CCCD bị lỗi vân tay, dân bó tay khi đi công chứng
Với trường hợp CCCD bị lỗi vân tay, công chứng viên có quyền từ chối công chứng vì không xác định được danh tính một người.
Thời gian gần đây, theo ghi nhận của PV, các công chứng viên (CCV) tại các văn phòng công chứng (VPCC) đang gặp khó khăn khi kiểm tra và xác minh hồ sơ của người đến công chứng vì dấu vân tay trên CCCD gắn chip bị lỗi.
Điều này ảnh hưởng không ít đến các giao dịch hằng ngày của người dân.
Soi bằng kính lúp cũng không so sánh được
CCV Nguyễn Thanh Huyền, VPCC Dương Đức Hiếu (TP.HCM), cho biết thời gian qua, trong quá trình công chứng hay gặp trường hợp dấu vân tay trên CCCD của người đến công chứng bị mất nét, thiếu nét hoặc vân tay bị nhòe dẫn đến không thể so sánh được vân tay khi lăn trực tiếp.
“Không biết là do máy lăn vân tay trong đợt làm CCCD này bị lỗi hay là do đâu nhưng tôi thấy CCCD cũ ít bị lỗi hơn. Có những người vân tay không những bị mất nét, mà lại còn nguyên một màu đen, không có một đường vân nào. Gặp những trường hợp như vậy, các CCV phải rất vất vả để xác minh chủ thể giao dịch” - ông Huyền chia sẻ.
Tương tự, CCV Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng VPCC Bình Phước (tỉnh Bình Phước), cũng cho biết văn phòng của mình cũng rất hay gặp tình trạng không thể đối chiếu dấu vân tay của khách hàng khi đến công chứng vì dấu vân tay trên CCCD bị lỗi.
“Mục đích của việc đối chiếu dấu vân tay là để xác định chính xác người tham gia các giao dịch, tránh tình trạng gian lận mạo danh người khác khi đi công chứng. Vân tay của khách hàng bị nhòe, mất, thiếu nét thì các CCV soi bằng kính lúp cũng không thể đối chiếu được” - ông Hùng thông tin.
Cũng theo CCV Trần Thị Việt (một VPCC tại tỉnh Bình Dương), có trường hợp khi đối chiếu dấu vân tay trên CCCD và dấu vân tay lăn trực tiếp thì lại không thể đối chiếu được vì vân tay trên thẻ toàn một màu đen (không có đường vân).
“Khi tôi đưa trường hợp này lên các diễn đàn công chứng, mới biết các CCV ở rất nhiều nơi cũng gặp tình trạng tương tự” - CCV Việt nói.
Người dân đến làm thủ tục tại một văn phòng công chứng ở TP.HCM. Ảnh: HỮU ĐĂNG
Công chứng sai chủ thể rất nguy hiểm
Nói về hệ quả của việc CCCD bị lỗi dấu vân tay, CCV Nguyễn Thanh Hùng cho biết theo quy định của Luật Công chứng, người dân khi đi công chứng phải mang theo các giấy tờ tùy thân để xác định danh tính người tham gia giao dịch.
Nhiệm vụ của các CCV là chứng nhận tính xác thực của các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch liên quan đến mua bán, chuyển nhượng tài sản. Do đó, kiểm tra danh tính một người khi đi công chứng là rất quan trọng, tránh tình trạng giả mạo người khác.
Theo ông Hùng, trên CCCD có các thông tin như hình ảnh, đặc điểm nhân dạng và dấu vân tay của một người. Tuy nhiên, hình ảnh và đặc điểm nhân dạng của một người theo thời gian có thể bị thay đổi nhưng dấu vân tay thì không. Mỗi người có một dấu vân khác nhau và xác thực một người qua dấu vân tay luôn đạt độ chính xác lên tới trên 95%.
Do đó, khi dấu vân tay bị lỗi, bằng các nghiệp vụ khác nếu CCV cảm thấy vẫn chưa chắc chắn danh tính của khách hàng thì có quyền từ chối công chứng. Vì nếu công chứng một giao dịch mà sai chủ thể thì rất nguy hiểm.
“Trước thực trạng này, tôi kiến nghị ngành công an tiến hành hỗ trợ cấp đổi thẻ CCCD cho người dân với dấu vân tay rõ ràng, đầy đủ hơn” - ông Hùng chia sẻ.
Vân tay trên thẻ CCCD của một người bị mất nét, toàn màu đen (không có vân). Ảnh: VPCC cung cấp
Theo CCV Nguyễn Thanh Huyền, hiện nay cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vẫn chưa được chia sẻ dữ liệu cho các VPCC nên khi CCCD bị lỗi, các CCV gặp khó khăn khi xác minh thông tin một người. Trong nhiều trường hợp không thể xác minh được nhân thân một người, CCV sẽ từ chối công chứng. Người dân cần liên hệ công an địa phương để làm thủ tục cấp đổi CCCD.
Về việc cấp đổi CCCD, luật sư Lê Dũng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết khoản 2 Điều 4 và điểm c khoản 2 Điều 5 Thông tư 59/2019 của Bộ Tài chính quy định trường hợp đổi CCCD khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu: Lệ phí cấp đổi là 50.000 đồng/CCCD.
Trường hợp đổi CCCD khi có sai sót về thông tin trên CCCD do lỗi của cơ quan quản lý CCCD thì không phải nộp lệ phí.
Thủ tục cấp đổi căn cước công dân Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 59/2021 và Điều 5 Thông tư 60/2021 của Bộ Công an, công dân liên hệ công an nơi thường trú hoặc tạm trú để làm thủ tục cấp đổi thẻ CCCD. Quy trình cấp đổi sẽ trải qua tám bước. - Cán bộ công an sẽ tìm kiếm thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ cấp, đổi, cấp lại CCCD. - Tiến hành mô tả đặc điểm nhân dạng của công dân. - Thu nhận vân tay của công dân. - Chụp ảnh chân dung của công dân. - In phiếu thu nhận thông tin CCCD cho công dân kiểm tra, ký, ghi rõ họ tên. - Thu lệ phí theo quy định. - Thu hồi CMND, CCCD cũ. - Cấp giấy hẹn trả kết quả giải quyết cấp, đổi, cấp lại CCCD cho công dân. Luật sư LÊ DŨNG, Đoàn Luật sư TP.HCM |
Nguồn: [Link nguồn]
Dự kiến trong tháng 12/2021, thẻ CCCD gắn chíp sẽ kết nối với cơ sở dữ liệu về thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép...