Cầu vòm thép được chọn vượt sông Hồng trong khu vực nội đô Hà Nội
Sau khi phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo được tuyển chọn, UBND thành phố Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt kết quả thi tuyển. Trong đó, phương án kiến trúc số 12 cầu Trần Hưng Đạo có vòm thép được chọn là phương án thi công cầu trong khu vực nội thành.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký quyết định phê duyệt kết quả thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng tại địa bàn quận Hoàn Kiếm, Long Biên.
Cụ thể, UBND thành phố phê duyệt kết quả thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố tổ chức, được Hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo đánh giá, xếp hạng và được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội tổng hợp, báo cáo.
Về vị trí và hướng tuyến, cầu Trần Hưng Đạo nằm giữa phạm vi cầu Chương Dương và cầu Vĩnh Tuy, kết nối phố Trần Hưng Đạo tại khu vực các quận Hoàn Kiếm - Hai Bà Trưng sang đường Nguyễn Văn Linh, đường Vũ Đức Thận, quận Long Biên.
Cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng có mái vòm thép theo phương án kiến trúc đạt giải Nhất số 12 (THĐ12).
Quy mô nghiên cứu dự án, cầu có điểm đầu tại ngã năm giao giữa các tuyến phố Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Lê Thánh Tông - Tăng Bạt Hổ - Hàn Thuyên, điểm cuối tại nút giao với đường Nguyễn Văn Linh, đường Vũ Đức Thận, chiều dài khoảng 5,5km.
Cầu được xây dựng theo tiêu chuẩn công trình giao thông cấp đặc biệt; khổ thông thuyền 50x9,5m; Quy mô cầu gồm 6 làn xe cơ giới, các làn xe hỗn hợp, xe thô sơ và hè đi bộ hai bên; Vận tốc thiết kế tối đa 80km/h.
Phương án kiến trúc cầu đạt giải Nhất có mã số THĐ12 (DD1188) là phương án được UBND thành phố Hà Nội chọn làm phương án triển khai lập dự án đầu tư, thi công xây dựng cầu. Với phương án kiến trúc này, cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng có hình dáng kiến trúc sử dụng kết cấu cầu chính dạng vòm thép, sơ đồ nhịp 150mx6, mặt cắt ngang cầu tại giữa nhịp 40,66m, tại trụ cầu 47,76m (6 làn xe cơ giới). “Ý tưởng kiến trúc tạo một cây cầu biểu tượng mới của trung tâm Hà Nội với hai đường cong lượn sóng bên bờ sông Hồng, kết cấu vòm chính là 2 đường cong tiếp xúc nhau lặp lại 6 nhịp tạo hình mang biểu tượng vô cực”, Quyết định của UBND thành phố Hà Nội nêu.
Để từng bước thực hiện dự án thi công cầu Trần Hưng Đạo, UBND thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc: kiểm tra, xác nhận hồ sơ bản vẽ phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo đạt giải nhất (mã số THĐ12) phù hợp với nội dung Quyết định phê duyệt của UBND Thành phố để triển khai các bước tiếp theo; Đăng tải thông tin kết quả cuộc thi trên trang web của Sở trong thời gian tối thiểu 30 ngày. Giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội tổ chức công bố công khai kết quả cuộc thi và thông báo kết quả đến các đơn vị tham gia dự thi để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và nhân dân được biết; Phối hợp với Công ty cổ phần Him Lam tổ chức trao giải thưởng cho các đơn vị dự thi có phương án đạt giải theo đúng quy chế thi tuyển và các quy định hiện hành.
Trên cơ sở phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo đạt giải nhất (mã số THĐ12) được phê duyệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án đầu tư xây dựng cầu theo đúng quy định hiện hành.
Dự án có điểm đầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông, thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm; điểm cuối giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh thuộc địa bàn phường Gia Thụy, quận Long Biên. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 5,5km, mặt cắt cầu bảo đảm 6 làn xe cơ giới. Đoạn cầu dẫn phía Hoàn Kiếm có quy mô 1 làn xe đi thẳng vào đường Trần Hưng Đạo và 4 làn xe rẽ tiếp cận vào đường đê Trần Khánh Dư; đoạn cầu dẫn phía Long Biên có quy mô 4 làn xe. Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 8.900 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm 50%, vốn nhà đầu tư BOT chiếm 50%. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 20 năm. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022-2025.
Nguồn: [Link nguồn]
Cầu Trần Hưng Đạo sắp được xây dựng có dáng vẻ mềm mại và có nhiều công năng đặc biệt so với nhiều cây cầu trước đó.