Cầu Long Biên: Chưa xếp hạng di tích là thiếu sót

GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, cho rằng, cầu Long Biên xứng đáng là di tích quốc gia, chưa xếp hạng di tích cho cầu là thiếu sót.

Theo quy định, không phải di tích chưa được xếp hạng thì không bảo vệ, không bảo tồn. Luật Di sản nêu rõ, di sản văn hóa là sản phẩm vật chất và tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được bảo tồn và truyền từ đời này qua đời khác.

Luật Di sản còn khẳng định, không phải chỉ bảo vệ những di sản do người Việt Nam làm ra mà cả người nước ngoài tạo ra trên đất nước ta. 

Những công trình xây dựng theo kỹ thuật như cầu Long Biên còn tồn tại đến nay là rất hiếm. Cầu sắt nhưng mang bản sắc Việt với hình dáng của rồng bay.

Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng đất nước, cầu Long Biên vô cùng gắn bó với quân và dân ta, chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng; là một bộ phận gắn với phố cổ, không gian văn hóa Hà Nội...

Cầu Long Biên: Chưa xếp hạng di tích là thiếu sót - 1

GS.TSKH Lưu Trần Tiêu

Là Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, ông nhận xét gì về sự quan tâm của cơ quan chức năng đối với việc bảo tồn cầu Long Biên?

Mấy năm vừa rồi, số lượng di sản trên địa bàn Hà Nội được công nhận bằng 1/3 của cả nước và đó là khối lượng công việc rất lớn. Tôi đánh giá cao những công việc Hà Nội đã làm được, nhưng với cầu Long Biên đến nay vẫn chưa được xếp hạng di tích để bảo tồn thì cũng là một thiếu sót. 

Tôi cũng vừa trao đổi lại với cơ quan quản lý của Hà Nội, tôi thắc mắc tại sao cầu Long Biên mà lại chưa được đưa vào danh mục để xếp hạng di tích thì được các anh ấy trả lời rằng, Hà Nội có quá nhiều di tích nên chưa làm kịp.

Thành phố Hà Nội cho tôi biết sẽ khẩn trương làm thủ tục xếp hạng di tích cầu Long Biên, nhưng đây rõ ràng là một thiếu sót. Cầu Long Biên theo tôi xứng đáng là di tích quốc gia.

Từ góc độ bảo tồn, ông có thể cho biết quan điểm của mình về giải pháp mà Bộ GTVT đưa ra?

Về giải pháp, không được phép làm đè lên vị trí cầu cũ, dời 9 nhịp về phía thượng lưu để bảo tồn hay là làm cầu mới giống dáng vẻ cầu cũ vì như vậy là vi phạm nguyên tắc bảo tồn. Theo tôi, phương án hợp lý là trở lại phương án trước đây đã trình Thủ tướng là xây cầu mới cách cầu cũ 186m về phía thượng lưu. Đúng là chúng ta rất cần cầu đường sắt đi qua tuyến này nhưng phát triển phải đi liền với bảo tồn mới là phương án hay.

Bảo tồn di sản không chỉ phục vụ cho giáo dục truyền thống, cân bằng tâm thức xã hội mà bảo tồn di sản còn góp phần quan trọng tạo nguồn lực phát triển. Có rất nhiều di tích đang mang lại nguồn lợi vật chất, tinh thần rất lớn như phố cổ Hội An, cố đô Huế, danh thắng Phong Nha - Kẻ Bàng, Vịnh Hạ Long, thánh địa Mỹ Sơn...

Trường hợp cơ quan chức năng chọn phương án xây đè lên, làm biến dạng cầu cũ thì Hội đồng di sản văn hóa có ý kiến không?

Khi đó, nhất định Hội đồng sẽ có chính kiến với tư cách là cơ quan tư vấn giúp cho Thủ tướng Chính phủ về bảo tồn và phát huy di sản văn hoá. Ngay cả những dự án đã quyết rồi như “đồi Vọng Cảnh”, Hội đồng cũng có ý kiến phản biện thành công. Theo tôi, vấn đề này cần rộng rãi thông tin để nhiều người cùng góp ý thì hiệu quả sẽ tốt hơn...

Cảm ơn ông.

Ngày 4/12/2013, HĐND thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết số 24 về việc ban hành danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Trong đó xác định cầu Long Biên là một trong những công trình được bảo tồn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Tuấn (Tiền phong)
Tranh cãi việc bảo tồn cầu Long Biên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN