Chàng trai Tây đóng khố xin ở rể Tây Nguyên

Tình cờ gặp nhau trong một chuyến du lịch vào năm 2008, Jonh Nathan đã bị “say nắng” trước vẻ đẹp hoang dại của nàng sơn nữa Y Hem. Vượt qua mọi rào cản về văn hóa, tập tục; vượt qua cả những ngăn cách về địa lý, John đã làm mọi cách để yêu Y Hem rồi cùng thiếu nữ dân tộc Ba Na nên vợ nên chồng.

Càng ngạc nhiên hơn khi sau đám cưới, chàng rể Tây không trở về châu Âu nữa mà quyết định ở rể tại làng Kontum Kơnâm (phường Thống Nhất, TP Kon Tum), sống cuộc sống giản dị, hoang sơ chỉ vì trót: “Mê cái thật thà, mộc mạc của người phụ nữ đại ngàn”.

Chuyện tình không biên giới

Làng Kon Tum Kơnâm (thuộc phường Thống Nhất, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) nằm bên dòn sông Đăk Bla hiền hòa, thơ mộng đã bao đời ẩn chứa nhiều nét hoang sơ, huyền bí của đồng bào Ba Na trên mảnh đất Tây Nguyên. Những đoàn khách du lịch thập phương mỗi khi về đây đều được đặt chân tới ngôi làng nhỏ này để khám phá đôi nét văn hóa “rừng” còn sót lại.

Là người dân bản địa, biết nói bập bẹ vài câu tiếng Anh xã giao nên từ năm 2008, Y Hem được phân công làm hướng dẫn viên du lịch cho đoàn khách Tây đến Kon Tum để khám phá văn hóa “ăn rừng” của người Ba Na còn sót lại nơi các buôn làng xa xôi. Nàng sơn nữ xinh đẹp không ngờ, chính từ công việc thú vị này, cô đã tìm được cho mình “một nửa cuộc đời”. Đặc biệt hơn, mối lương duyên ấy lại nảy sinh cùng chàng trai sinh ra và lớn lên cách Việt Nam nửa vòng trái đất.

Tâm sự cùng người viết, Jonh kể: “Cuộc hành trình của tôi lần đó kéo dài gần một tuần. Chúng tôi chọn phương án đi thực tế, cùng hòa mình vào đời sống thực của người Ba Na. Chính trong những ngày ngắn ngủi đó, tôi đã mê mẩn văn hóa của vùng đại ngàn này và bị sự giản dị, mộc mạc của Y Hem hút hồn”.

Nhớ lại những ngày đầu tiên đó, Y Hem thẹn thùng tâm sự: “Lần đầu tiếp chuyện với người Tây em cũng rất ngại. nhưng quá trình tiếp xúc, sự tự nhiên của họ đã giúp đôi bên xóa dần khoảng cách. Hơn nữa, làm hướng dẫn viên cho các buôn làng như chúng em luôn mong muốn được giới thiệu cuộc sống của dân tộc mình đến mọi người, nhất là người ngoài nước để họ hiểu thêm cuộc sống của Tây Nguyên. Vốn tiếng Anh ít ỏi nên cứ sợ không diễn tả được ý mình cho họ hiểu”.

Chàng trai Tây đóng khố xin ở rể Tây Nguyên - 1

Đôi vợ chồng Giôn - Y Hem hạnh phúc bên "thành quả" của tình yêu. Ảnh:Tiến Thành. An ninh biên giới

