Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Chưa tìm ra giải pháp thi hành bản án 600 tỉ đồng của ông Đinh La Thăng

Sự kiện: Ông Đinh La Thăng

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng việc thu hồi tài sản tham nhũng ở tất cả các nước không bao giờ triệt để.

Ngày 20-3, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) chất vấn Chánh án Nguyễn Hòa Bình về các giải pháp thời gian tới để công tác thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả tốt hơn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa chất vấn từ điểm cầu tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Phạm Văn Hòa chất vấn từ điểm cầu tỉnh Đồng Tháp

Trả lời đại biểu, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng việc thu hồi tài sản tham nhũng ở tất cả các nước không bao giờ triệt để. Tại Việt Nam, thời gian qua các cơ quan tố tụng đã phối hợp tốt nên tỉ lệ thu hồi được 40% tổng số tài sản đã tham nhũng. Về con số này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đánh giá đây là kết quả đáng ghi nhận.

Theo quy định, các cơ quan chỉ được thu hồi tài sản tham nhũng khi các cơ quan tiến hành tố tụng (công an, viện kiểm sát và tòa án) chứng minh được nguồn gốc tài sản là từ tham nhũng. Do đó, chất lượng điều tra, truy tố, xét xử cần nâng cao và các cơ quan phải kịp thời phong tỏa tài sản có dấu hiệu tham nhũng.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết trên thế giới xem tham nhũng là tội đặc thù, nên bên cạnh nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc tài sản tham nhũng, họ còn có cơ chế khác là tăng nghĩa vụ giải trình của nghi can.

"Nếu như nghi can có tài sản mà không chứng minh, giải trình được nguồn gốc hợp pháp thì bị xem là tài sản tham nhũng và bị tịch thu. Nếu chúng ta làm được điều này như các nước thì tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong tương lai sẽ rất cao"- ông Nguyễn Hòa Bình nói.

Đối với các bản án đã tuyên nhưng khó thu hồi được tài sản, Chánh án TAND Tối cao cho biết có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, là tuyên án không rõ nên khó thi hành, tuy nhiên, tỉ lệ tuyên không rõ của các bản án đã được khắc phục rất nhiều. Thứ 2 là những bản án tuyên rõ, đúng rồi, nhưng không thi hành được hoặc khó thi hành.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã dẫn chứng một số vụ án bản án đã có nhưng không thi hành được như vụ Trustbank (ngân hàng TMCP Đại Tín, hiện đã đổi tên thành ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam). Tại vụ án này, bà Hứa Thị Phấn làm mất của ngân hàng hơn 10.000 tỉ đồng, tòa án tuyên bà Hứa Thị Phấn bồi thường số tiền đó nhưng bà Phấn đã qua đời.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn

Ông Nguyễn Hòa Bình cũng dẫn chứng vụ án liên quan Ngân hàng Đại dương (Oceanbank). Với vụ án này, con số thiệt hại khoảng 800 tỉ đồng, trách nhiệm dân sự các bị cáo trong vụ án phải bồi thường số tiền này. Trong đó, ông Đinh La Thăng phải đền bù 600 tỉ đồng, hiện ông Thăng đang chấp hành án phạt tù. "Đây là bản án khó thi hành nhưng không tuyên không được. Cách nào để bản án thực thi trên thực tế thì chúng tôi chưa nghĩ ra giải pháp"- Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói.

Tham gia trả lời, làm rõ nội dung về thu hồi tài sản tham nhũng mà đại biểu chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh đây là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua đã đạt kết quả tích cực, nhưng còn một số tồn tại, hạn chế.

Bộ trưởng Lê Thành Long cũng thừa nhận các khó khăn từ bản thân vụ án như tài sản trong các vụ án lớn, nằm rải rác ở các địa phương khác nhau trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, nguồn gốc, tính pháp lý của nhiều tài sản được kê biên, đưa ra xử lý phức tạp và mất nhiều thời gian làm rõ. Theo ông Lê Thành Long, có trường hợp phải xác minh tài sản đó là tài sản chung hay tài sản riêng, tài sản của người phạm tội...

Người đứng đầu Bộ Tư pháp cho biết thời gian tới sẽ tăng cường bám sát, thực hiện tốt chỉ thị của Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tập trung vào các vụ án lớn đang được xã hội quan tâm, thường xuyên báo cáo Chính phủ để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ này.

Nguồn: [Link nguồn]

Giải quyết ra sao khi ông Đinh La Thăng không thể bồi thường 830 tỷ

Trường hợp ông Đinh La Thăng không có khả năng bồi thường dân sự thì cơ quan thi hành án sẽ tạm đình chỉ đối với khoản nợ đó, buộc bị cáo vẫn phải chấp hành.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Chiến ([Tên nguồn])
Ông Đinh La Thăng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN