“Cậu IT” Nhâm Hoàng Khang đối diện hình phạt nào?
“Cậu IT” Nhâm Hoàng Khang đã bị cơ quan điều tra di lý về trụ sở Bộ Công an ở phía nam và thi hành lệnh tạm giam.
Nhâm Hoàng Khang thời điểm bị bắt ở TP.Cần Thơ
Liên quan đến vụ hacker Nhâm Hoàng Khang bị bắt, ngày 5/10, trao đổi với PV, một lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an cho biết, đơn vị đã di lý bị can Nhâm Hoàng Khang (hay còn gọi “cậu IT”, 34 tuổi, trú TP.Hồ Chí Minh) từ TP.Cần Thơ về trụ sở phía nam Bộ Công an tại TP.Hồ Chí Minh để thi hành lệnh tạm giam.
Bị can Nhâm Hoàng Khang bị Cục C02 khởi tố về hành vi Cưỡng đoạt tài sản vào ngày 4/10. Đối tượng bị bắt khi đang ở TP.Cần Thơ.
Theo Cục C02, Khang bị bắt do có hành vi hack thông tin vào một trang web liên quan đến cờ bạc và thông tin của một số cá nhân, trong đó có người nổi tiếng. Sau đó, Khang tống tiền 500 triệu đồng nếu không sẽ gửi thông tin web cờ bạc đến cơ quan công an. Số tiền này sau đó được giảm xuống 400 triệu đồng qua sự thoả thuận giữa hai bên.
Luật sư Diệp Năng Bình
Liên quan đến vụ việc, cùng ngày, trao đổi với PV, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết, căn cứ theo thông tin nói trên, “cậu IT” Nhâm Hoàng Khang có thể bị xử lý theo Khoản 3 Điều 170 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 với khung hình phạt từ 7 - 15 năm tù. Theo đó, hành vi của Khang là dùng thông tin hack được đe doạ, uy hiếp tinh thần các bị hại, bất chấp việc Khang đã nhận được số tiền 400 triệu đồng từ chủ web cờ bạc hay chưa.
Theo luật sư Bình, ngoài việc xử lý Khang về tội Cưỡng đoạt tài sản, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ những thông tin Khang nắm được qua việc hack web hay thông tin cá nhân của người nổi tiếng là thông tin gì, hành vi đe doạ, uy hiếp chủ web cờ bạc thể hiện qua tài liệu, chứng cứ nào. Tài liệu, chứng cứ nào cho thấy Khang và nạn nhân đã bàn bạc, yêu cầu chuyển số tiền 400 triệu đồng. Trong quá trình điều tra, nếu có căn cứ cho thấy chủ web cờ bạc có hành vi vi phạm pháp luật, cơ quan công an có thể xử lý người này theo tội danh Tổ chức đánh bạc và đánh bạc trái phép.
TS.LS Đặng Văn Cường
Đồng ý kiến với luật sư Diệp Năng Bình, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, cơ quan điều tra còn xử lý thêm hành vi đột nhập mạng máy tính, viễn thông để đánh cắp thông tin của người khác của Nhâm Hoàng Khang. Khang có thể bị xử lý theo tội Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác.
TS.LS Cường cho hay, nếu trong quá trình điều tra, cơ quan công an xác định Khang có chuyển thông tin, bí mật cá nhân của người khác cho một người thứ 3, hoặc có người xúi giục, giúp đỡ Khang thực hiện hành vi phạm tội thì người này cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong vai trò đồng phạm.
Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. Điều 125. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác. 1. Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 1 năm đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Phạm tội nhiều lần; d) Gây hậu quả nghiêm trọng; đ) Tái phạm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 20 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm. |
Sau thời gian điều tra, Bộ Công an đã bắt giữ Nhâm Hoàng Khang về hành vi xâm nhập dữ liệu mạng máy tính rồi tống tiền...
Nguồn: [Link nguồn]