Cây trôi cổ thụ hơn 300 tuổi ở Nghệ An chết khô sau khi được 'bảo dưỡng'
Cây trôi cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) bất ngờ chết khô sau khi được đầu tư hàng trăm triệu đồng để tôn tạo nền đất, cảnh quan và chăm sóc và “bảo dưỡng” cây.
Cây trôi cổ thụ kể trên ở làng Yên Lạc (xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương). Ông Nguyễn Mạnh Quý - Bí thư Chi bộ xóm Yên Lạc cho biết, làng Yên Lạc hình thành từ cách đây 500 năm, cây trôi này là chứng tích lịch sử của làng. Từ nhỏ, ông Quý đã nghe các cụ cao niên trong làng kể nhiều chuyện về cây trôi này, ông cũng chỉ nghe nói nó đã tồn tại trên 300 năm.
Gốc cây trôi xù xì, phải nhiều người ôm mới xuể
Gốc cây trôi này có đường kính 4m, cao hàng chục mét, cành tỏa rộng, gốc cây có nhiều ụ lớn. “Hằng năm đến mùa này, cây cho quả rất nhiều. Người dân trong làng ra hái quả để ăn. Quả trôi nhỏ hơn quả xoài, khi chín ăn rất thơm và ngọt”, bà Trần Thị Lương, nhà ở gần cây trôi cổ thụ này nói.
Theo người dân địa phương, trong chiến tranh, máy bay Mỹ đã ném 2 quả bom xuống gần cây trôi, một quả chui vào lòng đất, một quả phát nổ khiến một số cành cây bị gãy, một hố bom khá to nằm gần gốc cây, nhưng cây trôi vẫn không ảnh hưởng gì lớn, tiếp tục xanh tốt.
Sau khi được chăm sóc đặc biệt, cây trôi 300 năm tuổi lại chết khô
Để giữ gìn giá trị của di sản này, từ nhiều năm qua, người dân địa phương đã có ý thức bảo vệ cây. Người dân đã kè đá, trồng cây ở mép sông để đất không bị lở, đe dọa đến cây trôi và không ai dám xâm hại đến cây.
Nhằm tôn tạo lại khu đất xung quanh cây để giúp cây phát triển và tạo cảnh quan, làng Yên Lạc đã vận động được hơn 200 triệu đồng để thực hiện. Đầu năm 2020, kế hoạch này được thực hiện với mục tiêu biến khu đất 4.000 m2 này thành “công viên lịch sử” để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Ban xây dựng của xóm đã đứng ra tổ chức thuê người chở đất màu ở ngoài đồng về để tôn cao nền đất quanh gốc cây và xây bờ kè để bảo vệ cây và tạo cảnh quan. Trong quá trình thi công, ban xây dựng đã bón 1 bao phân đạm NPK 25kg xung quanh cây và bù đất cao khoảng 1m quanh khu vực gốc cây.
Trên cảnh cây trôi chỉ còn lại những lớp cây ký sinh
Sau khi tôn tạo xong, đầu năm 2021, cây trôi ra lá non, nhưng sau đó do xuất hiện rất nhiều sâu ăn lá nên xóm đã thuê 1 người đến phun thuốc trừ sâu cho cây. Không lâu sau, cây trôi bị rụng lá hoàn toàn. Đến nay, cây trôi đã chết khô, cành cây đã bị mục, nhiều mảng vỏ cây bị bong ra khỏi thân cây.
“Theo quy định thì cây trôi này hội đủ các tiêu chí để được công nhận Cây di sản. Bởi vậy nên chúng tôi dự tính sau tôn tạo sẽ làm thủ tục để đăng ký Cây di sản Việt Nam. Tiếc là kế hoạch không thành, giờ cây đã chết rồi”, ông Quý tiếc nuối nói.
Xà cừ cổ thụ 150 tuổi bị nghiêng khá nhiều ra giữa lòng đường, nguy cơ bị ngã đổ nên đang được di dời đến vị trí mới.
Nguồn: [Link nguồn]