Cha, mẹ bỏ rơi con bị phạt 10 triệu đồng

Đó là theo dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và chăm sóc, bảo vệ trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc trẻ em sẽ bị xử phạt nặng.

Theo dự thảo, nếu cha, mẹ bỏ rơi con, người giám hộ bỏ rơi trẻ em được mình giám hộ sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng. Hành vi tập hợp, chứa chấp, cho thuê, cho mượn trẻ em để đi lang thang kiếm sống, ăn xin hoặc thực hiện các hoạt động khác nhằm mục đích trục lợi sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
 
Các hành vi lạm dụng lao động trẻ em, sử dụng trẻ em làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại, làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 -  40 triệu đồng.

Mức phạt cao nhất từ 30 - 50 triệu đồng được đề xuất áp dụng đối với hành vi dùng tiền, vật chất, uy tín hoặc lợi ích khác, dùng các thủ đoạn nói dối, gian lận, dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng uy quyền để dụ dỗ, lôi kéo trẻ em mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy. Đây là khung mức phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Cha, mẹ bỏ rơi con bị phạt 10 triệu đồng - 1

Các hành vi lạm dụng trẻ em sẽ có chế tài phạt nặng

Phạt từ 10 - 40 triệu đồng đối với các hành vi dụ dỗ, lừa dối, dẫn dắt, chứa chấp, ép buộc trẻ em hoạt động mại dâm; xâm hại tình dục trẻ em. Các hành vi như dùng tiền, vật chất, uy tín hoặc các lợi ích khác để lôi kéo trẻ em đánh bạc; tổ chức cho trẻ em đánh bạc, để trẻ em chứng kiến, tham gia phục vụ đánh bạc dưới mọi hình thức; Bán cho trẻ em, để trẻ em mua, bán, cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích khác có hại cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ em; Để trẻ em chứng kiến việc sử dụng trái phép chất ma túy dưới mọi hình thức... sẽ chịu mức phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng.

Các hành vi cản trở việc học của trẻ em; áp dụng biện pháp có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm hoặc dùng nhục hình đối với trẻ em vi phạm pháp luật; sử dụng cơ sở vật chất dành cho việc học tập, sinh hoạt, vui chơi, giải trí của trẻ em vào mục đích khác làm ảnh hưởng đến lợi ích của trẻ em… cũng bị phạt các mức cụ thể.

Theo ban soạn thảo, khi Nghị định có hiệu lực thì sẽ góp phần ngăn chặn các hành vi xâm hại tới quyền, sức khỏe của các đối tượng yếu thế nêu trên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Tâm (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN