Cầu Vàng, Vạn Lý Trường Thành ở Sóc Trăng "lén lút" đón khách du lịch
Được cấp phép xây dựng khu ăn uống và giải trí với diện tích 2.000m2, nhưng một cá nhân lại xây dựng “Cầu Vàng, Vạn Lý Trường Thành, tượng Nhân Sư”… sai mục đích. Dù không có giấy phép hoạt động nhưng nơi đây vẫn mở cửa "chui" cho khách vào tham quan.
Theo như lời quảng cáo trên một số trang mạng xã hội, du khách ghé quán cà phê ở trung tâm thị trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng có thể check in với phiên bản cầu Vàng, Vạn Lý Trường Thành, cùng với một tổ hợp nhiều công trình mô phỏng các điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới.
Ghi nhận thực tế của phóng viên chiều 12/10, từ cầu Cái Côn (nối 2 huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang với huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) có thể nhìn thấy tượng Phật màu vàng đưa 2 bàn tay đỡ cầu màu vàng, giống như cầu Vàng ở Đà Nẵng.
Mặc dù treo biển khu tham quan vui chơi chưa có giấy phép nhưng vẫn cho khách vào tham quan.
Phía trước quán cà phê này tiếp giáp với quốc lộ Nam Sông Hậu. Khi đi vào bên trong, du khách có thể nhìn thấy khung cảnh hoành tráng, đồ sộ của công trình tổ hợp này.
Theo như lời giới thiệu của nhân viên, khách đến đây chỉ cần uống 1 ly cà phê với giá 20.000 đồng có thể vào bên trong chụp ảnh check in thoải mái mà không cần trả phí.
Toà tháp cao hàng chục mét
Mặc dù phía cổng vào bên trong treo biển “Xin lỗi quý khách, khu tham quan vui chơi tạm chưa mở cửa do chưa có giấy phép (chờ xin phép)”, tuy nhiên nhân viên nơi đây vẫn để khách vào tham quan.
Khi vào bên trong, đập vào mắt người xem đó chính là lâu đài cao hàng chục mét; cùng với đó là khu tháp có tượng Phật màu vàng, Vạn Lý Trường Thành… Dù chưa được cấp phép hoạt động nhưng có nhiều người dân đến từ các tỉnh lân cận tham quan, chụp ảnh.
Những hạng mục được nối với nhau bằng những chiếc cầu
Chủ công trình xây dựng hình tượng phật đỡ cầu vàng
Các hạng mục đã được thi công xong
Nhiều du khách đến tham quan
Tổng thể khu vui chơi giải trí
Chiều 12/10, trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo UBND thị trấn An Lạc Thôn (huyện Kế Sách) cho biết, tháng 5/2019, Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Kế Sách cấp giấy phép ông Hồ Chí Toại (SN 1976, ngụ thị trấn An Lạc Thôn) xây dựng khu ăn uống và giải trí với diện tích gần 2.000m2.
“Trước đó, tháng 4/2019, ông Toại khởi công thực hiện khởi công nhưng địa phương phát hiện lập biên bản vì chưa có giấy phép xây dựng. Tháng 5/2019, ông Toại được cấp giấy phép xây dựng có 5 hạng mục công trình. Tuy nhiên qua kiểm tra, ông này xây dựng thêm các hạng mục đầu tư khác ngoài giấy phép. Tổ kiểm tra yêu cầu ông Toại ngừng thi công để lập các thủ tục điều chỉnh”, lãnh đạo UBND thị trấn An Lạc Thôn nói.
Công trình chưa được chính quyền địa phương cấp phép
Dù nhiều lần bị xử phạt, cưỡng chế nhưng chủ khu vui chơi vẫn đón khách "chui"
Cũng theo vị này, đến tháng 4/2021, tổ kiểm tra của UBND thị trấn phát hiện ông Toại xây dựng sai nội dung giấy phép và sử dụng sai mục đích sử dụng đất trên 1.500m2 (tự ý chuyển đổi mục đích đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp). Tổ kiểm tra yêu cầu ông Toại ngưng thi công các hạng mục trên.
Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng ông Toại vẫn cho thợ xây lén lút và dần hoàn thiện công trình nói trên. Đầu năm 2022, UBND huyện Kế Sách có quyết định xử phạt hành chính 40 triệu đồng đối với ông Toại vì có vi phạm trong lĩnh vực xây dựng. Sau đó, người đàn ông này tiếp tục bất chấp hoàn thiện công trình của mình.
Bên trong khu vui chơi giải trí dựng hình tượng phật
Đến tháng 9/2022, UBND huyện tiếp tục có quyết định xử phạt hành chính với số tiền 120 triệu đồng với các vi phạm trong lĩnh vực xây dựng và lĩnh vực đất đai. Cụ thể, ông Toại đã tổ chức thi công sai giấy phép được cấp, dù đã bị xử phạt nhưng tái phạm và chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị.
Về biện pháp khắc phục, buộc ông Toại phá dỡ phần công trình xây dựng vi phạm. “Hiện, chúng tôi đã báo cáo toàn bộ vụ việc với lãnh đạo UBND huyện Kế Sách để chờ ý kiến chỉ đạo”, lãnh đạo UBND thị trấn An Lạc Thôn thông tin thêm.
Bức tượng mô phỏng theo nhân vật Nữ hoàng băng giá Elsa nhưng nhiều người đánh giá là “biến dạng” so với phiên bản gốc.
Nguồn: [Link nguồn]