Cầu Long Biên, Tháp Bút được tái hiện ở phố đi bộ TP HCM
Các công trình biểu tượng như cầu Long Biên, Khuê Văn Các, Tháp Bút, chùa Một Cột, chợ Đồng Xuân... tái hiện trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1.
Tối 23/8, đông nghịt người có mặt ở phố đi bộ Nguyễn Huệ tham gia chương trình Những ngày Hà Nội tại TP HCM. Khoảng 500 m trên tuyến đường trang trí các mô hình mô phỏng công trình kiến trúc biểu tượng, tiểu cảnh, gian hàng xưa, làng nghề, tranh ảnh... về thủ đô Hà Nội. Theo ban tổ chức, các mô hình được sản xuất và thi công lắp đặt tại TP HCM, bằng nhiều chất liệu như sắt, thép, gỗ, mút xốp...
Hoạt động do UBND TP Hà Nội phối hợp UBND TP HCM tổ chức, diễn ra từ ngày 23 đến 25/8, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
Nổi bật là mô hình cầu Long Biên trưng bày ở khu vực trung tâm phố đi bộ. Mô hình làm bằng sắt thép, dài khoảng 30 m, cao khoảng 5 m, tái hiện một phần cây cầu biểu tượng của thủ đô.
Cầu bắc qua sông Hồng, khởi công từ tháng 9/1898, do hãng Daydé - Pillié (Pháp) thiết kế và khánh thành năm 1902. Công trình được xây dựng hoàn toàn bằng thép, không tính hai đầu cầu dẫn, đã trở thành cây cầu lớn nhất của cả xứ Đông Dương thời đó.
Cầu dài hơn 1.691 m, có kết cấu ban đầu là cầu dàn thép, đường sắt chạy ở giữa và hai bên dành cho phương tiện đường bộ. Qua hơn 120 năm tồn tài, cầu trở thành biểu tượng lịch sử chứng kiến bao đổi thay của thủ đô.
Bề mặt mô hình cầu với các nhịp đều bằng sắt thép, phía dưới là đường ray có thảm đá để tạo tính chân thực. Buổi tối mô hình cũng được chiếu sáng giống như cầu Long Biên ở Hà Nội. Hai bên cầu và phía dưới là triển lãm các hình ảnh về thủ đô xưa và nay.
Khoảng 21h30, sau khi kết thúc chương trình văn nghệ khai mạc, người dân được đi lên mô hình cầu tham quan.
Đôi bạn Cao Đức Triệu và Ngô Thu Hậu chụp ảnh bên mô hình cầu Long Biên. "Mô hình rất đẹp và chân thực. Tôi rất vui khi được thấy hình ảnh quen thuộc của Thủ đô ở đây", Đức Triệu cho biết.
Cách đó không xa, mô hình Khê Văn Các cao khoảng 10 m đươc tái hiện lại với đường nét khá tương đồng bản gốc, thu hút nhiều người dân tham quan.
Khuê Văn Các là công trình kiến trúc đặc sắc và giá trị nhân văn, tư tưởng cao, nằm trong khuôn viên di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Công trình là một lầu vuông 8 mái, được xây vào năm 1805 dưới thời vua Gia Long. Vật liệu xây dựng là gỗ và gạch, mang phong cách kiến trúc triều Nguyễn. Theo quan niệm của người xưa, Khuê Văn Các có ý nghĩa là nơi tập trung của mọi tinh hoa giữa đất và trời, có ý tưởng đề cao trung tâm giáo dục văn hoá nho học của Việt Nam. Trở thành biểu tượng của Hà Nội năm 2012, hình ảnh Khuê Văn Các xuất hiện ở nhiều nơi, như trên biển tên đường phố ở Hà Nội.
Gần đó là biểu tượng cầu Thê Húc và Tháp Bút được mô phỏng lại.
Cầu Thê Húc với nghĩa ngưng tụ hào quang, bắc qua Hồ Gươm, dẫn vào đền Ngọc Sơn, do Nguyễn Văn Siêu (nhà thơ, nhà nghiên cứu nổi tiếng ở thế kỷ 19) lên ý tưởng và cho xây dựng. Cầu gồm 15 nhịp, 32 chân gỗ tròn xếp thành 16 đôi, mặt cầu lát ván, thành sơn màu đỏ sẫm. Trong lịch sử tồn tại, cây cầu này đã nhiều lần bị gãy và được dựng lại.
Tháp Bút cũng do Nguyễn Văn Siêu xây dựng, cao 4 m với đỉnh là một ngòi bút lông dựng ngược, trên thân ba tầng có khắc ba chữ Tả thanh thiên (viết lên trời xanh).
Mô hình Ô Quan Chưởng, một trong các công trình kiến trúc tiêu biểu của Hà Nội được dựng lại trên phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Ô Quan Chưởng nằm nằm trên phố cùng tên, được xây dựng năm 1749 dưới đời Lê và là cửa ô duy nhất còn lại trong số các cửa ô của Hà Nội. Công trình gồm hai tầng, được xây dựng theo kiến trúc cổng vọng lâu. Cổng có một cửa chính trên có tháp canh và cửa phụ ở hai bên. Tầng hai có vọng lâu 4 mái uốn cong 4 góc, có lan can bao quanh.
Trên tường cửa chính có gắn một tấm bia ghi lệnh của Tổng đốc Hoàng Diệu cấm lính gác nhũng nhiễu dân qua lại cửa ô. Tấm bia này lập năm Tự Đức thứ 34 (1881), trước khi Hoàng Diệu tuẫn tiết khi Pháp đánh Hà Nội lần thứ hai.
Đông đúc người dân tham quan, chụp ảnh ở mô hình Đoan Môn - một công trình cổ trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
Đoan Môn là một trong những cổng chính dẫn vào Cấm thành, được xây dựng thời Lê sơ (thế kỷ 15) và được tu bổ vào thời Nguyễn (thế kỷ 19), là cổng có vị trí quan trọng trong các hoạt động mang tính nghi lễ của Hoàng thành.
Công trình xây dựng bằng đá và gạch vồ, cấu trúc hình chữ U với 5 cửa vòm cuốn. Cửa giữa dành riêng cho nhà vua, hai bên có 4 cửa nhỏ dùng để các quan, hoàng thân ra vào cung.
Mô hình chợ Đồng Xuân được dựng ở khu đất của Thương xá Tax cũ, phía sau là khu ẩm thực Hà Nội.
Đồng Xuân là khu chợ lớn nhất phố cổ xây dựng từ năm 1889, mang đậm nét văn hóa, được nhiều du khách trong và ngoài nước ghé thăm khi đến Hà Nội.
Ngoài ra còn nhiều mô hình khác như chùa Một Cột, trụ sở báo Hà Nội Mới, tượng đài "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", phố bích hoạ Phùng Hưng, Trung thu Hà Nội xưa... được tái hiện.
Khoảng 200 m phố đi bộ là không gian tái hiện các làng nghề truyền thống như dệt, đúc đồng, làm nón, sơn mài, gốm Bát Tràng... được phục dựng với mô hình nhà ở khu phố cổ Hà Nội.
Toàn cảnh sự kiện Những ngày Hà Nội tại TP HCM từ trên cao.
Chương trình còn có hoạt động xúc tiến du lịch, trình diễn và trải nghiệm ẩm thực Hà Nội tại khu đất Thương xá Tax, triển lãm "Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội - Di sản cho mai sau", văn nghệ, biểu diễn võ thuật và thể dục nghệ thuật...
Nguồn: [Link nguồn]
Bị cáo Phạm Huỳnh Nhật Vi đã có hành vi bắt cóc hai bé gái ở phố đi bộ Nguyễn Huệ để quay clip khiêu dâm gửi cho một người đàn ông ngoại quốc.