Chuyến du lịch kết thúc nhưng lại mở ra một khởi đầu mới khi Jonh và Y Hem thường xuyên liên lạc với nhau qua thư điện tử. Để hiểu nhiều hơn về nhau, Y Hem đăng ký đi học một khóa Anh ngữ, còn Jonh thì tự mày mò để học tiếng Ba Na. Y Hem kể: “Có nhiều đêm, em thức trắng tra từ điển tiếng Anh sau đó viết thư điện tử gửi cho Jonh. Trong thư, em không chỉ diễn tả tình cảm quý mến của bản thân mà còn nói với Jonh về văn hóa và phong tục của dân tộc mình. Có những ngày nghỉ, em đã ngủ gục cả trên máy tính vì miệt mài viết thư cho Jonh đấy!”. Tình cảm lớn dần, Y Hem cảm động khi Jonh viết được cả trang thư bằng tiếng Ba Na do sự chri dạy của Y Hem.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, đến năm 2010, Jonh quyết định trở lại Việt Nam để ngỏ lời yêu Y Hem. Được nàng sơn nữ gật đầu đồng ý, Jonh đã ngay lập tức báo tin vui cho gia đình. Thời gian về sau, cứ mỗi năm ba lần, Jonh xin nghỉ phép để sang Việt Nam thăm người yêu.

Mở hộp thư điện tử, Y Hem khoe: “Anh thấy không, có tháng em và Jonh viết cho nhau 20 lá thư đấy, John rất thích thú khi được học hỏi văn hóa Tây Nguyên. Có những lần sang đây thăm em, suốt ngày đêm, anh ấy chỉ ngòi học tiếng Ba Na và phong tục của làng từ các già làng uy tín. Có lần suốt hai đêm liên tục, anh ấy đã thức trắng để học tiếng Ba Na đấy”. Khi đã miệt mài học được vốn tiếng bản địa nhất định, tháng 6/2011, Jonh đã làm thủ tục đưa người yêu sang Bỉ để ra mắt gia đình. “Lần đầu tiên ra nước ngoài, em lo lắm! Sợ rằng sang bên đó không gặp được anh ấy. Nhưng khi xuống sân bay, em được anh ấy và cả gia đình ra đón. Lúc này, em mới tin tình cảm anh ấy dành cho mình là thật, em rất xúc động trước sự chân thành của anh ấy”, Y Hem bộc bạch niềm hạnh phúc.

Sau 3 tháng ở trong một căn hộ riêng của người yêu trên đất Bỉ, Y Hem được bố, mẹ và các em của Jonh tiếp đón một cách rất trân trọng và đưa đi thăm thú nhiều nơi. Đặc biệt, Jonh còn dẫn Y Hem đến giao lưu với xóm người Việt ở Bỉ. Tại đây, Y Hem đã nói rất nhiều về văn hóa đất nước, phong tục Ba Na. Tình yêu của chàng trai 28 tuổi quốc tịch Bỉ và cô gái 26 tuổi người dân tộc Ba Na từ đó thăng hoa, vượt qua mọi rào cản. Điều ngạc nhiên nhất là sau khi kết hôn, thay vì ở lại Bỉ, Jonh quyết định đưa Y Hem về lại làng Kon Tum Kơnâm. Bản thân anh cũng rời mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình, cùng vợ xây dựng tổ ấm trên đại ngàn Tây Nguyên.

Tình yêu xóa nhòa mọi ranh giới

Tháng 10 dương lịch, Tây Nguyên bắt đầu mùa gió. Với người Ba Na, đây cũng chính là mùa yêu. Già làng Ka Long tự hào: “Chuyện của Jonh và Y Hem là tình yêu hai quốc tịch đẹp nhất ở Kon Tum đấy. Cái bụng của thằng Jonh nó cũng tốt lắm nên dân làng mới đồng ý cho con Y Hem lấy nó. Thấy bọn nó hạnh phúc ai cũng vui lây”. Trở về làng Kon Tum Kơnâm thanh bình, yên ả, chúng tôi tìm đến nhà Y Hem. Khác với không gian yên tĩnh trên con đường dẫn vào làng, nhà Y Hem đã nhộn nhịp hẳn lên. Bên cạnh đám trẻ con nô đùa chạy nhảy là một chàng rể Tây trẻ, điển trai đang ôm đứa bé trong lòng đi dạo quanh sân.

