Chậm trả lương có thể bị phạt 50 triệu

Doanh nghiệp, cơ quan chậm trả lương cho người lao động có thể bị phạt từ 5 triệu đến 50 triệu đồng.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”.

Lương thử việc dưới 85%, phạt 5 triệu

Theo Nghị định, cơ quan, doanh nghiệp hay người sử dụng lao động có thể bị phạt 5 triệu đến 50 triệu đồng nếu trả lương không đúng hạn theo quy định cho người lao động.

Theo Điều 96 Bộ Luật lao động, trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 1 tháng. Người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.

Như vậy kể cả trường hợp đặc biệt, người sử dụng lao động trả lương chậm quá 1 tháng sẽ bị xử phạt mức tiền trên. Chậm lương đối với 1 đến 10 lao động, phạt 5 triệu đồng. Chậm lương đối với trên 300 lao động, phạt 50 triệu đồng.

Chậm trả lương có thể bị phạt 50 triệu - 1

Doanh nghiệp hay người sử dụng lao động có thể bị phạt 5 triệu đến 50 triệu đồng nếu trả lương không đúng hạn (Ảnh minh họa)

Cũng phạt đến 50 triệu đồng nếu huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày.

Trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định (tối thiểu hiện nay là 1.050.000 đồng/tháng), có thể bị phạt 20 triệu đến 75 triệu đồng. Đối với dưới 11 lao động, phạt 20 triệu – 30 triệu. Đối với trên 50 lao động, phạt đến 75 triệu đồng.

Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó hoặc thử việc quá thời gian quy định sẽ bị phạt 2 triệu đến 5 triệu đồng.

Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có định thời hạn trên 3 tháng, sẽ bị phạt 500.000 đồng đến 20 triệu đồng. Phạt cảnh cáo hoặc tiền 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu yêu cầu thử việc đối với người lao đông làm việc theo hợp đồng mùa vụ.

Phạt nếu không cho người lao động nghỉ

Phạt người sử dụng lao động 2 triệu đến 5 triệu đồng nếu không bảo đảm cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca, nghỉ về việc riêng, nghỉ không hưởng lương đúng quy định.

Phạt 20 triệu đến 25 triệu đồng nếu thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá 48 tiếng/tuần và 8 tiếng/ngày. Vi phạm quy định nghỉ hằng tuần, hằng năm, nghỉ lễ tết sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 15 triệu đồng.

Chậm trả lương có thể bị phạt 50 triệu - 2

Doanh nghiệp vi phạm quy định nghỉ hằng tuần, hằng năm, nghỉ lễ tết sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 15 triệu đồng (Ảnh minh họa)

Phạt cảnh cáo hoặc tiền 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh.

Phạt 10 triệu đến 20 triệu nếu sử dụng lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ, làm ban đêm hoặc đi công tác xa. Sẽ phạt mức tương tự nếu không cho lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi nghỉ 60 phút/ngày; Sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với lao động nữ vì có thai, kết hôn, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Người sử dụng lao động sẽ bị phạt đến 15 triệu đồng nếu dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

Ngoài ra, Nghị định còn quy định doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hoặc đóng không đúng mức cho người lao động sẽ bị phạt 12% - 15% tổng số tiền phải đóng (tối đa không quá 75 triệu đồng).

Trường hợp không đóng bị phạt 18%-20% tổng số tiền phải đóng. Cảnh cáo hoặc phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với người lao động nếu thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Không xây dựng kế hoạch đào tạo hằng năm để nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động, sẽ bị phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Phạt 2 triệu đến 5 triệu đồng nếu không không công khai tại nơi làm việc về thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng.

Đối với người lao động, sẽ bị phạt đến 2 triệu nếu cản trở việc thực hiện quyền đình công hoặc kích động, lôi kéo ép buộc người lao động đình công. Trù dập hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, kỷ luật người lao động tham gia đình công sẽ bị phạt 5 triệu đồng.

Các trường hợp bị phạt cảnh cáo là: Không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình; Không trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú. Ngoài ra người thuê giúp việc bị buộc thanh toán tiền tàu xe cho người giúp việc.

Thẩm quyền xử phạt các vi phạm trong Nghị định mới này thuộc về chủ tịch UBNĐ xã đến tỉnh, thanh tra lao động cấp sở đến bộ, Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước, người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự... Tùy từng loại vi phạm và mức độ, các cấp có thẩm quyền xử phạt khác nhau. Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 10/10/2013.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thư Lê ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN