Cha, con và chuyến bay định mệnh

Ít ai biết đại úy Dương Lê Minh có cha là phi công, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, cách đây 11 năm đã chấp nhận hy sinh để tránh máy bay rơi vào khu du lịch

Những ngày qua, cả “xóm nhà binh” ở tổ 1, phường Lộc Thọ, TP Nha Trang như lặng đi trước tin máy bay của đại úy Dương Lê Minh gặp nạn ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cả xóm bàng hoàng

Khi hay tin máy bay gặp nạn, người dân dõi thông tin từng phút việc tìm kiếm với hy vọng phép màu xảy ra. Nhưng mọi hy vọng tắt lịm trong tiếc thương vô hạn khi hay tin anh và đồng đội tử nạn.

“Ông trời sao lại bất công đến thế. Cướp đi một người cha anh hùng, giờ lại cướp cả người con” - bà Bùi Thị Minh Huệ, hàng xóm của đại úy Minh, nghẹn giọng.

Cha, con và chuyến bay định mệnh - 1

Ông Nguyễn Bá Thẩn, đồng đội cũng là hàng xóm với Anh hùng lực lượng vũ trang Dương Văn Thanh 

Cha, con và chuyến bay định mệnh - 2

Phi công, Anh hùng lực lượng vũ trang Dương Văn Thanh khi còn sống (ảnh tư liệu)

Đại tá Phạm Văn Đông, Phó Chính ủy Trường Sĩ quan Không quân (đóng tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), đau buồn cho biết đại úy Dương Lê Minh chính là con trai của Anh hùng Lực lượng Vũ trang Dương Văn Thanh, cố phi công lão luyện ở trường sĩ quan này.

Gia đình anh Minh sống rất chan hòa, thân thiện. Minh từ nhỏ hiền lành, học giỏi. Biết tin Minh theo nghiệp cha, trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Không quân, hàng xóm ai cũng mừng. Bà Huệ nhiều lần nói vui với mẹ Minh là bà Lê Thị Minh Thủy: Sau này, hai nhà làm sui gia...

Nào ngờ năm 2005, cha Minh là thượng tá Dương Văn Thanh (nguyên Phó Đoàn trưởng Đoàn Không quân C10, Quân chủng Phòng không - Không quân, giảng dạy tại Trường Sĩ quan Không quân) hy sinh trong một chuyến bay tập. Tưởng Minh ngã khụy sau cú sốc ấy nhưng anh vẫn quyết theo con đường cha đã chọn. “Mới năm ngoái, Minh còn dẫn vợ con về thăm mẹ. Nó còn đến nhà hàng xóm hỏi thăm sức khỏe từng người. Nó vẫn hiền lành, đẹp trai như ngày nào” - bà Huệ đặt tay lên ngực như cố nén tiếng khóc chỉ chực vỡ òa.

Nối nghiệp cha

Vừa là hàng xóm, vừa là đồng đội cũ của Anh hùng Lực lượng Vũ trang Dương Văn Thanh, ông Nguyễn Bá Thẩn (cựu cán bộ phụ trách kỹ thuật của Trường Sĩ quân Không quân) nhớ lại: “Trước khi anh Thanh hy sinh, chúng tôi còn ngồi uống nước với nhau. Anh Thanh tự hào vì Minh mới trúng tuyển, theo nghiệp phi công của mình. Ngờ đâu, trong khi bay huấn luyện, anh Thanh đã chấp nhận hy sinh cứu máy bay trục trặc kỹ thuật không để rơi vào khu du lịch”.

Ông Thẩn trầm giọng rồi nói tiếp: “Hồi đó, chúng tôi tâm sự, hỏi tâm tư nguyện vọng của Minh, có muốn chuyển ngành học kỹ thuật mặt đất hay không nhưng cháu quyết tâm tiếp tục học tập và rèn luyện, theo đuổi niềm say mê của cha”. Ông Thẩn cho biết ai cũng quặn thắt khi hay tin đại úy Minh gặp nạn.

Theo các tài liệu của Trường Sĩ quan Không quân, thượng tá Dương Văn Thanh là giảng viên bay, sử dụng thành thạo 3 loại máy bay với hơn 2.195 giờ bay; trực tiếp đào tạo 48 phi công tốt nghiệp ra trường. Thượng tá Thanh đảm trách thành công nhiệm vụ bắn đạn thật về đề tài sử dụng rốc-két C5-KO, lắp đặt trên máy bay L-39 của Quân chủng Phòng không - Không quân.

Ngày 29-4-2005 trở thành ngày định mệnh với ông. Khoảng 15 giờ 25 phút, chuyến bay L-39 mang số hiệu 8732 do thượng tá Thanh cùng học viên phi công Đào Việt Hưng đang bay huấn luyện chiến đấu thì đột ngột chết máy trên không. Máy bay lao vào hướng đảo Hòn Tre. Thượng tá Thanh bình tĩnh báo cáo về Sở Chỉ huy bay và được lệnh “Đồng chí được phép nhảy dù thoát hiểm”. Trong khoảnh khắc ấy, thượng tá Thanh ra lệnh cho phi công Hưng nhảy dù, còn mình cố gắng điều khiển máy bay lướt sang trái, tránh lao vào khu du lịch trên đảo. Sau đó, máy bay đã không còn đủ độ cao để thực hiện các thao tác thoát hiểm và bị rơi xuống biển. Ngày 9-1-2007, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho thượng tá Dương Văn Thanh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kỳ Nam (Người lao động)
Trực thăng rơi ở Bà Rịa - Vũng Tàu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN