Chân dung thủ lĩnh biểu tình 17 tuổi ở Hong Kong
Tuy mới 17 tuổi, song cậu sinh viên này là thủ lĩnh của phong trào đấu tranh đòi dân chủ rầm rộ hiện nay ở Trung Quốc.
Mới chỉ là một thiếu niên chưa đủ tuổi lái xe và trông rất gầy gò, yếu đuối, song cậu sinh viên 17 tuổi này lại là thủ lĩnh của một phong trào đấu tranh đòi dân chủ lên tới 120.000 thành viên đang phát động một “cuộc chiến” với chính quyền Hong Kong và Bắc Kinh.
Hàng ngàn người đổ ra đường tham gia biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong
Đó chính là Joshua Wong, người bị truyền thông Trung Quốc gọi là “phần tử cực đoan”, và cũng là người đã hô hào, kêu gọi hàng chục ngàn sinh viên tổ chức bãi khóa, biểu tình đòi quyền được tổ chức bầu cử phổ thông đầu phiếu ở Hong Kong.
Bề ngoài có vẻ hiền lành, rụt rè của Wong khiến người đối diện dễ lầm tưởng cậu là một người yếu ớt, song bên trong cậu sinh viên này lại là một “chiến binh” thực sự với nội lực và quan điểm chính trị mạnh mẽ.
Wong chính là người đã tự mình gây dựng nên phong trào sinh viên vì dân chủ ở Hong Kong ngày nay. Hồi tháng trước, cậu sinh viên năm nhất này đã quyết định nghỉ học để dẫn đầu hàng ngàn học sinh, sinh viên xuống đường đấu tranh đòi dân chủ cho Hong Kong.
Ít ai ngờ cậu sinh viên 17 tuổi gầy gò này lại là thủ lĩnh biểu tình của Hong Kong
Cậu cùng hàng ngàn bạn học quyết định bãi khóa để phản đối quyết định của Bắc Kinh can thiệp vào cuộc bầu cử nhà lãnh đạo Hong Kong sắp diễn ra vào năm 2017, trong đó Bắc Kinh quyết định chỉ những ứng cử viên được họ phê chuẩn mới được tham gia bầu cử.
Là người sáng lập ra nhóm sinh viên vì dân chủ Scholarism, Wong tuyên bố: “Phổ thông đầu phiếu là sứ mệnh của thời đại hiện nay, và thời đại này thuộc về thanh niên, bởi thế hãy để thanh niên hoàn tất sứ mệnh của mình. Thanh niên sẽ luôn là những người tiên phong”.
Phong trào biểu tình của Wong là kết quả của nhiều năm trời tích tụ những nỗi giận dữ của người dân Hong Kong sau một loạt lời hứa bị phá vỡ của chính quyền Hong Kong.
Khi Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997, Bắc Kinh đã nhất trí thực thi chính sách “một đất nước, hai chế độ” và trao quyền tự trị ở mức độ cao cho Hong Kong, trong đó có quyền tự lựa chọn nhà lãnh đạo của mình.
Thế nhưng 17 năm sau, tình hình vẫn không mấy thay đổi. Theo quyết định mới của Bắc Kinh, người dân Hong Kong vẫn bỏ phiếu lựa chọn nhà lãnh đạo tiếp theo, nhưng ứng cử viên tham gia sẽ phải được một ủy ban thân Bắc Kinh phê duyệt, và quyết định này chính là “giọt nước tràn ly” khiến người dân Hong Kong thất vọng và giận dữ.
Cảnh sát Hong Kong sử dụng hơi cay xịt thẳng vào mặt người biểu tình
Tuy chỉ là một cậu sinh viên, nhưng Wong vẫn quyết tâm đứng lên để chống lại quyết định ngày và hy vọng rằng một ngày nào đó, nhóm của cậu sẽ giành được thắng lợi.
Cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên do Wong dẫn đầu đã thu hút được sự ủng hộ to lớn của người dân Hong Kong. Hàng trăm giáo sư đại học, liên đoàn giáo viên Hong Kong đều bày tỏ sự đoàn kết với phong trào đấu tranh của Wong. Hầu hết các trường đại học Hong Kong tuyên bố sinh viên tham gia biểu tình sẽ không bị trừng phạt.
Đây không phải là lần đầu tiên Wong đứng ra tổ chức biểu tình. Năm 2011, khi mới chỉ là một cậu học sinh trung học 15 tuổi, Wong đã bắt đầu hoạt động của mình bằng cách tham gia vào phong trào biểu tình phản đối kế hoạch đưa chương trình giáo dục đạo đức bắt buộc của Trung Quốc vào các nhà trường Hong Kong.
Cảnh sát Hong Kong sử dụng đạn hơi cay để tấn công người biểu tình
Phong trào Scholarism do Wong đứng đầu ra đời trong cuộc biểu tình với nòng cốt là học sinh, sinh viên này. Đến tháng 9/2012, phong trào lôi kéo được 120.000 người tham gia để bao vây, biểu tình trước tòa thị chính Hong Kong gây áp lực. Kết quả là chính quyền Hong Kong đã phải rút lại đề xuất trên.
Sự thành công của phong trào Scholarism đã trở thành nguồn cảm hứng cho học sinh, sinh viên Hong Kong tham gia vào các hoạt động dân chủ. Nhiều sinh viên luôn tự hỏi: “Đến một cậu học sinh trung học như Wong còn làm được, tại sao mình không làm được?”, bởi thế quy mô của Scholarism ngày càng tăng lên.
Đến nay, Scholarism đã có 300 thành viên thường trực là sinh viên, và họ chính là lực lượng nòng cốt đứng ra tổ chức cuộc biểu tình rầm rộ ở Hong Kong hiện nay.
Sau khi bị báo chí Trung Quốc gọi là “phần tử quá khích”, hồi tuần trước, Wong và 4 người biểu tình khác đã bị cảnh sát Hong Kong bắt giữ trong một cuộc biểu tình trước tòa thị chính với cáo buộc tấn công cảnh sát.
5-6 cảnh sát quây vào để bắt thủ lĩnh biểu tình Wong
Tuy nhiên, sau đó tòa án Hong Kong đã ra phán quyết thả tự do cho Wong vô điều kiện sau hơn 40 giờ cậu bị giam giữ, và không có cáo buộc truy tố nào chính thức được đưa ra. Sau khi được thả ra khỏi đồn cảnh sát, Wong lại bắt tay ngay vào cuộc đấu tranh của mình.
Trả lời phỏng vấn CNN, Wong tự tin: “Tôi không cho rằng cuộc đấu tranh của chúng tôi sẽ kéo dài quá lâu. Nếu bạn nghĩ rằng đấu tranh vì dân chủ là một cuộc chiến lâu dài, phức tạp mà bạn vẫn đủng đỉnh, bạn sẽ không bao giờ đạt được điều đó”.