Chân dung 32 nữ cảnh sát đặc nhiệm

Chỉ mới 20-23 tuổi, xinh đẹp, giỏi võ, sử dụng thành thạo nhiều loại súng - đó là chân dung 32 nữ cảnh sát đặc nhiệm đầu tiên của VN, đang được huấn luyện tại tiểu đoàn cảnh sát đặc nhiệm số 1 (Bộ tư lệnh cảnh sát cơ động - Bộ Công an, Hà Nội).

“Ở đây, con gái cũng phải huấn luyện như con trai, cũng 5h sáng thức dậy và 7h ra thao trường. Sáng và chiều chạy 4km. Sáng nào tụi em cũng chạy một vòng quanh sân từ 800-1.000m. Đó chỉ là bài tập khởi động cho một ngày của cảnh sát đặc nhiệm thôi. Các bạn nam học gì chúng em học nấy. Nhưng có lẽ là phụ nữ nên được kéo dài thời gian học lên gấp rưỡi” - Mai Thu Trang, cô cảnh sát 21 tuổi người Sơn La, trắng như một nụ hoa ban, nháy mắt bảo.

32 người “như hoa, như ngọc”

Chỉ khóc ngoài giờ huấn luyện

“32 cô gái của trung đội cảnh sát đặc nhiệm được tuyển chọn ngay từ đầu vào cách đây hai năm tại Trường trung cấp Cảnh sát vũ trang. Họ phải là những cảnh sát đặc nhiệm thực thụ, phải nắm vững tất cả kỹ chiến thuật tác chiến như nam nên tất cả bài huấn luyện phải trải qua hết. Thường thì các cô ấy chỉ khóc ngoài giờ luyện tập chứ trên thao trường thì lì lắm. Sau khóa huấn luyện chín tháng, tùy vào năng khiếu của từng người sẽ được điều vào các tổ tác chiến cho phù hợp” - trung tá Nguyễn Anh Tuấn, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn cảnh sát đặc nhiệm số 1, nói.

Sáng nay, 32 “bông hồng” thực hành bài huấn luyện kỹ thuật xuống dây chiến thuật ở một tòa nhà năm tầng cao gần 30m. Lần lượt từng người trong tiểu đội 1 đeo dây bảo hiểm, bao tay rồi đi bộ lên sân thượng để thực hành. “Khép chân vào”, “Rộng cái nách ra”, “Hai cánh tay vuông góc”, “Tay trái làm sao thế kia?”, “Cơ hông đâu?”..., huấn luyện viên (nam học viên khóa trước) ở dưới đất liên tục nhắc. Khó nhất ở bài huấn luyện này là phần “xuống dây ngược”: đầu chúc ngược xuống đi trước, chân đi sau. Các nữ cảnh sát đặc nhiệm tương lai này phải mất ba ngày để làm quen với động tác đeo dây bảo hiểm, mắc khóa, phanh, xoay người trên độ cao gần 30m và dốc đầu xuống đất theo chiều dây buông rồi nhẹ nhàng trượt theo đường dây xuống các tầng.

Có mặt trên tầng năm của tòa nhà, các huấn luyện viên vừa giữ dây vừa giúp các học viên đeo dây bảo hiểm vào người. Không quá nghiêm khắc như đối với các học viên nam, huấn luyện viên Nguyễn Khắc Trường Sơn tỏ ra khá dịu dàng khi nhắc nhở các động tác cho các cô gái trẻ. “32 người bọn họ đều như hoa như ngọc thế kia, ai nỡ quát” - anh Sơn nhoẻn miệng cười khi được hỏi về việc huấn luyện kỹ thuật khá khó và mạo hiểm cho các cô gái.

