Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Có vụ án phải đưa lên máy bay 3 tạ tài liệu chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM
Chánh án TAND Tối cao cho biết cả ba cơ quan tiến hành tố tụng đều không muốn chịu chi phí này.
Cuối tuần qua, tại phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng.
Theo điều 1 dự thảo, Pháp lệnh này quy định về xác định chi phí tố tụng; nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng; trách nhiệm chi trả, nghĩa vụ chịu, việc xử lý tiền tạm ứng chi phí tố tụng; miễn, giảm tiền tạm ứng, miễn, giảm chi phí tố tụng; kinh phí chi trả chi phí tố tụng theo quy định của Bộ luật TTHS, Bộ luật TTDS, Luật TTHC.
Ngoài ra, việc xác định chi phí; nộp tiền tạm ứng chi phí; trách nhiệm chi trả, nghĩa vụ chịu; kinh phí chi trả chi phí trong quá trình TAND xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng chiều 13-12.
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho hay vấn đề lớn nhất khi thẩm tra và các cơ quan, chuyên gia góp ý liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh nói trên. Cụ thể, Bộ luật TTDS và Luật TTHC giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh về chi phí tố tụng, nhưng Bộ luật TTHS thì không.
“Có một số ý kiến cho rằng hình sự là việc của Nhà nước, Nhà nước bỏ kinh phí ra để chi, các đối tượng tham gia không phải nộp gì cả. Phần chi đó bố trí trong dự toán ngân sách Nhà nước và phải dự toán, hạch toán, thanh quyết toán theo Luật Ngân sách nhà nước. Bộ luật TTHC không ‘bỏ sót’, không giao là có lý do”- ông Định cho hay.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Pháp lệnh hiện hành (năm 2012) đã quy định cả về cả TTDS, TTHC, TTHS nhưng chỉ quy định 4 loại chi phí, gồm: chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch. Trong khi dự thảo Pháp lệnh mở rộng đến 13 loại chi phí khác nhau.
“Xin ý kiến Thường vụ, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh có TTHS không?”- Phó Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với phạm vi điều chỉnh quy định tại dự thảo Pháp lệnh, bao gồm các chi phí trong cả 3 lĩnh vực tố tụng theo quy định của Bộ luật TTDS, Luật TTHC và Bộ luật TTHS.
“Dự thảo Pháp lệnh mở rộng, quy định đối với 13 loại chi phí tố tụng, trong đó nhiều chi phí đã được rà soát và bảo đảm có căn cứ pháp luật. Do đó, việc quy định trong dự thảo Pháp lệnh là phù hợp”- bà Lê Thị Nga nêu ý kiến của đa số thành viên cơ quan thẩm tra.
Giải trình tại phiên họp, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình dẫn điều 135 Bộ luật TTHS, theo đó, chi phí tố tụng gồm: Chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa trong trường hợp chỉ định người bào chữa; chi phí giám định, định giá tài sản và “các khoản chi phí khác theo quy định của pháp luật”.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình
“Chúng ta chưa có hướng dẫn gì về các chi phí khác. Thực tế, các chi phí khác thời gian gần đây càng ngày càng lớn”- Chánh án TAND Tối cao nói và dẫn chứng có vụ án lừa đảo qua mạng có tới hàng chục nghìn nạn nhân.
“Tống đạt giấy tờ cho hàng chục nghìn người này rất khổ cho cơ quan điều tra và VKS. Tòa án chỉ tống đạt một lần nhưng Viện kiểm sát và cơ quan điều tra phải thường xuyên tống đạt giấy tờ. Hay vụ Tân Hoàng Minh và sắp tới là SCB, người đầu tư trái phiếu có hàng chục nghìn người”- theo Chánh án TAND Tối cao.
Nhấn mạnh các “chi phí khác” trong thực tiễn đang rất nhiều, ông Nguyễn Hòa Bình nói nếu Pháp lệnh không quy định nội dung này sẽ rất khó khăn cho các cơ quan khi xây dựng dự toán hàng năm.
“Công an hay VKS không thể xác định được một năm nay có bao nhiêu vụ lừa qua mạng và trong mỗi vụ có 10.000 hay 100.000 nạn nhân. Đây là bài toán thực tiễn, nếu chúng ta không làm câu chuyện này sẽ rất khó. Chúng tôi chỉ xét xử thôi, còn điều tra và kiểm sát, suốt quá trình điều tra phải tống đạt liên tục”- Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu.
Ông Nguyễn Hòa Bình cũng nêu lại việc vận chuyển hồ sơ vụ Ngân hàng Xây dựng từ Hà Nội vào TP.HCM xét xử, phải đưa lên máy bay 3 tạ tài liệu. “Ông công an đổ cho ông tòa, ông tòa đổ cho ông VKS, không ông nào trả chi phí cho 3 tạ tài liệu này, cuối cùng, tòa án phải làm việc này. Trong tương lai, chúng ta còn nhiều việc hơn nữa”- Chánh án TAND Tối cao nói thêm.
Ngoài ra, từ “thực tiễn và truyền thống pháp lý”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị đưa cả lĩnh vực TTHS vào Pháp lệnh mới đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và tháo gỡ khó khăn của cả ba cơ quan tiến hành tố tụng.
“Hội thẩm nhân dân tham gia vụ dân sự, hành chính thì được, còn tham gia vụ hình sự thì không sẽ tạo ra mặt bằng pháp lý rất vô lý”- ông Bình nói.
Chi phí tố tụng bao gồm: 1. Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ. 2. Chi phí định giá tài sản. 3. Chi phí giám định. 4. Chi phí cho Hội thẩm. 5. Chi phí cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý, bào chữa viên nhân dân; người đại diện do Tòa án chỉ định. 6. Chi phí cho người làm chứng, người chứng kiến. 7. Chi phí cho người phiên dịch, người dịch thuật. 8. Chi phí cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng. 9. Chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài. 10. Chi phí xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú, xác minh tài liệu, chứng cứ. 11. Chi phí sao chụp tài liệu. 12. Chi phí bảo quản tài liệu, chứng cứ, vật chứng. 13. Chi phí tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ án, vụ việc.” Điều 4 dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng |
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, người ta rất sợ phải ra tòa làm chứng, nhất là vụ án hình sự, cho 2 triệu, thậm chí 20 triệu đồng, có khi người ta cũng không muốn nhận...
Nguồn: [Link nguồn]