Cây cầu của khát vọng thống nhất

30.4.1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, đất nước thống nhất.  Nhưng chiến tranh để lại những hậu quả nặng nề. Người dân ra Bắc, về Nam rất khó khăn vì đường sá chật hẹp, nhiều vùng phải đi phà, đò. Cuộc kiến thiết đất nước bắt đầu từ những cây cầu trải dài từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau. Những cây cầu chính là biểu tượng của thống nhất đất nước, non sông liền một dải.

Đau thương đôi bờ Hiền Lương

Hiệp định Geneva năm 1954 đã chia cắt đất nước Việt Nam thành hai miền Nam - Bắc, lấy vĩ tuyến 17, nơi con sông Bến Hải thơ mộng ở tỉnh Quảng Trị chảy qua làm ranh giới. Cuộc phân ly tạm thời tưởng rằng chỉ kéo dài 2 năm và kết thúc sau khi tổng tuyển cử thống nhất, nhưng thực tế đã kéo dài tới 21 năm.

Cây cầu của khát vọng thống nhất - 1

Nghi lễ hòa nước 3 miền trên dòng Hiền Lương.  P.P 
Ông Lê Công Cầu (87 tuổi), nhà ở làng Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, nguyên là Bí thư Đảng bộ của xã Vĩnh Thành thời kỳ 1966 - 1973 vẫn nhớ như in những ngày tháng đau thương của đôi bờ Hiền Lương.

Ông Cầu kể: Đôi bờ Hiền Lương những năm 1954 - 1964, thực tế hòa bình vẫn được duy trì nhưng lại là tâm điểm của những cuộc chiến không kém phần khốc liệt về lý trí, tâm lý, tư tưởng và cả sinh mạng. Là vùng phi quân sự nên không có xung đột vũ trang, nhưng cảnh sát chính quyền Sài Gòn thường xuyên gây hấn, đặc biệt là hai đầu cầu Hiền Lương. Hai bên giới tuyến thường xuyên có những cuộc “chọi cờ”, “chọi loa” nhằm thể hiện sức mạnh cũng như ý chí của mỗi bên. Cột cờ ở hai bờ giới tuyến liên tục được tôn cao, những dàn loa phóng thanh luôn được nâng cấp với công suất cực đại… nhưng rồi phần thắng vẫn luôn thuộc về chính nghĩa. Ngay cả việc sơn cầu, phía bên kia cũng luôn gây hấn. Với mong muốn thống nhất nước nhà, chúng ta luôn muốn giữ một màu sơn trên cầu Hiền Lương, nhưng phía họ thì không. Họ luôn dùng màu khác để phân biệt giữa hai miền. Cứ mỗi lần bên kia thay màu sơn, đêm đến đội sơn cầu của ta lại lặng lẽ sơn theo màu đó…

“Đất chết” đã trù phú

Đến năm 1965, Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc. Từ đây, quân và dân Bắc giới tuyến bước vào một cuộc chiến đấu mới. Phía bờ Bắc đạn bom mù trời, cột cờ Hiền Lương là mục tiêu đánh phá trước tiên của máy bay, tàu chiến Mỹ nhưng chưa bao giờ lá cờ đỏ sao vàng ngừng bay trên cột cờ Hiền Lương…

Cây cầu của khát vọng thống nhất - 2
Tượng đài "Khát vọng thống nhất” bên bờ Nam cầu Hiền Lương tháng 4.2014.  L.H.T.

Cho đến nay cầu Hiền Lương đã qua nhiều lần thay đổi cấu trúc, nhưng chiếc cầu lịch sử vẫn là chiếc cầu từ năm 1952 đến năm 1967 thì bị máy bay Mỹ ném bom phá sập. Cầu bắt đầu xây dựng bằng gỗ thô sơ năm 1922 dành cho người đi bộ, thay đổi nhiều lần đến khi xây lại năm 2003 tất cả là 8 lần. Bên cây cầu gỗ, hiện đã có một cây cầu bê tông vĩnh cửu nối liền Quốc lộ 1A…

40 năm sau ngày đất nước thống nhất, vùng “đất chết” năm xưa loang lổ dấu vết bom cày đạn xới nay đã nhường chỗ cho những đồng lúa, rừng cao su, hồ tiêu… xanh ngút ngàn, những vùng nuôi tôm trù phú.

Đi dọc bờ sông Bến Hải, qua các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Thành, Vĩnh Giang của huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) là vùng nuôi tôm trù phú. Ngược lên vùng gò đồi phía thượng nguồn Bến Hải là những nông trường cao su, hồ tiêu xanh mướt. Chỉ riêng cây cao su đóng góp một nửa tổng thu ngân sách toàn huyện Vĩnh Linh, góp phần quan trọng cho huyện nhà trở thành huyện Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Còn bờ Nam sông Bến Hải giờ là vựa lúa của huyện Gio Linh. Với lợi thế có 2 cửa lạch quan trọng là Cửa Việt và Cửa Tùng, Gio Linh còn là trọng điểm về nghề khai thác đánh bắt, chiếm 2/3 sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh Quảng Trị, góp phần không nhỏ vào việc ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo cho người dân.

40 năm sau ngày đất nước thống nhất, vùng “đất chết” năm xưa loang lổ dấu vết bom cày đạn xới thì nay đã nhường chỗ cho những đồng lúa, rừng cao su, hồ tiêu… xanh ngút ngàn, những vùng nuôi tôm trù phú. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Phương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN