chưa thành niên, bị hại chưa thành niên, người làm chứng chưa thành niên. Tuy nhiên, theo ông, dự thảo luật này lại nặng về tội phạm chưa thành niên.

“Chúng ta phải bảo vệ đồng thời cả ba đối tượng nêu trên chứ không chỉ tập trung vào một đối tượng nào” – ông Nghĩa nói.

Một vấn đề khác, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng nếu áp dụng quy trình tố tụng thông thường, bị hại… được quyền kháng cáo, Viện kiểm sát được quyền kháng nghị.

Tuy nhiên, khi áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng theo hướng như dự thảo quy định, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đều có thẩm quyền xem xét, quyết định, ông Nghĩa lo ngại những người này sẽ mất ‘quyền kháng cáo’ khi cho rằng lọt tội hay xử quá nhẹ.

“Để chặt chẽ, tôi cho rằng nên giao cơ quan điều tra đề xuất chuyển hướng, Viện kiểm sát phê chuẩn và toà quyết định. Như vậy, việc phi hình sự hóa chuyển hướng cũng là quy trình tố tụng và tòa đóng vai trò trung tâm” – ông Nghĩa nói.

Nêu ý kiến, Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong tán thành với đề xuất tách vụ án có người chưa thành niên để giải quyết riêng. Giải thích, ông Phong cho rằng phải tách vụ án mới thực hiện được quy định của dự thảo luật về việc rút ngắn thời hạn giải quyết vụ án của người chưa thành niên bằng ½ thời hạn vụ án của người lớn.

“Nếu để cùng trong một vụ án sẽ dẫn đến thời hạn tố tụng cho người chưa thành niên đã hết nhưng thời hạn tố tụng của người lớn vẫn còn” - ông Phong cho rằng điều này có thể dẫn tới việc không thể giải quyết được vụ án.

Mặt khác, theo ông Phong, phải tách vụ án thì mới thực hiện được yêu cầu đặt ra về tiêu chuẩn của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán khi giải quyết vụ án có người chưa thành niên. Hơn nữa, theo kinh nghiệm thế giới, các nước đều tách vụ án có người chưa thành niên để giải quyết độc lập.

Chánh án TAND TP. Hà Nội Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) cũng ủng hộ quan điểm tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội để giải quyết riêng.

“Khi các bị cáo là thành niên và chưa thành niên xử chung trong một vụ án, tâm lý, thái độ chung của các đối tượng khác nhau, chủ toạ khi xét hỏi không phân biệt được người thành niên và chưa thành niên, điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người chưa thành niên”- ông Chính nhấn mạnh.

“Tách được vụ án là tốt nhất, để bảo đảm uy tín, danh dự, nhân phẩm và các yếu tố có lợi cho người chưa thành niên. Tôi không thấy việc tách có ảnh hưởng gì đến việc giải quyết vụ án” - theo ông Chính.

Phó Chánh án TAND Tối cao Dương Văn Thăng (đoàn TP.HCM) nhất trí với quan điểm cần rút ngắn thời hạn tố tụng đối với vụ án có người chưa thành niên phạm tội. Điều này nhằm thống nhất với nguyên tắc của Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành và bảo đảm giải quyết kịp thời, nhanh chóng các vụ án liên quan tới người dưới 18 tuổi.

Việc này cũng giúp hạn chế tối đa những tác động tiêu cực từ các thủ tục tố tụng hình sự tới người chưa thành niên; khắc phục được những bất cập trong thực tiễn hiện nay là khi thời hạn điều tra, truy tố chưa kết thúc nhưng thời hạn tạm giam đã hết.

Ngoài ra, việc việc tách vụ án, theo ông Thăng, còn giúp đảm bảo tố tụng thân thiện, thuận lợi trong quá trình xét xử vụ án…

Tại tổ đại biểu Quốc hội các đoàn Hải Phòng, Kon Tum, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bắc Giang, các đại biểu đã biểu quyết bày tỏ chính kiến về hai nội dung còn ý kiến khác nhau là việc tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội để giải quyết riêng và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật gồm cả hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên.

Kết quả, 19/19 đại biểu có mặt tại phiên thảo luận tổ đều đồng thuận với quan điểm của TAND Tối cao thể hiện tại dự thảo.

Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho rằng hệ thống pháp luật hiện hành đang có rất nhiều bất cập, cần phải được khắc phục bằng một đạo luật riêng, với nhiều quy định nhân văn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NHÓM PHÓNG VIÊN ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN