Cây đổ đè chết người ở Sài Gòn: Lỗi tại thời tiết!
Việc kiểm tra tình trạng sinh trưởng cây cổ thụ chỉ bằng mắt thường nên đơn vị quản lý cây xanh không biết phần rễ của cây bị mục, chỉ đến khi cây bật gốc đè chết 2 người.
Cây dầu cổ thụ bật gốc trên đường An Dương Vương đè chết anh Khải hôm 28.8
Chỉ trong thời gian chưa đầy 1 tuần, trên địa bàn TP.HCM liên tiếp xảy ra sự cố cây bật gốc, tét nhánh dẫn đến 2 người chết, 1 người bị thương, hàng chục người đi đường thoát chết trong gang tấc.
Tai họa trên trời rơi xuống
Sáng 26.8, bà Trương Thị Ngọc Mai (60 tuổi, ngụ quận 1) đang đi bộ tập thể dục ở Công viên Tao Đàn (quận 1) bị nhánh cây gãy đè lên người dẫn đến bất tỉnh. Sự cố khiến hàng chục người đang ngồi chơi trong công viên tháo chạy thục mạng. Bà Mai được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng do bị chấn thương quá nặng nên đã tử vong sau 3 ngày điều trị.
Chiều 28.8, cây dầu cổ thụ cao gần 30m trước số nhà 327 An Dương Vương (quận 5) bất ngờ bật gốc đè trúng anh Từ Minh Khải (25 tuổi, quê Kon Tum) khiến nạn nhân tử vong. Cây ngã còn đè bẹp 8 xe máy, một ô tô và gây hư hỏng 3 căn nhà dân. Quan sát phần rễ của cây dầu đã bị mục nát hoàn toàn.
Chủ cơ sở trang trí ô tô nơi anh Khải làm việc cho biết, nạn nhân mới xin vào chỗ anh học nghề được gần 1 năm. “Tính tình Khải hiền lành và rất chịu khó. Nó đi làm với mong ước kiếm được cái nghề lận lưng và giúp đỡ gia đình thoát khỏi cảnh khốn khó nhưng tai họa đến quá bất ngờ. Mới đó, anh em còn nói chuyện cười đùa với nhau nhưng giờ Khải đã vĩnh viễn ra đi khi tuổi mới đôi mươi chỉ vì cái cây. Đúng là họa trên trời rơi xuống”, chủ cơ sở nói.
Nhiều bạn bè người thân của anh Khải cũng có mặt tại bệnh viện khi hay tin anh gặp nạn. “Bao nhiêu mong ước dự định của nó giờ bị chôn vùi dưới thân cây xanh. Nó chết tức tưởi quá. Khải nói đợt lễ 2.9 này sẽ về thăm gia đình nhưng giờ nó đã về trước. Nó về để gia đình lo hậu sự, đau đớn quá”, một người bạn của anh Khải ngậm ngùi.
Mới đây nhất, chiều qua 30.8, cây xà cừ cổ thụ có đường kính gần 1m cao gần 20m trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 5) cũng bất ngờ bật gốc đè trúng anh Huỳnh Minh Cường (34 tuổi, ngụ quận 10). Nạn nhân bị nhiều nhánh cây đè, phải gần 20 người nâng cây mới đưa được ra ngoài cấp cứu. Riêng hiếc xe máy của anh Cường bị cây xà cừ đè nát bét. Sự cố cũng khiến nhiều người đi đường vứt xe tháo chạy thục mạng khi cây đổ xuống.
Cây xà cừ cổ thụ bật gốc đè anh Cường trên đường Sư Vạn Hạnh, chiếc xe máy của anh biến dạng
“Cây to hơn 1m và cao ngút ngàn thế kia mà bộ rễ chỉ còn lưa thưa, mấy rễ lớn đã bị mục nát hết, không bật gốc mới chuyện lạ. Không biết mấy ông bên cây xanh quản lý thế nào mà để những cây như thế này tồn tại?. Tính mạng chúng tôi luôn bị rình rập”, một người bán cà phê trên đường Sư Vạn Hạnh bức xúc.
Kiểm tra cây bằng mắt thường
Ông Trần Quang Lâm – Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, các trường hợp cây đổ, bật gốc trong những ngày vừa qua đều rơi vào thời điểm có mưa to, gió lốc. Nguyên nhân chính thức đang được đơn vị quản lý và các bên xem xét nhưng nhận định ban đầu là do thời tiết.
Phần rễ cây cổ thụ đã bị mục nát
Ông Lâm cho biết, sau khi xảy ra cây ngã, công ty quản lý cây xanh cùng các đơn vị liên quan có mặt tại hiện trường trực tiếp xử lý sự cố, phối hợp đưa người bị nạn đi viện, hỗ trợ bệnh nhân các thủ tục bệnh viện, thủ tục hậu sự và có hỗ trợ về mặt kinh tế để tạm thời ổn định bước đầu.
Theo ông Lâm, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP đang chăm sóc hơn 90.000 cây xanh các loại tại trên địa bàn. Hiện nay, phía Sở GTVT đã lên danh sách khoảng 5.000 cây xanh, trong đó có một loạt cây lớn thuộc loại 3, có dấu hiệu bị nghiêng có thể gây ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng.
Vị phó giám đốc Sở GTVT cũng cho biết, việc kiểm tra duy tu cây xanh được triển khai thường xuyên. Trước mùa mưa đơn vị cây xanh đã đi kiểm tra, tỉa cành, lấy nhánh, xử lý các cây có tình trạng xuống sức. Ngoài ra, cũng phân loại các cây cổ thụ cao to để khảo sát chi tiết hơn.
“Hiện vẫn chưa có phương pháp nào kiểm tra hữu hiệu để phát hiện bộ rễ có mục nát hay không. Nếu tình trạng cây xuống sức hoặc có dấu hiệu không sinh trưởng bình thường thì mới đào, khoan khảo sát cụ thể. Còn cây sinh trưởng bình thường thì chỉ làm thủ công là quan sát bằng mắt, ông Lâm nói.