“Cậu Thủy” làm giả hài cốt liệt sĩ ở nhiều nơi
Nguyễn Văn Thúy (“cậu Thủy”) tạo vỏ bọc khá hoàn hảo ở địa phương để đi lừa đảo ở nhiều nơi và giàu có rất nhanh.
Ông Nguyễn Văn Lương - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh - khẳng định việc vợ chồng Nguyễn Văn Thúy (SN 1959) và Mẫn Thị Duyên (SN 1963) tự xưng là nhà ngoại cảm rồi hành nghề ở nơi khác, chính quyền không thể nắm được, chỉ nghe qua báo chí. Với người dân thị trấn Chờ và kể cả huyện Yên Phong, chẳng ai tin “cậu Thủy”.
Thúy (đối tượng ngồi ghế, tay trái cầm đèn pin) tại buổi đào tìm hài cốt liệt sĩ vào lúc 20 giờ 26 phút ngày 29/1, ở thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước.
Thúy (thứ hai từ phải sang, tay để trước ngực) cùng một số cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội đang làm lễ tìm hài cốt liệt sĩ vào sáng 29/1, tại thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước.
Chiều 29/10, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Thao, Phó trưởng Công an thị trấn Chờ, cho biết khi vợ chồng “cậu Thủy” bị bắt, ông không hề thấy bất ngờ. Cách đây khoảng 6 tháng, Công an tỉnh Quảng Trị đã đến làm việc với Công an thị trấn Chờ về vụ việc này. “Việc bắt vợ chồng Thúy - Duyên chỉ sớm hay muộn mà thôi” - ông nói.
Theo ông Thao, trong đời sống hằng ngày, vợ chồng “cậu Thủy” không giao du nhiều với người dân địa phương. “Thực ra, thị trấn Chờ chỉ là nơi tạm trú của Thúy, còn địa chỉ thường trú của “cậu” là ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Vợ chồng họ đi đâu, làm gì ít ai biết, khi về thì nhà đóng cửa. Chúng tôi chỉ thấy khác thường là họ giàu quá nhanh” - ông cho biết.
Theo một vị đại diện UBND thị trấn, mỗi khi Tết đến, vợ chồng Thúy-Duyên lại mở tiệc, căng rạp từ chiều hôm trước cho đến trưa hôm sau. Chính quyền thị trấn Chờ cho hay năm 1996, “cậu Thủy” từng bị Công an tỉnh Bắc Ninh khởi tố và bắt giam về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, đến năm 2005 thì được ra tù.
Tại thôn Trát Bút, thị trấn Chờ, chị Nguyễn Thị H, hàng xóm của Nguyễn Văn Thúy, cho biết nhiều người ở đây cảm thấy bất ngờ khi nghe tin vợ chồng “cậu” bị công an bắt giữ. “Bình thường họ sống hòa nhã với hàng xóm. Chúng tôi chỉ biết vợ chồng ông ấy làm ăn chứ không rõ là có khả năng đi tìm mộ liệt sĩ hay không” - chị H nói.
Một hàng xóm khác của “cậu Thủy” tên D. cho rằng vợ chồng “cậu” đã tạo ra một vỏ bọc quá hoàn hảo ở địa phương để che giấu những việc làm khuất tất và sai trái ở nơi khác. “Nếu đúng như báo chí đã đăng tải thì việc làm của vợ chồng họ thật vô đạo đức, tán tận lương tâm, không thể tha thứ” - ông D bức xúc.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về vụ nhà ngoại cảm dỏm Nguyễn Văn Thúy, đại tá Nguyễn Văn Bình - Đội trưởng Đội K72, Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước (chuyên tìm kiếm hài cố liệt sĩ) - cho biết vợ chồng “cậu Thủy” từng tới Bình Phước lừa đảo với hành vi tương tự ở Quảng Trị.
Theo đó, chiều tối 29/1, phía Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) phối hợp với “cậu Thủy” tổ chức khai quật các “hố chôn tập thể hài cốt liệt sĩ” trong khu vườn cao su ven Quốc lộ 13, phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước. Từ 17 giờ 15 phút ngày 29/1 đến 0 giờ ngày 30/1, đoàn đã phát hiện và bốc được 15 bộ “hài cốt liệt sĩ” trong 3 hố chôn tập thể.
Trong lúc khai quật, đoàn cũng tìm thấy những “kỷ vật của các liệt sĩ”, như: huy hiệu, dép cao su, bình đông, cà men… Đến sáng 30/1, những bộ “hài cốt liệt sĩ” không xác định được danh tính quy tập an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bình Phước trên Quốc lộ 14.
Thúy đang cầm micro vẽ chuyện trước nhiều cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tại buổi tìm hài cốt liệt sĩ vào sáng 29/1 ở thị xã Bình Long.
Nguyễn Văn Thúy (ngồi bìa phải) đang “rao giảng” về tìm hài cốt liệt sĩ vào sáng 29/1 tại thị xã Bình Long.
“Quá trình khai quật bốc hài cốt, ông Thúy cùng đoàn của ngân hàng không cho cán bộ, chiến sĩ Đội K72 tham gia, thậm chí không cho vào khu vực đào tìm. Ngay từ đầu, khi thấy họ đào tìm tại khu vực phường Hưng Chiến, chúng tôi đã biết ở đó toàn là mộ giả. Ngay sau khi an táng những bộ “hài cốt liệt sĩ” chưa xác định tên tuổi, quê quán, trong tháng 1/2013, chúng tôi đã báo cáo với cấp trên những hài cốt này là giả. Thế nhưng, phía ngân hàng vẫn kết hợp với ông Thúy tiếp tục lên huyện Ea’Hleo, tỉnh Đắc Lắk và “tìm thấy” thêm hàng chục “hài cốt liệt sĩ nữa” - đại tá Bình nhớ lại.
