Chân dung “Shark” Thủy và những khoản nợ khổng lồ của Egroup

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Nguyễn Ngọc Thủy (hay còn gọi “Shark” Thủy). Trước khi bị bắt, “Shark” Thủy được biết đến là doanh nhân gây dựng nên tập đoàn nghìn tỷ từ hai bàn tay trắng, phát triển hệ thống Anh ngữ Apax rộng khắp cả nước.

“Shark” Thủy là ai?

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (SN 1982, Hà Nội) thường được gọi với cái tên là “Shark” Thuỷ - một trong những nhà đầu tư được nhiều người biết tới trong chương trình nổi tiếng Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam.

Trong 2 mùa tham gia Shark Tank, ông Thủy là người giữ tỉ lệ vàng của chương trình với lời đề nghị đầu tư vào 9 công ty, trong đó 8 công ty đã được rót vốn với tổng tiền đầu tư lên đến 74 tỷ đồng. Tuy nhiên, không phải lần đầu tư nào của “Shark” Thủy cũng thành công. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cùng biến động của nền kinh tế thế giới, không ít startup được ông Thủy đầu tư đã phải rút lui khỏi thị trường.

“Shark Thủy” bị bắt về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

“Shark Thủy” bị bắt về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Từ khi mới 17 tuổi, ông Nguyễn Ngọc Thủy bắt đầu hợp tác với thầy giáo của mình để mở trung tâm luyện thi đại học. Sau đó, ông thử sức nhiều dự án kinh doanh khác nhau và quyết định từ bỏ chương trình học tập tại Đại học Mỏ - Địa chất.

Năm 2008, ông Thủy thành lập Công ty Egame (tiền thân của Tập đoàn Egroup). Egroup được quảng cáo là đơn vị tiên phong kiến tạo nhiều dự án giáo dục theo ứng dụng công nghệ hiện đại trên thế giới. Ông Thuỷ khát vọng mong muốn xây dựng nên “hệ sinh thái giáo dục” Egroup với chuỗi công ty con chuyên phát triển các lĩnh vực công nghệ thông tin, giáo dục và y tế.

Năm 2017, ông Nguyễn Ngọc Thủy được Enterprise Asia bình chọn là 1 trong 14 doanh nhân xuất sắc nhất tại Việt Nam và được trao tặng giải thưởng Doanh nhân châu Á – Thái Bình Dương (APEA).

Bị tố nợ lương, phụ huynh đòi tiền

Công ty Cổ phần đầu tư Apax Holdings (HOSE: IBC) là một trong những công ty quan trọng nhất trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Ngọc Thủy. Và trong một thời gian dài, Apax English và EnglishNow được xem là “gà đẻ trứng vàng” của Apax Holdings.

Theo giới thiệu, hệ thống này khi cao điểm có hơn 120 trung tâm trên toàn quốc với thương hiệu Apax Leaders, trải rộng tại hơn 30 tỉnh thành với khoảng 120.000 học viên.

Trung tâm anh ngữ Apax Leaders của "Shark" Thủy trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, sáng 26/3. Ảnh: VnExpess

Trung tâm anh ngữ Apax Leaders của "Shark" Thủy trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, sáng 26/3. Ảnh: VnExpess

Trước khi dịch COVID-19 xuất hiện, Apax Holdings có giai đoạn tăng trưởng nóng, doanh nghiệp đi khá nhanh và gặp cú vấp lớn vào năm 2019 khi Egroup mở thêm nhiều trung tâm Anh ngữ nhất, hoạt động trong thời gian rất ngắn đã phải đóng cửa.

Dịch COVID-19 lan rộng, Apax Leaders gặp khó khăn về dòng tiền khi thiếu hụt nguồn thu học phí trong thời gian nghỉ dịch, chi phí lương giáo viên, duy trì hệ thống… Mặt khác, việc có quá nhiều phụ huynh muốn đòi lại tiền học phí đã đóng trước nhiều năm (1-3 năm) với số tiền lớn khiến công ty này rơi vào tình trạng mất cân bằng tài chính.

