Cầu treo “hết đát”, dân vẫn phải đi
Nhiều cầu treo đã mất an toàn, thậm chí hết hạn sử dụng tại các địa phương nhưng người dân vẫn phải sử dụng vì chủ đầu tư - cấp UBND huyện- không đủ vốn bảo trì...
Không nhớ cầu có từ bao giờ
Tại tỉnh Thái Nguyên, từ ngày 1/3, các đoàn kiểm tra do Sở GTVT chủ trì bắt đầu tiến hành rà soát, kiểm tra hiện trạng của hơn 40 cầu treo trên địa bàn tỉnh. Nhưng không phải đợi đến khi có sự cố tại cầu treo Chu Va 6 (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu), nhiều huyện ở Thái Nguyên đã tự rà soát và nhận thấy hiện trạng cầu “quá đát” vẫn phải sử dụng trên địa bàn, lý do là thiếu vốn!
Ông Hoàng Thanh Giao – Chủ tịch UBND huyện Phú Bình vừa thở phào vì đã có nhà đầu tư đứng ra nhận lập hồ sơ thiết kế, tiến hành đầu tư cải tạo cầu treo tại xã Hà Châu (huyện Phú Bình). Đây là cầu treo phục vụ hơn 700 hộ dân. Ông Giao cũng không nhớ rõ thời gian cụ thể cầu treo được xây dựng và bao nhiêu lần được sửa chữa, cải tạo. Cái khó ở đây là cây cầu được giao cho 2 xã thuộc 2 huyện ở 2 tỉnh (Thái Nguyên và Bắc Giang) quản lý nên không đáp ứng được nhu cầu bảo dưỡng, bảo trì cầu. Chính vì vậy, cây cầu cũ nát vẫn hàng ngày phục vụ người dân 2 xã qua lại.
Cầu treo Hà Châu (Phú Bình, Thái Nguyên) đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không có vốn duy tu, bảo dưỡng.
Vốn cũng là khó khăn được huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) – chủ đầu tư của 10 cầu treo trên địa bàn nêu ra trong vấn đề bảo trì, bảo dưỡng cầu treo dân sinh. Ông Hoàng Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Chưa cần đợt rà soát này, từ năm 2013, chúng tôi đã đưa vào danh sách 3 cầu dân sinh cần tu bổ khẩn cấp. Nhưng không có vốn để bảo trì, bảo dưỡng”. Với những cầu xuống cấp, huyện muốn thay thế mặt gỗ đã mọt bằng mặt sắt nhưng chưa dám lập dự án vì không tìm được nguồn vốn.
Thay chủ đầu tư?
Thông tin từ UBND huyện Tam Đường (Lai Châu), ngày 5/4 tới, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành tháo dỡ cầu Chu Va 6 đã đứt neo cáp để chuẩn bị mặt bằng xây dựng cầu treo mới. Hiện trong số 38 nạn nhân điều trị tại bệnh viện đã có 10 người về nhà. |
Ngay sau sự cố tại cầu treo Chu Va 6, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã đề xuất giao ngành GTVT phải tham gia vào việc thẩm định hồ sơ thiết kế, giám sát thi công và nghiệm thu công trình cầu treo dân sinh, thay vì để UBND huyện – chủ đầu tư làm hết như hiện nay.
Rõ ràng, việc giao cho UBND cấp huyện quản lý đầu tư, xây dựng, khai thác, bảo trì các cầu treo dân sinh đã bộc lộ nhiều lỗ hổng an toàn. Theo ông Hoàng Thanh Giao: “Việc giao lại cho Sở GTVT chuyên môn quản lý về kỹ thuật, thẩm định hồ sơ thiết kế, thi công là phù hợp. Ở cấp huyện chúng tôi gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật, nhất là thiết kế cầu treo”.
Ở Quảng Bình – nơi vừa khẩn cấp tìm được nguồn vốn “cứu” 9 cầu treo xuống cấp, ông Phạm Quang Hải – Giám đốc Sở GTVT cho hay: “Cầu treo dân sinh là công trình cấp 3, do UBND huyện làm chủ đầu tư, chịu trách nhiệm khai thác, bảo trì, bảo dưỡng nên không tìm được nguồn vốn để duy tu cầu”. Theo ông Hải, Sở GTVT Quảng Bình đã rà soát phát hiện các cầu xuống cấp, hết hạn sử dụng từ lâu nhưng chủ đầu tư không có đủ kinh phí để sửa chữa.
Quảng Ninh: Hầu hết cầu treo đều mất an toàn Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 18 cầu treo dân sinh, nhiều nhất là huyện Ba Chẽ với 6 cầu, Tiên Yên 4 cầu... Theo đánh giá của chính quyền địa phương thì tất cả các cầu trên đều mất an toàn: thiếu hệ thống báo hiệu an toàn, tải trọng và hướng dẫn khai thác, dây sắt neo ván bị han gỉ, đứt, các thanh dầm, mặt ván bị mục… Thậm chí có cầu treo không thể đi lại được, người dân phải lội suối để đi. Hoàng Anh Tuấn |