Chậm trả lương, thưởng Tết cho người lao động bị xử phạt thế nào?
Doanh nghiệp có thể bị xử phạt nếu như chậm trả lương, thưởng Tết cho người lao động.
Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang đến. Càng về cuối năm, nhu cầu chi tiêu, mua sắm đón năm mới của người dân càng tăng cao, do đó, những người đi làm luôn mong ngóng khoản tiền lương, thưởng Tết.
Tuy nhiên, vào dịp này, một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động cố tình nợ lương, trì hoãn trả thưởng cho nhân viên, người lao động. Vậy những trường hợp này sẽ bị xử phạt thế nào?
Trả lương chậm bị tính lãi
Điều 94 Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định, người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động.
Thời hạn trả lương sẽ được các bên thỏa thuận rõ trong hợp đồng lao động hoặc ghi nhận trong quy chế riêng của doanh nghiệp.
Mỗi doanh nghiệp sẽ quy định thời hạn trả lương riêng, có nơi trả lương ngày 05 hoặc ngày 10 đầu tháng, có nơi lại trả lương ngày 15, hoặc thậm chí trả lương vào ngày cuối cùng của tháng.
Doanh nghiệp có trách nhiệm trả lương cho người lao động theo đúng thời hạn đã thỏa thuận hoặc được quy định trong quy chế mà không được chậm lương của nhân viên.
Bộ luật Lao động năm 2019 chỉ cho phép doanh nghiệp được chậm lương trong 01 trường hợp duy nhất, quy định tại khoản 4 Điều 97 như sau: Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày.
Như vậy, nếu không có lý do bất khả kháng thì doanh nghiệp không được phép chậm lương của người lao động; còn nếu chậm thì không được quá 30 ngày.
Doanh nghiệp, người sử dụng lao động có thể bị xử phạt nếu như chậm trả lương, thưởng Tết cho người lao động. Ảnh minh họa
Theo khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động chậm lương lương nhân viên có thể bị tính thêm tiền lãi và bị xử phạt.
Cụ thể: Chậm lương do trường hợp bất khả kháng: Bị tính thêm tiền lãi nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên. Lãi chậm trả tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản trả lương.
Chậm lương vì các lý do khác: Căn cứ khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, người sử dụng lao động sẽ bị phạt hành chính từ 05 - 50 triệu đồng (dựa trên số lượng người lao động bị chậm lương).
Cụ thể: Phạt từ 05 - 10 triệu đồng nếu chậm lương của 01 - 10 người lao động; Từ 10 - 20 triệu đồng: Chậm lương của 11 - 50 người lao động; Từ 20 - 30 triệu đồng: Chậm lương của 51 - 100 người lao động; Từ 30 - 40 triệu đồng: Chậm lương của 101 - 300 người lao động; Từ 40 - 50 triệu đồng: Chậm lương của 301 người lao động trở lên.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động. Mức lãi chậm trả tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.
Thưởng được chi trả theo thỏa thuận
Đối với khoản thưởng Tết, Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 chỉ quy định về hình thức thưởng có thể bằng tiền hoặc tài sản hoặc các hình thức khác mà không đề cập đến thời điểm trả thưởng.
Do đó, việc trả thưởng sẽ được thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy chế nội bộ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có nghĩa vụ thực hiện đúng các nội dung thỏa thuận và quy chế do chính doanh nghiệp ban hành.
Thực tế, các doanh nghiệp thường trả thưởng Tết cùng với kỳ trả lương trước Tết hoặc vào một thời điểm khác thích hợp nhưng vẫn kịp để người lao động sắm Tết.
Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định 12/2022/NĐ-CP không quy định về mức phạt đối với hành vi chậm thưởng Tết. Do đó, chưa có chế tài để xử phạt doanh nghiệp vi phạm.
Nguồn: [Link nguồn]
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội đã có thông tin về dự báo tình hình tiền lương, thưởng Tết trên địa bàn thành phố năm 2022.