Chàng trai Tây đóng khố xin ở rể Tây Nguyên - 2

Ngôi nhà khang trang của vợ chồng Giôn - YHem.

Nhìn đôi vợ chồng Y Hem và Jonh quấn quýt bên cháu bé, chúng tôi cảm nhận được rằng họ đang rất hạnh phúc. Mỗi lần Jonh về thăm vợ con, họ hàng gia đình Y Hem đều tập trung về đây để cùng chung vui với chàng rể Tây.

“Jonh sống hòa đồng với mọi người trong gia đình em. Anh ấy cùng ăn, cùng nhậu theo cách của người Ba Na. Bọn em mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn vào ngày 13/6. Bố mẹ anh ấy cũng sang Việt Nam để làm đám cưới cho hai đứa. Em muốn ở lại Việt Nam và anh ấy cũng vậy. Jonh muốn cho con của chúng em hiểu biết được nhiều tập tục, văn hóa của người Ba Na; đến khi cháu được 15 tuổi mới đưa sang Bỉ”, Y Hem khoe với chúng tôi.

Nhờ vốn tiếng Việt ít ỏi được Y Hem dạy, Jonh bộc bạch: “Người Tây Nguyên thật tốt. Ai cũng gần gũi. Mỗi lần về nước Bỉ, tôi đều rất tự hào và giới thiệu với bạn bè về những nét đẹp của dân tộc Ba Na, về sự hấp dẫn của Tây Nguyên và của Việt Nam. Nhiều người Bỉ nghe được điều này cũng rất háo hức và muốn được đến thăm Việt nam, đặc biệt là Tây Nguyên”.

Tham dự tiệc vui cùng gia đình Y Hem chỉ có rượu đế và lá mì xào, Jonh vẫn nhâm nhi như một người dần bản địa thực thụ. Những bữa cơm của người Ba Na không phải là những món ăn “cao lương mỹ vị” nhưng Jonh vẫn cho đó là hạnh phúc vì được sum họp cùng gia đình.

Jonh tâm sự: “Tôi đã đi đến nhiều nơi ở Việt Nam như Hải Phòng, Hà Nội, TP. HCM… Nhưng khi đến Kon Tum, tôi biết người Ba Na rất chân tình. Họ sống rất thật thà, giản dị và không biết nói dối. Tôi muốn con của chúng tôi biết được nhiều về cách sống của người Ba Na. Trong tâm thức tôi đã nảy ra một ý định sẽ ở lại Việt Nam làm một công trình nghiên cứu về văn hóa Ba Na để giới thiệu với nước Bỉ. Hy vọng với sự giúp đỡ của buôn làng nơi đây, ý tưởng của tôi sẽ sớm thành thực hiện”.

Làng nhiều rể Tây

Theo chị Giut, Trưởng làng Kon Tum Kơnâm cho biết: “Cả làng hiện có 225 hộ gia đình người dân tộc Ba Na. Ngoài trường hợp của Y Hem, thì trong làng còn có 4 cô gái khác cũng đã lấy chồng Tây là Ruth (1977), Ninô (1989), Lynar (1988), Hoàng Ny Ly (1981) và Han. Tất cả những cặp vợ chồng này đã làm thủ tục và đi ra nước ngoài. Và thật kỳ diệu là trong những lần về thăm làng, các cô gái này đều tâm sự họ rất hạnh phúc bên người chồng ngoại quốc.

Theo chị Giut, trào lưu lấy chồng Tây đã gợi cho các cô gái trong làng có suy nghĩ hướng ngoại. Một số cô gái đã đăng ký học ngoại ngữ với mong muốn một ngày nào đó sẽ được làm cô người Tây. Tuy nhiên, khi có mối tình hai quốc tịch nào nảy nở chúng tôi đều tìm hiểu kỹ người ngoại quốc, nếu họ không thật lòng và đàng hoàng thì dân làng sẽ đuổi đi ngay”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Đạo – Tiêu Dao (Đời sống & Hôn nhân)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN