Cây ổi “cười” nổi tiếng xứ Thanh bây giờ ra sao?
Mỗi lần chạm nhẹ vào thân cây ổi, những chiếc lá sẽ rung lên bần bật giống như đang cười.
Sự tích cây ổi “cười”
Nằm trong khuôn viên di tích Lam Kinh thuộc địa phận hai huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc (Thanh Hóa), cây ổi “cười” đã quá nổi tiếng với những ai một lần đặt chân đến nơi này để kính viếng vua Lê.
Theo ông Tạ Trung Dũng (60 tuổi), quản lý ở khu di tích Lam Kinh, cây ổi “cười” do ông Trần Hưng Dẫn (thôn Hành Thiện, Nam Định) cung tiến năm 1933.
Ông Dẫn vốn hiếm muộn con nên đã cầu tự trước mộ vua Lê Thái Tổ, nhờ đó mà ông hạ sinh được quý tử. Để tỏ lòng thành, ông cung tiến 4 tượng voi, 2 cây long não và cây ổi để trồng trong khu lăng mộ. Đến nay, dòng tộc ông Dẫn đang sinh sống ở Hải Phòng, mỗi đời chỉ có một người con trai nối dõi tông đường.
Ông Tạ Trung Dũng đang xoa tay thử để cảm nhận nguồn điện từ cây ổi cười gần nhà thờ Bác Hồ
Ông Dũng cho biết thêm, cây ổi được phát hiện biết “cười” từ năm 1994. Trong một lần viếng thăm mộ vua, một du khách ngồi cạnh cây ổi đã phát hiện ra điều kỳ lạ này.
“Khi "cù" vào gốc, tất cả lá cây đều rung rinh. Hơn thế, nếu nắm tay vào một đoạn thân cây, nhắm mắt lại, đa số mọi người đều có cảm giác lâng lâng, quay cuồng đầu óc và rung lắc như bị cành cây giật đi”, ông Dũng nói.
Cuối năm 2001, nhà thơ Hoàng Ngọc Phác (quê Phú Thọ) sau một lần viếng thăm vua Lê, bằng tâm hồn nhạy cảm của một thi sĩ khi thấy những điều kỳ lạ ở cây ổi nên đã đặt tên cho nó là cây ổi “cười.
Cũng kể từ đấy, mỗi khi đến viếng mộ vua Lê, du khách không thể bỏ qua một lần chiêm ngưỡng và thử cảm giác với cây ổi “cười”.
Chuyện ít người biết về cây ổi “cười”
Giữa tháng 10/2017, chúng tôi có dịp gặp lại cây ổi “cười” trong một lần đến viếng thăm lăng mộ vua Lê. Cây ổi dáng huyền, mang thế rồng chầu dù đã 84 tuổi nhưng vẫn xanh tốt.
Cây ổi cười nằm bên phải ngôi mộ vua lê, mang dáng rồng chầu.
Ông Dũng cho hay: “Dù đã cao tuổi nhưng mùa nào cây cũng cho quả, khi chín thơm lừng. Chúng tôi vẫn hái mang đến dâng lên mộ vua”.
Khi chúng tôi khẽ chạm tay vào thân cây, những chiếc lá bắt đầu rung rinh như thể đang cười chào đón những du khách đặt chân tới đây.
Để cảm nhận rõ hơn nguồn điện trong thân cây ổi, chúng tôi xoa nhẹ lên vỏ cây nhiều lần cho nóng rồi cầm mạnh vào. Có cảm giác một luồng khí chạy vào cánh tay của mình.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong khu di tích Lam Kinh không chỉ có một mà có tới 2 cây ổi biết “cười”. Một cây nằm ở khu di tích, bên cạnh nhà thờ Bác Hồ. Cây còn lại nằm ở bên phải lăng mộ vua Lê.
Điều đặc biệt ở cây ổi “cười” tại khu lăng mộ vua Lê, mỗi khi bị “cù”, không chỉ có cây ổi cười mà cả cây rau ngót bên cạnh cũng rung rinh cười theo.
“Tôi nghe các cụ kể lại hai cây ổi được trồng cùng một lúc ở hai nơi khác nhau, có thế và dáng khác nhau nhưng đều có chung một điều kỳ lạ là đều có thể cười mỗi khi có người gãi vào gốc”, ông Dũng cho hay.
Cũng theo ông Dũng, năm 2003, PGS.TS Hà Đình Đức và ông Trần Quốc Vượng cùng hai vị khách khi đến thăm lăng mộ, phát hiện điều kỳ lạ này nên đã ngồi lại để nghiên cứu. Họ phát hiện ra, thân cây ổi có một luồng điện mà mỗi khi người gãi hoặc xoa nhẹ vào, vỏ cây nóng lên và truyền đến các lá.
Năm 2008, Bộ Khoa học Công nghệ cũng đã có đề án nghiên cứu cấp quốc gia về dòng gen của cây ổi ở Lam Kinh, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Kỳ lạ, nhiều người dân địa phương đến xin chiết cành ở 2 cây ổi “cười” về trồng. Tuy nhiên, những cây được chiết về trồng ở vùng đất khác đều không có dấu hiệu cười như cây ổi mẹ.
Ở khu di tích Lam Kinh có một cây ổi rất đặc biệt. Chỉ cần gãi nhẹ vào thân cây, toàn bộ lá sẽ rung lên.