Chậm triển khai nhà ở xã hội: Bộ trưởng Xây dựng nói gì?

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng giải đáp thắc mắc của người dân về tiến độ chậm của các dự án nhà ở xã hội.

Đó là một trong những nội dung chính tại chương trình "Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” tối 12.7, phát sóng trên VTV.

Chúng tôi xin chuyển đến Bộ trưởng câu hỏi đầu tiên từ một cặp vợ chồng trẻ: "Sau khi tốt nghiệp đại học và quyết định ở lại Hà Nội để làm việc, chúng tôi vẫn ước mơ mua một căn hộ giá rẻ. Với thu nhập của hai vợ chồng chỉ hơn 10 triệu/tháng, chúng tôi ngày ngày nghe ngóng mọi thông tin về các dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, chúng tôi thấy tiến độ triển khai các dự án này rất chậm.

Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, một đại biểu cũng đưa ra ý kiến là chính sách nhà ở xã hội rất tốt cho người dân, tuy nhiên, tiến độ triển khai còn rất chậm. Vậy xin được hỏi Bộ trưởng tại sao tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội lại chậm như vậy?

Đến nay các nghị định, thông tư hướng dẫn phát triển nhà ở xã hội đang được hoàn thiện. Trong năm 2015, Luật Nhà ở xã hội mới đi vào cuộc sống, nói như vậy để thấy rằng chính sách của chúng ta vẫn còn rất mới.

Tuy vậy, trong những năm vừa qua, chúng ta đã phát triển được 40.000 nhà ở xã hội, đáp ứng cho gần 200.000 người dân.

Mặc dù vậy, việc triển khai các dự án nhà ở xã hội vẫn còn chậm. Nguyên nhân là chính sách mới hoàn thiện. Bên cạnh đó, đây là chiến lược phát triển lâu dài, chứ không phải trung hạn, ngắn hạn.

Mặt khác, phát triển nhà ở xã hội cần rất nhiều tiền, trong khi ngân sách nhà nước không có để đầu tư mà cần phải xã hội hoá.

Một mâu thuẫn nữa là phát triển nhà ở xã hội ở đô thị yêu cầu là phải chất lượng nhà tốt, phải kiểm soát giá rẻ để phù hợp với người có thu nhập thấp. Vì vậy, nhà ở xã hội không hấp dẫn với các nhà đầu tư. Đây cũng là nguyên nhân khiến các nhà ở xã hội chậm triển khai, thực hiện.

Chậm triển khai nhà ở xã hội: Bộ trưởng Xây dựng nói gì? - 1
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng (Ảnh: VGP)

Vậy thưa Bộ trưởng, Bộ Xây dựng đang có những giải pháp như thế nào để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội?

Để đẩy mạnh việc triển khai nhà ở xã hội, chúng ta phải đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển nhà ở, trong đó tạo môi trường để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.

Thứ hai là sự vào cuộc của các cơ quan Trung ương và đặc biệt là vai trò của các địa phương trong việc lập chương trình làm việc, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, coi đây là nhiệm vụ chính trị của kế hoạch 5 năm và hằng năm.

Các địa phương cần tập trung chuẩn bị quỹ đất, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, cũng như các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội một cách thuận lợi nhất.

Đồng thời cũng tạo điều kiện cho người dân đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho cán bộ, công nhân các khu công nghiệp được thuê để cải thiện chỗ ở mà pháp luật đã cho phép.

Làm được như vậy, tôi tin tưởng rằng là chắc chắn từng bước những người có nhu cầu sẽ được tiếp cận và cải thiện nhà ở cho mình.

Một số công nhân ở Bắc Ninh gửi thư chia sẻ, cứ 4 công nhân ở đây thì chỉ có một chỗ ở, những người còn lại phải đi rất xa để tìm chỗ trọ khác. Tuy nhiên, ở Đông Anh thì một số công nhân cho biết là có nhà ở xã hội nhưng không vào vì chưa đủ dịch vụ y tế, giáo dục. Vậy xin được hỏi Bộ trưởng làm thế nào để giải quyết vấn đề này khi nơi thì không có nhà ở xã hội, nơi thì có nhưng cơ sở hạ tầng không đồng bộ?

Để phát triển nhà ở công nhân thì vai trò của các cấp chính quyền và sự chỉ đạo của các cơ quan thuộc Chính phủ trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách là rất quan trọng. Nhưng điều cần được quan tâm ở đây là trong nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, cũng như trong Luật Nhà ở và các nghị định hướng dẫn sắp ban hành thì yêu cầu là phải gắn phát triển các khu công nghiệp với việc phát triển nhà ở.

Bởi các khu công nghiệp tạo ra sự gia tăng cơ học về người lao động rất nhanh, nếu chúng ta không chủ động quỹ đất để phát triển nhà ở thì người công nhân sẽ rất khó khăn trong việc cải thiện nhà ở.

Do vậy, phải gắn phát triển công nghiệp với phát triển nhà ở, trong đó đặc biệt lưu ý lấy dịch vụ phục vụ nhà ở làm trọng tâm để nâng cao chất lượng cuộc sống của người công nhân, lao động.

Trong đó làm thế nào để người công nhân có chỗ gửi trẻ, học hành, mua sắm và khám chữa bệnh tại chỗ. Phải kết nối giao thông công cộng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm chi phí của người lao động... vừa nâng cao chất lượng cuộc sống vừa giảm áp lực lên hệ thống hạ tầng giao thông.


Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN