Cha bé trai Syria chết đuối sẽ quay lại Thổ Nhĩ Kỳ
Đó không phải là một cuộc tị nạn như hàng triệu người Syria khác, mà là hành trình giải oan cho chính mình của ông Abdullah Kurdi.
Khác với tuyên bố chỉ muốn ở lại quê hương để chăm sóc ngôi mộ của vợ và hai con, ông Abdullah Kurdi, cha của cậu bé Aylan Kurdi bị chết đuối thương tâm hôm 2.9, sẽ quay lại Thổ Nhĩ Kỳ để chứng minh mình không phải là kẻ buôn người.
Ông Abdullah Kurdi đã mất vợ và hai con trong một hành trình di cư xuyên đại dương.
Đây là một động thái khá bất ngờ nhưng không mấy khó hiểu, bởi ngay sau cái chết của vợ và hai con, ông Abdullah đã bị một cặp vợ chồng đi cùng thuyền cáo buộc ông là kẻ buôn người. Theo đó, bà Zainab Abbas và người chồng tên Ahmed Hadi Jawwad nói ông Abdullah chính là kẻ cầm đầu một đường dây buôn người, mà sau đó chiếc thuyền chở những người tị nạn hôm 2.9 đã bị lật làm chết 12 người.
Trong lúc chưa nguôi nỗi đau mất đi những người thân yêu, Abdullah lại phải đối mặt thêm với những lời chỉ trích đó, khiến ông tuyên bố sẽ sang Thổ Nhĩ Kỳ tìm cho bằng được người phải chịu trách nhiệm trong thảm kịch. Theo ông, đó là một người có tên Abu Hussein.
“Tôi không biết đó có phải là tên thật của anh ta hay không, nhưng tôi biết khuôn mặt của người này. Tôi có thể tìm thấy anh ta từ một triệu người”, ông Abdullah nói với Daily Mail.
“Chắc chắn tôi sẽ tìm được anh ta. Lý do duy nhất tôi trở lại Thổ Nhĩ Kỳ là để tìm người đàn ông này”, ông khẳng định.
Ông Abdullah cho biết, ông đã phải trả tổng cộng 2.900 bảng Anh (tương đương 4.500 USD) để đưa gia đình mình lên con tàu vượt đại dương sang đảo Kos của Hy Lạp. Trước cuộc hành trình định mệnh đó, ông đã hai lần cố đưa gia đình qua Hy Lạp nhưng đều thất bại.
Ông tiết lộ thêm: “Chúng tôi đưa tiền cho người đàn ông này. Anh ta cầm tiền và sau đó dẫn chúng tôi tới thuyền. Khi chúng tôi tới bến, một chàng trai khác gọi anh ta và nói “họ đến rồi”. Sau đó, họ đưa tiền cho chủ sở hữu của chiếc thuyền”.
Ngoài ra, “còn có liên quan tới một người khác được gọi là Ahmed, người Thổ Nhĩ Kỳ. Tất cả những người tôi vừa nói, họ làm việc với nhau. Tôi không biết những tên gọi kia là tên thật hay họ của họ nữa”, ông kể và cho biết, cả Hussein, Ahmed và thêm một người Syria đều thuộc nhóm buôn người nhưng họ không lên thuyền trong chuyến đi.
Ahmed Hadi Jawwad (bên trái) cùng vợ Zainab (bên phải) và cô con gái còn sống sót. Vợ chồng ông cáo buộc ông Abdullah chính là kẻ buôn người trong vụ lật thuyền làm chết hai người con của họ (di ảnh bên cạnh).
Ông Abdullah không biết tên của người lái thuyền nhưng cho biết đó là một người Thổ Nhĩ Kỳ. Ông kể: “Khi nhìn thấy cơn sóng lớn, người này đã nhanh chóng bỏ rơi con thuyền”. Ông cho rằng thuyền trưởng đã tìm đường thoát thân, bỏ rơi hàng chục nhân mạng trên chiếc thuyền sắp bị nhấn chìm.
Được hỏi về người mà ông cho rằng họ phải chịu trách nhiệm trước sự mất mát của vợ và hai con, ông Abdullah khẳng định: “Những kẻ buôn người”. “Họ sử dụng một con thuyền có sức chứa chỉ 10 người nhưng lại chở tới hơn 20 người, họ chỉ nghĩ tới tiền bạc”, ông nói.
“Tôi tin vào số phận, những kẻ này phải có trách nhiệm. Họ không có đạo đức, không có lương tâm và chỉ biết có tiền”, ông Abdullah bức xúc.
Ông kể thêm: “Sau khi gia đình tan nát, mất vợ, mất cả các con, tôi đã đi dò hỏi mọi người. Trên một chiếc xe buýt, tôi gặp một đại gia đình người Kurk, tôi có hỏi họ về nơi họ dự định tới. Họ nói rằng họ muốn đi đến châu Âu. Lúc này tôi đã kể cho họ nghe về hoàn cảnh của tôi, những gì đã xảy ra với tôi và tôi khuyên họ đó là một hành trình nguy hiểm”.
Mô tả cuộc sống của mình kể từ khi tai họa ập xuống gia đình, ông Abdullah cho biết: “Sau khi thảm họa xảy ra với gia đình tôi, tôi có thể nói rằng cuộc sống của tôi đã chấm hết. Trước đó, hằng ngày, vợ tôi mang cho tôi một tách cà phê, còn các con tôi xin tôi chuối. Nhưng bây giờ, mỗi khi thức dậy, chỉ còn một mình tôi và tôi cảm thấy cuộc sống đã hoàn toàn chấm hết”.
“Nhập cư không phải là giải pháp. Giải pháp là dừng chiến tranh”, ông nói thêm.
“Tôi cảm thấy cuộc sống đã hoàn toàn chấm hết”, ông Abdullah nói.
Sau thảm kịch, người cha đáng thương này đã được Thủ tướng Iraq Nechervan Idris Barzani mời tới thăm trại tị nạn ở đây. Ngoài ra, ông còn được một người đàn ông ở Kuwait (một quốc gia ở Trung Đông) dành tặng 3.000 bảng Anh.
“Tôi nói tôi không muốn nhận số tiền này, nhưng nếu bạn muốn, tôi sẽ nhận nó. Và như một tổ chức từ thiện, tôi sẽ chuyển số tiền này cho những người có nhu cầu. Giờ đây tôi không cần bất kỳ một sự giúp đỡ nào cho bản thân tôi nữa”, ông chia sẻ.