Chân dung 32 nữ cảnh sát đặc nhiệm - 1

Một nữ cảnh sát đặc nhiệm lao mình xuống đất trong bài huấn luyện xuống dây chiến thuật

“Lần đầu tiên dốc đầu xuống em chóng mặt lắm, máu dồn hết lên mặt. Chị nhìn Hạnh mà xem” - Đoàn Thị Linh (20 tuổi, Quảng Ninh) vừa nói vừa chỉ về phía cô gái đang treo mình ở đầu dây trên cùng. Đôi tai Hạnh đỏ lửng trên gương mặt con gái đỏ bừng bừng. Kỹ thuật xuống dây chiến thuật không chỉ đòi hỏi sự can đảm mà còn yêu cầu chính xác từng động tác. Nếu không thực hiện đúng kỹ thuật, mặt có thể sẽ bị chà vào tường. Chỉ cần sơ sểnh ở khâu đeo dây an toàn hoặc móc khóa, tay phanh... đều có thể xảy ra nguy hiểm. “Có lần nhìn các bạn đội dây tập đau quá, em không cầm được nước mắt. Có bạn chân bị sưng tấy, chỉ khóc có một tẹo là mặt lại tươi như hoa. Em hỏi, bạn bảo: mình mà đau là mọi người lại lo nên mình không khóc, không kêu đâu” - Lê Giang, cô gái 21 tuổi người Thái Bình, đội khí công, thì thầm.

Nhanh và khéo léo

“Phụ nữ thể trạng không được như nam giới nhưng 32 bông hồng này sau năm tháng huấn luyện đã trở thành “hoa xương rồng” rồi” - huấn luyện viên Vũ Văn Hưng dí dỏm bảo. “Họ có hạn chế về thể lực nên thời gian huấn luyện dành cho các cô gái thường lâu hơn nam - huấn luyện viên Trường Sơn nói thêm - Tuy nhiên, phụ nữ lại có ưu điểm là kiên trì. Khi họ đã nắm được kỹ thuật thì thực hành rất nhanh và còn khéo léo hơn cả nam giới”.

“Tụi em đã được học vận động leo tường, kỹ chiến thuật leo dây, đẩy sào, võ tổng hợp, khí công, bắn súng... Món nào cũng hấp dẫn” - Phương Dung, cô cảnh sát 22 tuổi người Thái Nguyên, từng sở hữu đai vàng thiếu lâm tự, hào hứng nói. Cô nàng nở nụ cười tươi rói, kể chuyện học bắn các loại súng (súng ngắn, súng dài, súng bắn tỉa) với những bài huấn luyện bắn ban đêm, bắn phối hợp đồng đội khi tác chiến, bắn ở nhiều kiểu tư thế, tình huống... “Lần đầu ra sân bắn, nghe tiếng súng em thấy hơi sợ. Có bạn bật khóc. Bây giờ tụi em lại thích nghe tiếng súng. Có bạn bắn rất chuẩn, bắn điểm xạ ba viên đều trúng tâm” - Dung kể.

Cô gái này hiện là một trong những gương mặt sáng giá của đội võ tổng hợp. Dung đã trải qua những bài huấn luyện đánh tình huống rất gay cấn, chưa kể những bài võ thể dục trong ngành và võ công an nhân dân (mỗi động tác là một chiến thuật có thể đối kháng). Dung kể: “Khi học, người đánh chính là tụi em, còn các anh là người bị “ăn đòn”. Các anh đã dặn người đánh chính phải đánh hết khả năng nhưng sợ các anh đau nên em... không nỡ. Có lần đánh thật, về áy náy quá, cứ nghĩ mãi”. Sân võ của các cô gái chân yếu tay mềm ấy là nền bêtông chứ không phải thảm. Ngã là ngã thẳng xuống bêtông. Việc bị trặc chân, giãn dây chằng, bị trẹo cổ, bầm tay tím chân... là chuyện bình thường. “Mới đầu tập võ về đau mình mẩy, xước da, chảy máu... tụi em còn gọi điện về nhà nhõng nhẽo. Sau này thấy quen quá nên thôi” - Dung bật cười khoe. Thùy Linh ngồi bên cạnh, nói thêm: “Học võ xong đứa nào cũng bị đen. Ba tháng học võ mà cứ một ngày tám tiếng ngoài thao trường, chưa kể học võ ngoại khóa, có tháng nắng kéo dài tới hơn 5h chiều vẫn gắt, đứa nào cũng đen kịt. Tụi em phải thoa kem chống nắng, tránh được ngần nào hay ngần ấy. Con gái mà...”.

Công phá bêtông bằng chân


Thu Trang là một trong năm gương mặt nữ hiếm hoi của đội khí công gồm 17 người. Nhìn Trang, không dám nghĩ cô gái mặt hoa da phấn kia lại dám nằm trên hàng trăm mảnh thủy tinh với một khối bêtông gần 80kg đè lên ống chân để đồng đội dùng búa tạ phá vỡ! Trang tự tin bảo: “Mấy ngày đầu tập về em mệt đến mức ngủ bị bóng đè. Vài lần đầu còn bị xây xước da, bị đau người nhưng bây giờ thì như “lên thần”, làm lúc nào cũng được”.

Trang sôi nổi kể về chuyện tập luyện công phá gạch ngói bằng tay, trên tay; công phá bêtông bằng chân, nhu cốt công (đập bêtông trên bụng trong tư thế uốn dẻo), cách vận khí để tránh bị chấn thương... Để làm được điều vốn chỉ thấy nhiều trên phim ảnh, mỗi ngày đều đặn ba lần (sáng, chiều, tối) Trang và các bạn phải thiền từ 30-60 phút. Họ cũng phải kiên trì vượt qua những ngày tập nhũ công, làm quen với khả năng chịu đựng sức nặng của cơ thể bằng cách đặt bêtông nặng từ 20-80kg lên tay, chân. “Khi đó mình phải tĩnh tâm, tập trung ý niệm vào một cánh tay, đôi chân cho cứng lại, bụng gồng lên” - Trang cười, nói rất nhẹ nhàng. Thiếu tá Trần Bảo Chiến - tiểu đoàn phó tiểu đoàn cảnh sát đặc nhiệm số 1 - khẳng định: “Nhìn họ công phá bêtông bằng tay, để người khác đập bêtông trên người... tưởng dễ dàng nhưng thật sự phải rất nỗ lực, quyết tâm, bản lĩnh mới thực hiện được”.

Không chỉ học xuống dây chiến thuật, bắn súng, võ thuật, các nữ cảnh sát đặc nhiệm tương lai còn phải học cả bơi đặc nhiệm (bơi bí mật) ngay trên sông. “Tụi em không mặc bikini đâu mà đứa nào cũng có một lô quần đùi nam - Thu Trang bật cười kể - Tụi em chỉ học bơi vào mùa đông, lúc mưa gió nên rất lạnh. Lạnh đến độ thấy nghẹt thở. Nhiều đứa tím tái không nói được. Chưa xuống nước thì sợ chứ xuống rồi lại không muốn lên bờ vì ấm hơn. Nhiều lần đang bơi thấy ếch nhái, cóc nhảy ùm ùm bên cạnh, có bạn khóc toáng lên. Những ngày đầu tập đứa nào cũng bị uống nước. Có khi lặn xuống bị quấn dây thép gai chảy máu không biết, lên thấy chân xước hết”.

Ai cũng có tài lẻ

“Lúc đầu em cảm thấy rất áp lực và hoang mang. Em nghĩ: làm sao để xứng đáng với cái từ “nữ cảnh sát đặc nhiệm đầu tiên của VN. Sau một thời gian huấn luyện, em nghĩ rằng mình làm được, càng tập càng tự tin” - Lê Giang tâm sự. Các cô bảo đừng nghĩ họ là cảnh sát đặc nhiệm thì cứng nhắc, khô khan. Có người ngày nào cũng viết nhật ký. Cô nào cũng có tài lẻ: hát hay, múa rất đẹp. Mùa đông các cô còn đan khăn len tặng người yêu, làm hoa giấy để trên đầu giường. “Sắp tới tụi em sẽ đi rừng hành quân huấn luyện các chiến thuật đánh bắt độ nửa tháng” - Thu Trang (tiểu đội trưởng tiểu đội 2) mỉm cười nói, nụ cười hồn nhiên và tươi giòn của tuổi 21.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo My Lăng - Hoàng Điệp ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN