Cầu "tử thần" treo khắp nơi

Do đặc điểm nhiều sông suối, các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên hiện có hàng ngàn cầu treo, cầu tạm phục vụ nhu cầu đi lại của hàng triệu người dân. Trong khi đó, phần lớn cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa tính mạng của người đi lại.

Hiện chưa có một thống kê nào về số lượng cầu treo dân sinh, cầu tạm ở các địa phương trong cả nước. Trong khi đó, phần lớn cầu treo có tuổi đời cả chục năm nhưng kinh phí sửa chữa lại eo hẹp, không kịp thời khiến công trình xuống cấp, hư hỏng nặng.

Mù mờ chất lượng

Sau khi cầu treo Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, lật làm 8 người chết và 38 người bị thương, các cơ quan chức năng mới vào cuộc để rà soát chất lượng cầu treo trong cả nước để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Qua tìm hiểu của chúng tôi, chất lượng của những cây cầu này đang bị thả nổi ở nhiều địa phương

Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, do nhiều đồi núi, sông suối nên có rất nhiều cầu treo. Những chiếc cầu này đang tiềm ẩn hiểm họa cho người dân mỗi khi qua cầu.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có hơn 40 cầu treo dân sinh và hầu hết do các huyện quản lý. Trong đó, nhiều cầu đã hư hỏng, xuống cấp; phần lớn không có biển hướng dẫn hoặc quy định tải trọng được phép qua cầu. Cầu treo Hà Châu (xã Hà Châu, huyện Phú Bình) đã bị gỉ sét, đứt cả mối hàn, mặt cầu xuất hiện nhiều lỗ hổng. Cầu treo tại xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai, những mảnh gỗ nhỏ được tận dụng làm mặt cầu khiến người đi lại luôn bất an.

Cầu "tử thần" treo khắp nơi - 1

Một chiếc cầu treo quá sơ sài ở tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Cao Nguyên

Ông Nông Văn Hải, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Cao Bằng, cho biết tỉnh có hơn 200 cây cầu treo như Chu Va 6. “Hiện chưa thể biết có bao nhiêu cầu có chất lượng kém hay xuống cấp cần sửa chữa vì cấp trên mới chỉ đạo nên anh em chưa kịp thống kê, đánh giá. Chắc phải mất 2-3 hôm mới thống kê xong, còn đánh giá chất lượng chắc phải vài tháng” - ông Hải cho biết.

Ông Trịnh Xuân Hùng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Sơn La, cho biết số cầu treo như Chu Va 6, toàn tỉnh có khoảng 100. “Muốn biết chất lượng của các cầu cần phải kiểm tra cụ thể. Việc này chúng tôi đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương làm” - ông Hùng thừa nhận.

Vừa qua cầu vừa run

Cầu treo thôn 1, xã Ea Sar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, dài 32m, rộng 2m. Sau khoảng 10 năm đưa vào sử dụng nhưng không có kinh phí tu sửa, đến nay cầu này đã bị hư hỏng nặng. Các cáp treo, dây văng đã gỉ sét, nhiều miếng ván lát mặt cầu đã mục nát nhưng hằng ngày, cây cầu này phải phục vụ nhu cầu đi lại của gần 1.000 người trong khu vực.

Cầu tạm bằng gỗ qua suối Ea M’roh, xã Dliê M’nông, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, sau nhiều năm đưa vào sử dụng, nay cũng đã hư hỏng nặng, mố cầu bị lún sụp, ván mặt cầu đã mục nát tạo ra những cái bẫy. Vì là “độc đạo” nên hằng ngày, hơn 1.500 người dân trong khu vực phải đánh liều, rón rén từng bước qua cầu. Chị Nguyễn Tuệ Minh (ngụ xã Dliê M’nông) cho biết: Do mặt cầu hư hỏng nặng, nếu không cẩn thận, người qua cầu rất dễ bị sụp chân, rơi xuống suối. “Dưới cầu, nước chảy xiết, tôi chỉ dám qua cầu khi có người đi cùng để lỡ rơi xuống suối còn có người cứu” - chị Minh nói.

