Chàng trai 11 năm chống chọi bệnh suy thận, để lại di nguyện hiến hết nội tạng để cứu người
Người ta cứ truyền tai nhau về Nhân. Đó là chuyện Nhân trước khi bước vào thế giới vĩnh hằng đã kịp để lại trên cõi đời này một đôi mắt, một đôi mắt sáng trong.
Nhân (người không đội mũ) đã hiến đi đôi mắt sáng trong của mình trước lúc qua đời. Ảnh: Trương Thị Mỹ Duyên
“Sau này anh có chết đi thì em hãy hiến hết nội tạng của anh để cứu người. Em hãy nói với bác sĩ rằng, thân thể của anh đó cứ lấy được cái gì thì lấy, dùng được gì thì cứ dùng, anh cho hết. Còn lại chút nào phần xác của anh thì em hãy mang đi mà hỏa thiêu, đừng chôn anh” – chàng trai nghèo có cái tên Trần Truyền Nhân đã truyền lại lời dặn dò cho em trai của mình.
Rồi Nhân ngừng hơi thở sau 11 năm chống chọi với căn bệnh suy thận. Di nguyện cuối cùng ấy của một con người bình dị, sống luôn hướng thiện đã “trả nghĩa cho đời” bằng một việc làm tử tế đẹp tựa như giấc mơ xuân. Có một Truyền Nhân như thế giữa đời…
Cho đi đôi mắt
“Ai qua được vòng đời sinh tử
Mà biết tin vẫn rớt u sầu
Định mệnh thế ai biết trước được đâu
Xin cầu cho hồn an nơi ấy.
Tạm biệt em, Trần Truyền Nhân!”
Dòng trạng thái đầy đắng cay ấy được chị Trương Thị Mỹ Duyên – một người bạn, người chị ngoài đời của 2 anh em Nhân - đăng trên facebook rồi gắn thẻ vào facebook cá nhân của Nhân.
“Nhân chẳng còn có cơ hội để đọc nó đâu nhưng em tin là nhân sẽ hiểu được lòng em và mọi người” – Duyên nói trong tâm trạng buồn.
Câu chuyện về Nhân mấy ngày nay cứ nối dài, nối dài như cổ tích. Người ta cứ truyền tai nhau về Nhân. Đó là chuyện Nhân trước khi bước vào thế giới vĩnh hằng đã kịp để lại trên cõi đời này một đôi mắt, một đôi mắt sáng trong. Đôi mắt ấy đang mở ra “nguồn sáng” cho 2 người mù lòa lạ hoắc mà Nhân, rồi cả em trai Nhân chưa hề quen biết và có lẽ cả đời này sẽ không gặp được họ.
Sự tử tế ấy của Nhân như thúc giục tôi. Tôi đặt chân đến nhà Nhân sau đúng 1 ngày khi người thân, bạn bè đã đưa hài cốt Nhân về. Tôi đến đây cốt cũng chỉ để nghe kể về Nhân, về chuyện Nhân hiến đi đôi mắt của mình để lấy giác mạc giúp người.
Căn nhà cấp 4 của anh em Nhân nằm hút sâu trong một khu xóm nhỏ ở thôn Mỹ Thạnh Nam, xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa. Căn nhà nhỏ xíu, tềnh toàng. Đó là nơi anh em Nhân tá túc, nương tựa nhau để sống sau khi cha mẹ cả 2 qua đời vì bạo bệnh.
Khác với bao đám tang khác, dòng người đến viếng hương hồn Nhân dù đôi đôi mắt đỏ hoe nhưng miệng thì ai cũng tươi cười. Lạ lắm!. Nước mắt khóc thương Nhân như nuốt ngược vào trong.
