Cây hương đá chùa Tứ Kỳ - bảo vật quốc gia giữa lòng Hà Nội
Nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, cây hương đá chùa Tứ Kỳ là một bảo vật có kích thước lớn, chạm khắc tinh xảo.
Năm 1959, cây hương đá được tìm thấy trên một gò đất nhỏ ở chùa Tứ Kỳ (nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ngôi cổ tự sau này đã bị phá hủy trong cuộc kháng chiến chống Pháp nên cây hương đã được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đưa về bảo quản và lưu trữ tới ngày nay.
Cây hương có cấu tạo gồm ba phần: phần đỉnh, phần thân và phần bệ với chiều cao tổng thể là 270cm, chiều rộng là 87 cm. Hầu hết các cây hương đá khác được phát hiện cao dưới 200cm, rộng dưới 50cm
Đỉnh của cây hương được tạc như một bát hương có gờ miệng trang trí dải băng cánh sen nhỏ, phía trên chạm hoa cúc, hoa sen
Xung quanh chạm nổi rõ 2 hình rồng quấn thân vào nhau chầu mặt trời
Thân cây hương là một trụ đá cao 150cm, gồm 8 mặt. Mỗi mặt cạnh đều thống nhất cách trang trí: Phần giữa là minh văn, trên và dưới trang trí hoa văn.
Phía trên phần thân là 8 hình chim phượng xen lẫn trong mây trên cụm mây hoa đao lửa cách điệu với 8 tư thế bay, đậu khác nhau
Giữa các mặt có khắc một bài minh văn chữ Hán ghi chép cho biết lý do và tên người cho gây dựng hương đá
Thời điểm dựng cây hương được ghi là năm Bính Ngọ, niên hiệu Cảnh Trị, đời vua Lê Huyền Tông, thời Lê trung hưng (1666). Bài minh văn cũng cho biết lượng ruộng đất được cung tiến để hàng năm lo việc cúng tế, giỗ chạp…
Phía bên dưới là hàng hoa sen 4 cánh, hoa cúc, mặt trời cùng một hàng cánh sen khum khum đầu vuông, bên trong có vân mây xoắn... tạo như để nâng bát hương
Phần bệ của cây hương cao 70cm được tạo giật cấp, cấp trên cùng tạo hình bát giác, cấp dưới cùng tạo hình vuông và được phân thành 6 tầng hoa văn với nhiều đồ án hoa văn đa dạng. Các ô trang trí trên bệ có các hình long mã vờn mấy, hoa cúc, hoa sen cách điệu… Theo nghiên cứu bảo vật, cây hương đá chùa Tứ Kỳ có nét khác biệt với những cây hương đá cùng thời. Đây là cây hương đá lớn nhất tạo tác vào thời Lê Trung Hưng có kích thước lớn nhất từng biết
Các cây hương thời Lê Trung Hưng đều có bệ vuông, phần trụ cột vuông 4 cạnh, rất ít trường hợp có 6 cạnh, còn 8 cạnh như cây hương chùa Tứ Kỳ là duy nhất
Điểm nổi bật là cây hương chùa Tứ Kỳ tạo hình, điêu khắc phong phú, sinh động, trong khi đại đa số cây hương cùng thời chủ yếu để trơn hay trang trí đơn giản. Với những ý nghĩa to lớn về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, cây hương đá chùa Tứ Kỳ đã được công nhận là Bảo vật quốc gia của Việt Nam vào ngày 25/12/2021
Nguồn: [Link nguồn]