Theo ông Võ Văn Mãng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Phước, khi đoàn của “cậu Thủy” đến đào bới ven Quốc lộ 13, nhiều cựu chiến binh cao tuổi đã tìm gặp cơ quan chức năng khẳng định những mộ liệt sĩ ở đây là giả. Các cựu chiến binh cho rằng tại khu đất được cho là có 3 mộ tập thể với 15 hài cốt liệt sĩ, chỉ đào sâu khoảng 50-70 cm đã thấy hài cốt là không thể. Đây là khu vườn cao su, mỗi lần trồng cây, công nhân dùng máy đào xới, múc đất khá sâu nên hài cốt liệt sĩ, nếu có, sẽ không còn ở vị trí đó.
“Xem xét nhiều khía cạnh, Bộ Chỉ huy Quân sự, Sở LĐTB-XH tỉnh Bình Phước và Đội K72 khẳng định những ngôi mộ tập thể được ông Thúy cùng đoàn ngân hàng “phát hiện” là đã được chuẩn bị từ trước” - ông Mãng quả quyết.
“Ngay sau khi các hài cốt được an táng, chúng tôi kiểm tra lại và đặt ra nhiều nghi vấn: Vì sao các chiến sĩ hy sinh năm 1972 nhưng trong những di vật tìm thấy lại có “huy hiệu ngôi sao” sau năm 1975? Có một chiến sĩ hy sinh tận Bến Lớn (gần khu du lịch Đại Nam, tỉnh Bình Dương hiện nay) nhưng lại phát hiện chôn ở phường Hưng Chiến - cách nhau gần 100 km? Có trường hợp chiến sĩ hy sinh 2 năm trước nhưng lại được chôn chung mộ với người hy sinh sau. Có 2 chiến sĩ bị sốt rét mất trong căn cứ (cách nơi tìm thấy mộ 2-3 km theo đường chim bay) nhưng ông Thúy lại khẳng định chôn tại nơi ông ta cùng đoàn ngân hàng đào!
Ngoài ra, cán bộ của chúng tôi ghi trong nhật ký là đốt xương cổ nhưng khi soi kỹ thì phát hiện 2 đầu khúc xương được bịt xi măng đen, bên trong đổ đầy cát trắng hòa với xi măng bột màu đen... Từ những cơ sở nêu trên, chúng tôi đã làm báo cáo gửi UBND tỉnh Bình Phước và lập biên bản lấy mẫu gửi ra Hà Nội giám định, đến ngày 28/8 mới có kết quả khẳng định toàn bộ đều không phải xương người!” - ông Mãng phân tích.
Thúy (ngồi giữa) thắp nhanh khấn vái trước khi "tìm hài cốt liệt sĩ" tại thị xã Bình Long ngày 29/1. Ảnh: Tân Tiến
Đắk Lắk cũng là một trong những địa phương mà “cậu Thủy” đến “quy tập hài cốt liệt sĩ”. Có một điều bất thường là trong 2 đợt đến Đắk Lắk, “cậu” chỉ tìm kiếm vào khoảng thời gian từ 17 giờ đến 23 giờ. Thế nhưng, chỉ trong 7 hôm, “cậu” đã tìm được tổng cộng 73 bộ “hài cốt liệt sĩ”.
Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đắk Lắk, cuối năm 2011, ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH, đã tổ chức tìm kiếm hài cốt cha là liệt sĩ Dương Văn Mừng tại thôn 1, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo. Sau ít ngày tìm kiếm, “cậu Thủy” đã tìm kiếm được hài được cho là của liệt sĩ Dương Văn Mừng và cho biết khu vực này còn rất nhiều hài cốt liệt sĩ.
Do đó, Công đoàn Ngân hàng CSXH đã xây dựng kế hoạch rồi làm việc với Sở LĐ-TB-XH, UBND và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk tổ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ theo hình thức “áp vong, nhập hồn” do “cậu Thủy” đảm trách. Từ 17 giờ đến 23 giờ trong 7 ngày đầu tháng 3/2013, “cậu Thủy” đã tìm kiếm được tổng cộng 73 bộ hài cốt cùng nhiều vật dụng tại 18 điểm khai quật. Trong đó, 10 hài cốt có tên, họ, quê quán (ghi trên bình đông), 5 hài cốt chỉ có tên và tên đệm, còn lại chưa rõ. Sau đó, các hài cốt này được đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Lắk.
Ông Nguyễn Quang Trường, Giám đốc Sở LĐ-TBXH Đắk Lắk, cho biết: “Vì có Ngân hàng CSXH, có nhà ngoại cảm và cả nhân chứng từng chiến đấu tại đây tham gia quy tập nên chúng tôi mới đề nghị UBND tỉnh chấp thuận. Trong quá trình quy tập, sở có kế hoạch phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để lấy mẫu giám định AND. Tuy nhiên, nhiều người tham gia quy tập đề nghị không giám định AND vì việc quy tập công khai. Sau khi an táng các hài cốt, chúng tôi tiếp tục có văn bản gửi Cục Người có công Bộ LĐ-TBXH đề nghị lấy mẫu đi giám định AND. Song, Cục Người có công trả lời chưa lấy mẫu vì toàn bộ hài cốt đã an táng tại nghĩa trang liệt sĩ và được xây mộ theo đúng quy hoạch”.
Năm 1996, "cậu Thủy" từng bị Cơ quan Công an tỉnh Bắc Ninh khởi tố và bắt giam về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Ðến năm 2005 thì ông ta ra tù. |