“Sao phải khóc chứ. Khóc để làm gì. Chúng tôi cười. Cười vì chúng tôi hạnh phúc. Hạnh phúc vì việc làm của Nhân. Nhiều người mấy ai làm được như Nhân. Ai cũng sợ hiến tạng đi rồi thì sợ thiếu thốn gì trong cơ thể. Vậy mà Nhân lại có nghĩa cử cao đẹp như vậy. Nhân luôn nghĩ rằng, chết là hết rồi nên hiến được cái gì để tặng lại cho người sống thì hiến. Nhân muốn hiến mọi thứ có thể trong thân thể mình nhưng tiếc là bác sĩ bảo nội tạng của Nhân khi ấy đã hư hết, không còn lấy được gì hết ngoài đôi mắt. Vậy là Nhân hiến đôi mắt để lại cho đời” – chị Trần Thị Phúc, người chị tâm giao đã gắn bó với anh em Nhân hơn chục năm qua tỏ bày.
21 tuổi thì Nhân phát hiện bị suy thận, phải vào viện chạy thận để duy trì sự sống. Bao giấc mơ của Nhân như đứt gánh giữa đường. Nhưng, Nhân chẳng đầu hàng số phận. Bao bão dông, bao nghịch cảnh bất hạnh ập đến gia đình vẫn không xua đi sự lạc quan của chàng trai xứ Quảng đầy hào sảng và lắm nhân hậu này.
Từ một thợ may mưu sinh tận Tây Nguyên, Nhân ngược đường về lại chốn quê xưa, trở lại cái nghề mà mình đam mê: dạy võ vovinam. Rồi cha mẹ lần lượt qua đời, anh em Nhân trở thành mồ côi. Cái nghèo vẫn đeo bám. May ông trời còn thương cũng biết chừa cho anh em Nhân con đường để bước khi Trần Truyền Luân – em trai Nhân – sau khi tốt nghiệp Khoa giáo dục thể chất – Quốc phòng an ninh, Trường Đại học Phạm Văn Đồng đã may mắn được nhận vào dạy học tại trường Tiểu học Quảng Phú 2 (TP.Quảng Ngãi).
Rồi Luân đưa anh Nhân xuống TP.Quảng Ngãi thuê 1 căn phòng trọ nhỏ để ở, tiện cho việc dạy học và chăm sóc anh. Cả 2 thương nhau lắm, quấn quít không rời. Luân đi đâu cũng đưa Nhân đi cùng. Những lần nhận sô diễn văn nghệ để kiếm thêm thu nhập lo cho anh trai, vẫn phải có anh Luân cùng đi. Ăn gì, uống gì, Luân vẫn lặng thầm nhường phần anh.
Nhiều người đến nhà tiễn biệt Nhân về với đất mẹ
Tình anh em và những nỗi đau của anh em Nhân đã làm lay động bao tấm lòng. Những người lạ đã tìm đến với anh em Nhân rồi họ hóa thành người quen tự khi nào chẳng biết. Ai giúp gì được cho anh em Nhân là xắn tay áo vào giúp. Chị Phúc, bé Thảo, chị Duyên,…vô số những cái tên ấy đã rất “ruột rà” với anh em Nhân.
“Ngày anh Nhân còn sống, khi ngồi nói chuyện về sống chết thì anh ấy có nói với em rằng, sau này ảnh có chết đi thì hãy hiến hết nội tạng của ảnh để cứu người, rồi không có chôn cất ảnh mà phải hỏa thiêu gửi ở chùa. Lúc đó em có nói đùa với ảnh là hiến gì mà hiến thì ảnh la, ảnh bảo nếu khi tao mà chết mà mày không làm theo đúng ý tao thì tao về tao lôi chân” – Luân kể.
Vài ngày trước, bệnh Nhân trở nặng. Luân đưa anh ra Đà Nẵng chạy chữa. Nhưng, 11 năm chống chọi với căn bệnh suy thận, Nhân đã gắng gượng quá rồi. Nhân hôn mê, sự sống như đèn dầu treo trước gió. Chợt Luân nhớ tới di nguyện của anh trai.
“Em đến nói với bác sĩ về chuyện anh em muốn hiến đôi mắt. Bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng bảo đây là lần đầu tiên gặp trường hợp bất ngờ này vì hồi giờ chưa từng gặp. Em nói, nếu có người cần thì hãy lấy đi, còn không thì coi như anh Nhân ảnh xui vì ảnh không được như ý nguyện là hiến tạng cứu người. Rồi họ liên lạc ra Huế, đúng lúc ngoài đó có 2 trường hợp cần giác mạc. Thế rồi anh của em đã hiến đi đôi mắt của mình. Bác sĩ hỏi còn hiến gì nữa không?. Khi đó, em lại nghĩ đến lời anh trai nói là hiến hết những gì có thể. Em run lắm vì anh mình đã chết rồi mà còn bị mổ xẻ nhưng rồi em vẫn làm theo di nguyện của anh em. Em nói với bác sĩ cứ xem anh của em còn gì hiến được thì cứ lấy, anh em không dùng nữa thì để cho người khác dùng, chết là hết, chết là về với cát bụi mà thôi. Chỉ tiếc là anh của em chỉ hiến được đôi mắt còn những bộ phận khác đã không thể hiến được nữa vì bệnh tật đã phá hủy đi mọi thứ trên cơ thể anh. Rồi anh qua đời ngay đúng cái hôm hiến đi đôi mắt ”, giọng Luân lựng khựng khi kể về người anh của mình.
Sáng mãi với đời
“Em cùng mọi người đưa anh đi hỏa thiêu theo như tâm nguyện anh rồi mang tro cốt về đây, rồi đưa ảnh lên chùa. Em tự hào về người anh của em lắm. Ảnh đã làm được việc rất ý nghĩa. Ai cũng khen tấm lòng của anh ấy. Chỉ có thế thôi là quá đủ. Em cười chứ em không bao giờ khóc đâu” – Nhân đưa mắt nhìn vào di ảnh của người anh trai rạng ngời niềm tự hào.
Chị Phạm Thị Trung Thu đã 3 ngày nay cùng với chị Trần Thị Phúc và rất đông bạn bè thân hữu túc trực thường xuyên bên nhà anh em Luân để lo từng bữa cơm cúng cho Nhân. Họ chẳng bà con máu mủ. Họ đến với anh em Nhân bằng tình người, bằng sự cảm phục lòng nhân ái của Nhân. Chị Thu đưa tay xếp những bộ quần áo của Nhân để cho Luân mang đi đốt mà nước mắt cứ chảy dài, thút thít mãi.
Luân thấy thế lại bảo: “Chị Thu nín đi, khóc chi mà khóc. Chị Thu cười lên đi. Anh em đi thanh thản rồi!”. Rồi Luân quay mặt đi rất nhanh, cố kiềm nén nỗi đau.
“Luân là thầy giáo của con chị. Chị thương anh em nó lắm. Thằng Nhân là đứa hiền lành, sống dễ thương lắm. Nó luôn nghĩ cho người khác. Việc nó hiến đi đôi mắt để cứu người quá là ngoài sức tưởng tượng của chị. Nó làm được cái việc mà không phải ai cũng làm được, hơn cả những người thành danh, tiền tài luôn đó em à” – chị Thu nói.
“Em sẽ chẳng đi tìm đôi mắt của anh em. Em cũng chẳng quan tâm đến chuyện ai sẽ là người may mắn nhận được giác mạc do anh trai em hiến tặng. Em không muốn người ta lại mang ơn gia đình em. Cứ mang ơn, trả nghĩa như vậy hoài thì bao giờ cho hết. Cứ coi như đó là duyên. Nếu có duyên thì sẽ gặp lại người đang nhờ đôi mắt của anh em mà có được nguồn sáng. Còn không thì cũng không quan trọng. Em sẽ mãi dõi theo hướng anh mình đi là đủ rồi” – Luân cười hiền, đưa tay đốt lấy nén nhang bái lạy hương hồn người anh.
Nhân ngừng thở ở cái tuổi 32 nhưng mắt Nhân vẫn sáng. Tôi rời nhà anh em Nhân mà vẫn nghe văng vẳng bên tai câu nói của ai đó buồn đến não lòng nhưng cũng hạnh phúc vô bờ: Thân ấy mất mà danh ấy còn sống mãi. Ấy là Nhân đã trọn một kiếp người…
Đã hơn 14 ngày kể từ đêm định mệnh mà vợ chồng ông Be, bà May tiễn đưa người con trai về nơi chín suối nhưng những...