Trong một công văn giải trình gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) hồi tháng 11/2022, ông Nguyễn Ngọc Thủy cho hay, sau khi rà soát, kiểm tra và xác minh, kết quả cho thấy những vấn đề báo chí đưa ra (về việc nhiều trung tâm bị giáo viên tố nợ lương, phụ huynh đòi tiền) đang là những tồn tại của Apax English; lãnh đạo của Apax English đã và đang phối hợp với Apax Holdings để có những phương án xử lý phù hợp.

"Shark" Thủy tại buổi đối thoại với hơn 100 phụ huynh tại chi nhánh Him Lam, quận 6, TPHCM chiều 15/3/2023

"Shark" Thủy tại buổi đối thoại với hơn 100 phụ huynh tại chi nhánh Him Lam, quận 6, TPHCM chiều 15/3/2023

“Shark” Thủy sau đó lấn sân sang lĩnh vực bất động sản và tiếp tục gặp khó khăn khi thị trường trầm lắng và gần như đóng băng từ năm 2022 tới nay, khiến không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất thanh khoản. Đến cuối năm 2022, chính “Shark” Thủy lại đi tìm nhà đầu tư để cứu mình. Ông Thủy cũng làm việc với các quỹ đầu tư để gọi vốn. Cổ phiếu IBC về mức dưới 2.000 đồng/cp, giảm hơn 10 lần trong thời gian ngắn.

Thua lỗ kỷ lục, nợ cả… BHXH

Năm 2022, Apax Holdings đạt doanh thu 1.336 tỷ đồng, tăng 35% so với kết quả 2021 nhưng lỗ trước thuế lên đến 77 tỷ đồng và lỗ ròng 87 tỷ - đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của IBC.

Tại ngày 31/12/2022, nợ phải trả của Apax Holdings là 3.076 tỷ đồng. Trong đó, tổng vay và nợ thuê tài chính là 1.915 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm còn 1.520 tỷ đồng. Tổng tài sản cuối năm 2022 còn 4.596 tỷ đồng.

Ở thời điểm 31/12/2022, Apax Holdings nắm 66,36% vốn tại Công ty CP Anh ngữ Apax (Apax English hoặc Apax Leaders).

Tuy nhiên, giữa 2022, Apax Leaders bắt đầu lùm xùm liên quan đến chất lượng dạy học, chậm trả lương, nợ lương giáo viên… Trước khi lùm xùm diễn ra, năm 2021, Apax English ghi nhận doanh thu năm 2021 của Apax English là 1.534 tỷ đồng, giảm 11% còn lợi nhuận sau thuế chỉ còn 22 tỷ đồng, giảm 65% so với năm 2020.

Công ty CP Anh ngữ Apax Leaders tại Hà Nội, sáng 26/3. Ảnh: VnExpess

Công ty CP Anh ngữ Apax Leaders tại Hà Nội, sáng 26/3. Ảnh: VnExpess

Không những thế, theo nguồn tin từ Sở GDĐT TP.HCM, đến ngày 12/3/2024, số tiền học phí Apax Leaders phải hoàn trả lại cho học viên là hơn 108 tỷ đồng, Apax Leaders đã trả hơn 14 tỷ đồng, còn nợ gần 94 tỷ đồng. Ngoài ra, Apax Leaders còn nợ lương giáo viên và nhân viên đến tháng 2/2023 với số tiền là trên 11,5 tỷ đồng; nợ tiền thuê mặt bằng là 9 tỷ đồng; nợ thuế tính đến 31/12/2023 là hơn 15 tỷ đồng.

Bảo hiểm xã hội TP.HCM cũng ghi nhận chi nhánh của Apax Leaders còn chậm đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội là 31 tỷ đồng đối với người lao động Việt Nam và 1,3 tỷ đồng với người nước ngoài. Như vậy, tổng số tiền nợ học phí, nợ lương nhân viên, giáo viên, nợ mặt bằng, nợ thuế, bảo hiểm tại địa bàn TP.HCM của Apax Leaders là trên 160 tỷ đồng.

Trong khi đó, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội hồi tháng 2/2024 cũng cho biết, Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax là một trong những doanh nghiệp nợ nhiều nhất với 57 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khác liên quan tới “Shark” Thủy cũng có tình trạng chậm đóng các khoản bảo hiểm cho người lao động suốt thời gian dài. Tổng cộng, hệ sinh thái của ông Nguyễn Ngọc Thủy đang nợ Bảo hiểm xã hội Hà Nội tại thời điểm cuối tháng 11/2023 là khoảng 101,8 tỷ đồng.

Từ những lời tố cáo đến quyết định khởi tố

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an (C03) đang xác minh, giải quyết đơn của nhiều nhà đầu tư tố cáo Nguyễn Ngọc Thủy (Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP tập đoàn giáo dục Egroup, Công ty CP đầu tư và phân phối Egame) lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Công ty CP tập đoàn giáo dục Egroup.

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (trái) và Đặng Văn Hiển tại cơ quan điều tra. Ảnh: Bộ Công an

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (trái) và Đặng Văn Hiển tại cơ quan điều tra. Ảnh: Bộ Công an

Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP tập đoàn giáo dục Egroup, Công ty CP đầu tư và phân phối Egame; Khởi tố bị can, bắt bị can để tạm ra giam đối với Nguyễn Ngọc Thủy và Đặng Văn Hiển (Trưởng Ban quan hệ cổ đông Công ty CP đầu tư và phân phối Egame) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó, nhiều người tại Hà Nội đã ký đơn tố cáo ông Nguyễn Ngọc Thủy có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các loại hợp đồng dưới hình thức tiền gửi. Từ năm 2017 đến 2022, qua giới thiệu của bạn bè, người quen, nhóm nguyên đơn được biết ông Thủy có nhu cầu huy động vốn đầu tư cho Egroup với mức lãi suất hấp dẫn 15%/năm. Vì tin tưởng danh tiếng, uy tín của Nguyễn Ngọc Thủy thông qua hệ thống Anh ngữ Apax và chương trình “Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank” nên họ đã nộp cho Thủy vài trăm tỷ đồng.

Ngoài ra, năm 2023, Công an TP.HCM cũng vào cuộc xác minh hàng trăm đơn tố cáo của phụ huynh, cho rằng bị Công ty CP Anh ngữ Apax Leaders “chiếm đoạt tiền học phí” khoảng 6 tỷ đồng. Trong đơn, họ cho biết đã phải chi hàng trăm triệu đồng mua khóa học tiếng Anh tại Apax Leaders cho con nhưng các cháu không được học vì trung tâm đã đóng cửa, đòi lại tiền thì không được.

Không chỉ tại TP.HCM, từ cuối năm 2022 đến nay, Apax Leaders bị nhiều phụ huynh tại một số tỉnh thành khác khiếu nại vì chất lượng giảng dạy không như cam kết, “ôm tiền bỏ rơi khách hàng” và yêu cầu hoàn trả học phí.

Ngay sau khi ông Nguyễn Ngọc Thủy bị bắt, sáng 26/3, Công ty cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup đã phát đi thông cáo cho biết “Shark” Thủy đã ủy quyền điều hành và toàn bộ quyền sở hữu cổ phần, quyền cổ đông tập đoàn và công ty con Egame cho em gái ruột là bà Nguyễn Thị Dung.

Cùng ngày, Công ty cổ phần Anh ngữ Apax - chủ quản chuỗi trung tâm dạy tiếng Anh Apax Leaders, cho biết sẽ tạm dừng xác nhận học phí và công nợ học phí với phụ huynh trong thời gian giới chức điều tra. Công ty cũng ngừng việc hoàn học phí đến khi có kết luận của cơ quan chức năng.

Nguồn: [Link nguồn]

Ông Nguyễn Ngọc Thủy - "Shark" Thủy, Chủ tịch Egroup, bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tùng Linh ([Tên nguồn])
Shark Thủy bị bắt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN