Cây xanh gây họa: Phải có địa chỉ trách nhiệm!
Liên tiếp những ngày qua, nhiều cây xanh bất ngờ gãy đổ gây chết người. Thế nhưng, trách nhiệm và việc bồi thường cho các nạn nhân đã không được cơ quan chức năng đặt ra
Ngày 29-8, gia đình đã đưa thi thể anh Từ Minh Khải về quê ở Đắk Nông an táng. Anh Khải bị cây dầu cổ thụ trên đường An Dương Vương (phường 3, quận 5, TP HCM) ngã đè trúng trong cơn mưa lớn vào chiều 28-8.
“Nghĩ lại còn rùng mình”
Trước đó, sáng 26-8, dù không có mưa gió, một nhánh cây dầu cổ thụ trong Công viên Tao Đàn (phường Bến Nghé, quận 1) cũng bất ngờ rơi trúng bà Trương Thị Ngọc Mai gây trọng thương, sau đó tử vong.
Ngày 6-7, một cây bạch đàn đường kính khoảng 50 cm, cao gần 20 m trên đường Phạm Văn Bạch (phường 15, quận Tân Bình, TP HCM) bị bật gốc đè sập 2 căn nhà. Người dân nơi đây cho biết đã từng phản ánh với Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP về việc cây này bị nghiêng nhưng chưa được xử lý.
Hiện trường vụ cổ thụ ngã đè chết người trên đường An Dương Vương, quận 5, TP HCM vào chiều 28-8 Ảnh: SỸ ĐÔNG
Trở lại hiện trường vụ cây dầu cổ thụ trên đường An Dương Vương, người dân nơi đây vẫn còn bàng hoàng. Ông Nguyễn Văn Bê (62 tuổi, làm nghề sửa xe máy) cho biết thường ngày, ông làm việc trước con hẻm nhỏ, ngay vị trí cây đổ. Rất may, chiều 28-8 mưa lớn, ông nghỉ sớm nên thoát chết. “Hôm đó là chiều chủ nhật, ít người qua lại hơn thường ngày nên số người bị nạn ít. Đây cũng là nơi nhiều người chạy xe ôm thường uống cà phê. Nghĩ lại còn rùng mình” - ông Bê nói. Theo ông Bê, cách đây vài ngày, một nhánh cây dầu cũng bị gãy rớt xuống quán cà phê ven đường. May mà không trúng ai, dù lúc đó có nhiều người uống cà phê. “Những cây dầu này chắc cũng cả trăm tuổi rồi, ít nhánh. Tôi làm việc ở đây được gần hai năm nhưng chỉ vài lần thấy nhân viên cây xanh tới cưa vài nhánh khô” - ông Bê kể.
Nhiều người dân nơi đây cho rằng cây dầu này tuy lớn nhưng chỉ có vài rễ ngang, không có rễ cọc. Với hệ thống rễ như vậy thì không thể đỡ nổi cây cao cả chục mét. Trước đó, một đơn vị thi công hệ thống cống ngầm hai bên đường An Dương Vương, có thể một phần hệ thống rễ cây đã bị chặt đứt.
Nguy hiểm trên từng tuyến đường
Theo Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP, đơn vị này đang chăm sóc hơn 90.000 cây xanh các loại tại TP. Thống kê các năm gần đây cho thấy hệ thống cây xanh trên địa bàn đang bị xâm hại bằng nhiều hình thức như đào đường, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xây dựng nhà cao tầng, làm vỉa hè… dẫn đến nguy cơ mất an toàn, nhất là mùa mưa. Về nguồn quỹ hỗ trợ tai nạn cây xanh, đại diện công ty cho rằng hiện nay vẫn chưa được hướng dẫn và sử dụng. Khi có sự cố cây xanh xảy ra trên địa bàn do đơn vị quản lý làm ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng người dân thì tùy theo trường hợp cụ thể, công ty sẽ xem xét và đề xuất mức hỗ trợ phù hợp.
Chiều 29-8, chúng tôi liên hệ lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP để làm rõ trách nhiệm khi để xảy ra những sự cố cây xanh đè chết người nhưng đến tối cùng ngày vẫn không có câu trả lời.
Đề cập mối nguy hiểm cây đổ, kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm, Chánh Văn phòng Hiệp hội Công viên Cây xanh Việt Nam, cho biết TP HCM cần có kế hoạch thay thế dần các cây lâu năm như dầu, sao, sọ khỉ, lim xẹt… Theo ông Kiểm, cách đây khoảng 15 năm, khi còn làm việc tại Công ty Công viên Cây xanh TP, ông đã có danh sách cụ thể những cây cần đốn và thay thế nhưng các cơ quan chức năng chỉ ghi nhận và chưa thực hiện. “Cây xanh đô thị bên cạnh việc phải bảo đảm yêu cầu về cảnh quan, cải thiện môi trường, tạo bóng mát… thì bảo đảm an toàn về tài sản và tính mạng của người dân là yếu tố quan trọng nhất. Hiện TP còn trên 5.000 cây dầu loại 3 (có chiều cao hơn 12 m như trên đường An Dương Vương) tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm” - ông Kiểm thông tin. Về độ tuổi cây cần phải thay thế, ông Kiểm cho biết đối với cây sao, dầu thì nên từ 80-100 tuổi; sọ khỉ từ 60-80 tuổi; me, phượng 40-60 tuổi; lim xẹt dưới 40 tuổi.
“Cây dầu đôi khi biểu hiện bên ngoài vẫn còn tươi nhưng có thể trong gốc đã bị mục tuy chưa đến mức làm héo lá mà các phương tiện không đủ hiện đại để khảo sát. Cây sao dễ bị tét nhánh ở các cành thứ cấp bám không chặt vào cây” - ông Kiểm cảnh báo.
Luật sư Nguyễn Thành Công, Công ty Luật Đông Phương: Không phải bất khả kháng nếu... Theo điều 626 Bộ Luật Dân sự năm 2005, quy định về việc bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra như sau: “Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gãy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”. Điều luật trên xác định trách nhiệm bồi thường thuộc về chủ sở hữu cây cối nếu thiệt hại là do cây cối đổ, gãy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng. Chủ sở hữu cây cối ở đây là nhà nước nhưng việc quản lý cây xanh đã được giao cụ thể từng công ty nên nếu có thiệt hại xảy ra thì công ty quản lý cây xanh là nơi có trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, muốn xác định trách nhiệm bồi thường trong vụ việc trên thuộc về ai thì phải xác định việc cây đổ có thuộc trường hợp bất khả kháng hay không. Điều 161 Bộ Luật Dân sự quy định về sự kiện bất khả kháng như sau: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Vậy, cổ thụ đổ có phải là không thể lường trước và không thể khắc phục được hay không? Nếu trước khi sự cố xảy ra đã có người thông báo tới cơ quan quản lý cây xanh về nguy cơ gãy đổ của cây này mà cơ quan quản lý không kịp thời khắc phục thì khi cây bật gốc do mưa bão, không thể coi đó là sự kiện bất khả kháng. Hoặc nếu cổ thụ nói trên đã bị mục rỗng, già cỗi, rễ cây trơ trọi... mà không được chặt hạ, dịch chuyển kịp thời, đến khi cây đổ do mưa gió thì cũng không thể coi là sự kiện bất khả kháng. Luật sư Nguyễn Văn Cường, Đoàn Luật sư TP HCM: Có thể yêu cầu khởi tố Cây xanh gãy đổ làm chết người trên đường An Dương Vương, quận 5 có dấu hiệu về tội phạm hình sự vì việc chết người này không phải do nguyên nhân tự nhiên mà là tác động từ bên ngoài. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điều 98 Bộ Luật Hình sự, tội vô ý làm chết người. Tuy nhiên, việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay không cần phải dựa vào kết quả điều tra, xác minh ban đầu của Công an quận 5, theo quy định tại điều 103 Bộ Luật Tố tụng Hình sự. Về trách nhiệm dân sự, đã có thiệt hại về tính mạng và tài sản xảy ra và thuộc trường hợp ngoài hợp đồng, được quy định tại điều 608, 610, 626 Bộ Luật Dân sự. Người đại diện hợp pháp của nạn nhân có thể gửi đơn yêu cầu kèm chứng cứ đến đơn vị quản lý cây xanh để thương lượng bồi thường. Trường hợp không thương lượng được, có thể khởi kiện ra tòa, đồng thời gửi đơn tố cáo, kèm chứng cứ đến Công an quận 5, VKSND quận 5 để yêu cầu điều tra, truy cứu trách nhiệm và khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định. Làm rõ nguyên nhân Đối với vụ cây đổ trên đường An Dương Vương, đại tá Nguyễn Văn Tiến - Trưởng Công an quận 5, TP HCM - cho biết ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công an quận 5 đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi để làm rõ vụ việc. “Sáng 29-8, lãnh đạo UBND quận 5 đã họp và yêu cầu các ban, ngành liên quan vào cuộc làm rõ vụ cây xanh ngã đè chết người. Về phía cơ quan điều tra thì tích cực phối hợp với đơn vị quản lý cây xanh và cơ quan giám định làm rõ nguyên nhân, khi nào có kết luận cụ thể sẽ thông tin” - ông Tiến nói. S.Hưng |