Trong khi đó, theo dự kiến, cầu treo thôn 6, thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, sẽ hoàn thành và bàn giao vào cuối năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa xong. Nguyên nhân là do trước đó, cuối tháng 9/2013, khi chuẩn bị đưa vào sử dụng, cầu này bị sập làm 1 người bị thương. Trước đó, cuối năm 2012, cầu treo buôn Khanh, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, cũng bị sập. Cầu này do Đan Mạch tài trợ và đưa vào sử dụng từ năm 2002. Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui, cho biết: Cầu sập do đưa vào sử dụng quá lâu mà không được bảo trì.

Theo Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có hơn 600 cầu treo, cầu tạm; trong đó, 318 cầu đang xuống cấp, hư hỏng gây mất an toàn cần sớm được sửa chữa. Ông Tô Quang Dịnh - Phó trưởng Phòng Giao thông Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk - cho biết: Để sửa chữa các cầu đang xuống cấp, hư hỏng, cần đến hơn 560 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kinh phí.

Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, tỉnh hiện có khoảng 190 cầu treo, cầu tạm. Hầu hết công trình có kết cấu bằng gỗ, tre nứa; số được xây dựng bằng bê-tông rất ít. Tuy vậy, những cây cầu này phải phục vụ nhu cầu đi lại cho hơn 80.000 người nhưng do thiếu kinh phí nên phần lớn đang xuống cấp nghiêm trọng, luôn gây nguy hiểm cho người đi lại.

Làm sơ sài để… đỡ tốn kém!

Tỉnh Phú Yên hiện còn 2 cầu gỗ dài gần 500m, đã sử dụng đến 25 năm: cầu Xuân Cảnh (thị xã Sông Cầu) bắc qua đầm Cù Mông và cầu Miếu Ông Cọp bắc qua sông Bình Bá nối xã An Ninh Tây, huyện Tuy An với thị xã Sông Cầu. Đây là những cây cầu được tư nhân đầu tư và thu phí.

Tan học, một nhóm học sinh cấp 2 xã Xuân Cảnh đạp xe về nhà. Đang đùa giỡn trên đường nhưng khi lên cầu gỗ, nét mặt em nào cũng trở nên căng thẳng, một số học sinh nữ phải xuống xe dắt bộ. Mỗi khi có xe máy qua, cầu rung lên bần bật khiến nhiều em chới với. Mắt em nào cũng đăm đăm nhìn xuống mặt cầu để tránh bị lọt chân. Những trụ cầu bằng gỗ ngâm lâu ngày dưới nước đã mục, thành cầu được gá tạm bởi những thanh gỗ yếu, chỉ cần va chạm nhẹ cũng có thể rơi xuống đầm Cù Mông sâu đến 9m, bên dưới lởm chởm những trụ cầu cũ gãy.

Cầu "tử thần" treo khắp nơi - 2

Cầu Xuân Cảnh (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) bắc qua đầm Cù Mông luôn khiến người qua lại lo lắng. Ảnh: Hồng Ánh

Ông Đặng An (74 tuổi, ngụ xã Xuân Cảnh) cho biết đã có nhiều người bị rơi xuống đầm khi qua cầu nhưng may mắn thoát chết nhờ biết bơi. Ông Nguyễn Xuân Bố (72 tuổi), người xây dựng và quản lý cầu Xuân Cảnh, kể lại: “Có lần, cầu bị sập làm một đoạn khoảng 150m bị nước cuốn trôi. Cũng may, tai nạn xảy ra vào ban đêm, không có người qua lại”.

Cầu Miếu Ông Cọp trông bên ngoài còn “già yếu” hơn. Người đi từ đầu cầu bên này gây đong đưa đến đầu cầu bên kia cách nhau gần 500m. Theo ông Nguyễn Tấn Nùng (thôn Tiên Châu, xã An Ninh Tây), từ khi đưa vào sử dụng đến nay, cầu đã sập đến 7 lần.

Ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên, thừa nhận hiện chưa có quy chuẩn đánh giá về sự an toàn của các cây cầu gỗ. Việc xây cầu bê-tông thay cầu gỗ Miếu Ông Cọp chắc còn lâu vì không có vốn.

Nằm bên kia bờ sông Côn, hai thôn Tân Kiều và Hòa Phong, xã Nhơn Mỹ (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) hiện có hơn 850 hộ dân với hơn 3.100 nhân khẩu. Với lượng người đông đảo như vậy nhưng hàng ngày họ phải “chen chúc” qua lại trên chiếc cầu sạp nhỏ được làm bằng gỗ, dài hơn 100m, rộng chừng 1,5m, bắc tạm bợ qua sông Côn. Do được xây dựng đã lâu, trong khi đó lưu lượng người qua lại ngày càng đông nên cầu hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn bị mục nát, rất nguy hiểm.

Không riêng gì người lớn, mỗi ngày ở hai thôn trên còn có hàng trăm em học sinh phải liều mình dắt nhau qua cây cầu tạm bợ để đến trường. Theo nhiều người dân hai thôn Tân Kiều và Hòa Phong, từ năm 2005 đến nay đã xảy ra nhiều vụ tai nạn trên cây cầu sạp bắc qua thôn. Trong đó có 4 vụ khiến 4 người thiệt mạng sau khi rơi xuống cầu, bị nước cuốn trôi.

Ông Trần Anh Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Mỹ, cho biết: “Chuyện cây cầu luôn là đề tài nóng của người dân địa phương hai thôn Tân Kiều và Hòa Phong từ mấy chục năm qua. Do kinh phí địa phương hạn hẹp nên chúng tôi đã nhiều lần đề nghị cấp trên đầu tư kinh phí cho xây cầu mới để phục vụ việc đi lại của người dân nhưng đến nay vẫn chưa được. Chủ trương cho xây cầu mới thì đã có nhưng kinh phí thì chưa nên đành phải tiếp tục chờ...”.

Trong khi đó, ở các xã miền núi của tỉnh Quảng Nam hiện có rất nhiều cầu treo được làm khá đơn sơ từ gỗ, mây, tre nứa nên hết sức nguy hiểm. Người dân ở nhiều địa phương cho biết họ tự làm cầu treo bắc qua sông, suối để lên rẫy. Qua mỗi mùa mưa, nước lũ cuốn trôi cầu nên làm sơ sài cho đỡ tốn kém.

Ông Trương Văn Cận, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, cho biết theo báo cáo sơ bộ, tỉnh hiện có khoảng 160 cầu treo, trong đó cầu treo kiên cố do nhà nước đầu tư khoảng 98, số còn lại do người dân tự làm. Hiện nhiều cầu đã xuống cấp nặng.

Hồng Ánh  - Trần Thường - Anh Tú

Dễ té ngã

Tại tỉnh Kon Tum hiện có hàng chục cầu treo được làm rất sơ sài, nguy hiểm luôn chực chờ gây tai nạn khi có người qua lại.

Xã Đắk Môn, huyện Đắk Glei có 2 cầu treo tại 2 thôn Ri Nầm và Đắk Nai được xây dựng từ trước năm 2005. Bà Y Viên, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Môn, cho biết: “Cả 2 cầu treo đã hư hỏng nặng do bão tàn phá từ năm 2009. Để bảo đảm an toàn cho người dân, xã đã đề nghị cấp trên cấp kinh phí để sửa chữa nhưng chưa được giải quyết”.

Thảm hơn là cầu treo của làng Đắk Tu, xã Đắc Long huyện Đắk Glei. Anh A Theo (25 tuổi, làng Đắk Tu) cho biết: “Mình đi nhiều nên quen, người không quen dễ bị ngã xuống suối do cầu quá đong đưa!”.

H. Thanh

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Nguyên - Văn Duẩn (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN