CH Trung Phi: Những tay súng tuổi lên 10

Không ít trẻ mới 10 tuổi không chỉ bị quân nổi dậy và các tổ chức khủng bố bắt cầm súng chiến đấu, mà còn trở thành nô lệ tình dục, Liên Hợp Quốc cho biết.

Khi nhóm vũ trang nổi dậy đang ngồi trong căn phòng thuộc khu trại của lực lượng nổi dậy ở CH Trung Phi, một cậu bé nhảy lên để chào khách đến thăm và cười toét miệng để lộ hàm răng trắng tinh. Cậu bé nói mình 14 tuổi và tham gia vào quân nổi dậy cách đây 3 tháng.

Có vẻ cậu bé đã lỡ miệng. Một nữ chỉ huy mặc đồng phục cảnh cáo: “Chúng tôi sẽ giết cậu nếu cậu nói chuyện với họ”.

Cấp trên của tay súng nữ này bật dậy từ ghế nhựa, nhìn cậu bé chằm chằm rồi nói: “Không có đứa trẻ nào ở đây hết”.

Dù lực lượng nổi dậy phủ nhận, cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc cho biết “có bằng chứng rõ ràng khẳng định các nhóm vũ trang đang tuyển và sử dụng trẻ em” ở CH Trung Phi.

Phóng viên của hãng tin AP cho biết đã nhìn thấy mấy chục đứa trẻ đứng trong lực lượng nổi dậy Seleka ở thủ đô Bangui, hơn 3 tuần sau khi tình trạng bạo động buộc tổng thống phải rời bỏ đất nước.

Bọn trẻ di chuyển trên xe tải cùng các tay súng người lớn, và trong trường hợp phải đi bộ hành quân, chúng bị giám sát chặt chẽ bởi các tay súng mang vũ khí hạng nặng.

CH Trung Phi: Những tay súng tuổi lên 10 - 1

Cậu bé đứng trong hàng ngũ quân nổi dậy Seleka ở CH Trung Phi. Bức ảnh chụp ngày 27/3/2013. (Nguồn: Washington Post)


Trẻ em thậm chí còn bị sử dụng trong các trận đấu súng khốc liệt ở Bangui. Chúng tham gia trực tiếp vào những toán quân ở Nam Phi và quanh thủ đô, một số binh lính Nam Phi sống sót sau vụ đụng độ cho biết.

“Chỉ sau khi thôi nổ súng thì chúng tôi mới nhìn thấy mình đã giết trẻ em. Chúng tôi không đến đây để làm điều đó, để giết bọn trẻ”, một lính nhảy dù kể lại với báo chí Nam Phi.

“Điều đó khiến tôi không cầm lòng được. Chúng gào khóc kêu cứu, gọi mẹ”.

Bộ trưởng Quốc phòng Nam Phi Nosiviwe Mapisa-Nqakula nói rằng quân lính của bà không còn lựa chọn nào khác là phải bắn trả bọn trẻ đang nổ súng về phía họ.

“Nếu binh lính của chúng tôi bị bọn trẻ tấn công thì họ phải tự bảo vệ mình. Chẳng lẽ khi chúng bắn bạn thì bạn lại…hôn gió?” bà Mapisa-Nqakula nói.

Không thể chấp nhận

Những kẻ tuyển trẻ dưới 15 tuổi tham gia chiến trường bị coi là phạm tội ác chiến tranh, và Tòa án công lý quốc tế từng kết tội cựu lãnh chúa Congo cưỡng ép trẻ em chiến đấu.

Có những đứa trẻ mới 10 tuổi không chỉ bị quân nổi dậy bắt cầm súng chiến đấu, mà còn trở thành nô lệ tình dục, làm việc khuân vác và nấu nướng, Liên Hợp Quốc cho biết.

“Tuyển dụng trẻ em vừa không thể chấp nhận về mặt đạo đức, vừa bị cấm theo luật quốc tế. Chúng tôi kêu gọi thế hệ lãnh đạo mới ở CH Trung Phi bảo đảm rằng trẻ em trong các nhóm vũ trang phải được giải phóng ngay lập tức và bảo vệ chúng không bị sử dụng như vậy trong tương lai”, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) Souleymane Diabate, tuyên bố hôm 20/4.

Thậm chí trước vụ nổi dậy mới nhất vào tháng 12 năm ngoái, UNICEF cho biết hơn 2.000 trẻ em ở CH Trung Phi bị sử dụng trong rất nhiều nhóm vũ trang đang gây bất ổn ở vùng miền bắc đất nước.

Sử dụng trẻ em trong xung đột quân sự là điều xảy ra khá thường xuyên ở một trong những nước nghèo nhất thế giới.

Ở đất nước mà tuổi thọ trung bình của nam giới chỉ là 49 năm và nhiều trẻ em phải làm việc từ khi còn rất nhỏ thì các nhóm nổi dậy ở CH Trung Phi không coi 14 là tuổi còn quá trẻ để cầm súng AK-47.

UNICEF cho biết các nhóm nổi dậy tạo thành liên minh ngày hôm nay trước đây cũng là những đứa trẻ bị ép phải cầm súng sớm.

Tình trạng cướp bóc và xung đột đang lan tràn ở CH Trung Phi, nhất là tại thủ đô Bangui sau khi lực lượng phiến quân Seleka giành quyền kiểm soát từ cuối tháng 3 năm nay.

Tình hình nước này vẫn đang rất hỗn loạn khi giao tranh giữa phe nổi dậy và quân đội diễn ra dữ dội ở nhiều khu vực.

Liên minh châu Âu hôm 23/4 tuyên bố sẽ không khôi phục chương trình viện trợ lương thực trị giá 200 triệu USD cho Trung Phi cho đến khi đất nước này khôi phục chế độ pháp quyền.

Nicolas Tiangaye, Thủ tướng của chính phủ chuyển tiếp, đang ở Brussels để kêu gọi nhà tài trợ lớn nhất duy trì rót tiền cho đất nước bất ổn triền miên.

_________________________
 
Rất nhiều trẻ em không chỉ phải cầm súng, làm nô lệ tình dục, mà còn bị dụ dỗ, bị ép buộc học cách đánh bom tự sát. Các tổ chức khủng bố nhồi nhét vào đầu chúng rằng, ngay sau khi ôm bom nổ tung thì chúng sẽ được lên thiên đường. Mời độc giả đón đọc bài Số phận trẻ em phải ôm bom tự sát vào ngày ngày 30/4/2013.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trúc Quỳnh (theo AP, Washington Post) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN