Chân dung tỷ phú VN đầu tiên trên Forbes

Ông Phạm Nhật Vượng vừa trở thành người Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2013 của tạp chí Forbes (Mỹ). Dưới đây là bài viết của tạp chí này về vị Chủ tịch tập đoàn Vingroup.

Một buổi sáng đẹp trời vào tháng 10/2012, đoạn đường Đồng Khởi tấp nập chứng kiến lễ khai trương tòa nhà Vincom Center A, nói chính xác thì đây là một trung tâm mua sắm. Tòa nhà gây sự chú ý lớn không chỉ vì quy mô (hơn 38.000m2 dành cho thương mại, 3 tầng hầm đỗ xe, 300 phòng, khách sạn 5 sao) hay việc thu hút những thương hiệu nổi tiếng (Versace, Hermes, Dior) mà bởi một điều đơn giản rằng là trung tâm này đang được khai trương. Thị trường bất động sản của Việt Nam bị đóng băng sau khi lao dốc mạnh vào năm 2011, với ít nhất 13,5% các khoản vay bất động sản trị giá 10 nghìn tỷ USD của đất nước đã trở thành nợ xấu.

Nhưng Phạm Nhật Vượng, người đàn ông đứng sau dự án thương mại trị giá 500 triệu USD ở giữa khu trung tâm của TP.HCM, không bật sâm-panh ăn mừng, cắt băng khánh thành hay đọc bài phát biểu. Người đàn ông 45 tuổi lặng lẽ quan sát buổi lễ khánh thành từ hàng ghế đầu. “Tôi thích tự mình nhâm nhi hạnh phúc”, ông Vượng giải thích sau đó trong cuộc phỏng vấn tại văn phòng mới rất hoành tráng ở làng Vincom Village ở Hà Nội, một trong những dự án khác của ông.

Tên của người đàn ông này cũng có nghĩa là giàu có, thịnh vượng. Ông thường được nhiều người gọi là Donald Trump của Việt Nam. Ông giờ đã trở thành tỷ phú đầu tiên trong lịch sử Việt Nam  - với tài sản Forbes ước tính là 1,5 tỷ USD dựa trên 53% cổ phần mà ông năm giữ (cả trực tiếp và gián tiếp) tại Vingroup – tập đoàn bất động sản mà ông sáng lập và là doanh nghiệp có giá trị lớn thứ 5 trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Việt Nam vẫn đang phải giải quyết hàng trăm doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả, tham nhũng tràn lan và lạm phát. Sức tăng trưởng 8% trong 1 thập kỷ giờ chỉ còn trong ký ức, và chính sách thắt lưng buộc bụng vẫn đang được áp dụng. Nhưng câu chuyện của ông Vượng là hiện thân của thế hệ Việt Nam thời hậu chiến tranh với thành tích đáng tự hào.

Ông Vượng sinh ra tại Hà Nội năm 1968. Ông Vượng có bố phục vụ trong lực lượng không quân cách mạng, còn mẹ bán hàng vỉa hè. Khi miền Bắc chiến thắng trong cuộc chiến thống nhất đất nước, thì tình hình kinh tế miền Bắc xấu đi trầm trọng. Gia đình ông Vượng nhiều lúc phải sống dựa vào thu nhập ít ỏi của mẹ. “Ước mơ của tôi lúc đó không có gì to lớn. Tôi chỉ muốn giúp đỡ gia đình”, ông Vượng kể.

Ông Vượng vượt qua được hoàn cảnh là nhờ những cuốn sách. Nhờ học giỏi toán, ông được nhận học bổng sang học tại Viện thăm dò địa chất Moscow (Nga). Sau khi ông tốt nghiệp thì Liên Xô sụp đổ, tạo nên hoàn cảnh vừa hỗn độn, lắm tội phạm nhưng cũng nhiều cơ hội. Và ở quê nhà, Việt Nam đang bắt đầu thử nghiệm chính sách đổi mới với một số cải cách dựa trên thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Sau khi kết hôn với người yêu thời đại học, ông Vượng quyết định chưa vội trở về nước để nắm bắt những cơ hội thời Liên Xô tan rã. Đôi vợ chồng trẻ sang Ukraine. Với số vốn 10.000 USD vay được từ bạn bè và gia đình, vợ chồng ông mở một nhà hàng Việt Nam ở Ukraina. Nắm bắt được nhu cầu, ông bắt đầu mở xưởng sản xuất mỳ ăn liền bằng một dây chuyền nhập khẩu từ Việt Nam. Khái niệm mỳ ăn liền hồi đó hoàn toàn mới mẻ đối với người Ukraina. Ông Vượng cho biết hồi đó dân Ukraina rất nghèo và rất đói.

Ông trở về Việt Nam năm 2001 rồi đầu tư vào bất động sản sau khi bán công ty thực phẩm của mình cho Nestle vào năm 2009. Ông sáp nhập Vincom và Vinpearl Land vào năm ngoái để tạo thành tập đoàn VinGroup.

Đây là lần thứ 27 tạp chí Forbes đưa ra danh sách những người giàu có nhất thế giới. Forbes cho biết quá trình lựa chọn những người lọt vào danh sách rất phức tạp. Forbes cử phóng viên đi khắp nơi và tìm hiểu kỹ càng. Để đưa ra con số tài sản ròng, Forbes đánh giá tài sản của từng người dựa trên cổ phần mà họ nắm giữ trong các công ty tư nhân và đại chúng, bất động sản, du thuyền, tác phẩm nghệ thuật và tiền mặt – và tính đến cả tiền nợ. Forbes cố gắng đánh giá tất cả các tiêu chí này đối với từng tỷ phú. Tuy nhiên, có người hợp tác, người không. Forbes tham khảo ý kiến của các chuyên gia bên ngoài trên nhiều lĩnh vực.

Danh sách tỷ phú của Forbes xếp hạng cá nhân chứ không đánh giá các gia đình lớn, nhiều thế hệ có tài sản chung. Vì thế, bà Maja Oeri, người nắm giữ cổ phần trong hãng dược Roche, lọt vào danh sách của Forbes, nhưng 8 người họ hàng của bà Oeri đang điều hành một tổ chức phi lợi nhuận sở hữu khối tài sản 16 tỷ USD lại không được bình chọn. Trong một vài trường hợp, Forbes liệt kê anh chị em cùng nhau nếu tài sản của họ không phân chia rõ ràng, nhưng đạt mức trung bình tối thiểu 1 tỷ USD mỗi người. Trẻ em được nêu tên cùng bố mẹ khi một người trong số họ là người sáng lập và nắm quyền kiểm soát. Trong trường hợp này, tên của người đó sẽ được gắn thêm đuôi “& gia đình”.

Tài sản ròng trong danh sách xếp hạng năm nay là đánh giá trong ngày 14/2 dựa trên giá chứng khoán và tỷ giá hối đoái trên khắp thế giới. Nếu thị trường chứng khoán nào đó không mở vào ngày 14/2, như trường hợp của Đài Loan, Ả-rập Xê-út, Thượng Hải và Thâm Quyến thì Forbes lấy giá của ngày giao dịch trước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trúc Quỳnh (theo Forbes) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN