Cầu Ghềnh sập, hành khách lũ lượt trả vé ở ga Sài Gòn
Nhiều hành khách đã tới ga Sài Gòn để trả vé và nhận lại 100% tiền mặt vào sáng 21.3.
Những hành khách đã mua vé tàu trước thời điểm xảy ra sự cố, được ga Sài Gòn hoàn trả 100% tiền vé nếu muốn trả vé.
Do sự cố sập cầu Ghềnh (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), hệ thống đường sắt Bắc - Nam đã bị tê liệt từ trưa ngày 20.3. Trong đó, ga Sài Gòn bị cô lập so với ga Biên Hòa trở ra Bắc. Theo kế hoạch tức thời được Tổng công ty Đường sắt Sài Gòn đưa ra, hành khách được di chuyển qua lại giữa ga Sài Gòn và ga Biên Hòa bằng xe trung chuyển.
Cụ thể, mọi đoàn tàu thay vì tới và đi từ ga Sài Gòn, nay sẽ được đổi sang ga Biên Hòa. Hành khách di chuyển qua lại giữa hai ga bằng xe trung chuyển (miễn phí).
Bảng thông báo sự cố ở ga Sài Gòn.
Mặc dù ga Sài Gòn bị cô lập nhưng ghi nhận của PV vào sáng 21.3, ga Sài Gòn không quá vắng lặng. Bên cạnh lượng người mua vé có nhiều người tới trả vé. Ông Đỗ Quang Văn - Giám đốc Công ty Vận tải Đường sắt chi nhánh Sài Gòn cho biết: “Chưa có thống kê số lượng hành khách mua vé và trả vé cụ thể, nhưng ước tính lượng hành khách trả vé là gần 1/4 tổng lượng người đã mua vé”.
Các nhân viên quầy vé ở tầng 1 của nhà ga đang xử lý các trường hợp hành khách trả vé.
Hành khách Lê Văn Quá (39 tuổi) cho biết: “Tôi biết thông tin vụ sập cầu Ghềnh nhưng lại không hay biết sự cố này ảnh hưởng tới đường sắt. Giờ tôi tới ga để mua vé cho mẹ về quê vào ngày 25.3. Nhưng nếu phải đi xe trung chuyển như vậy thì phải chuyển sang đi máy bay”.
“Do mẹ đã lớn tuổi, đi lại khó khăn nên không thể đi trung chuyển được. Ngoài ra còn hàng hóa, hành lý, đi xe trung chuyển tới đó không biết có ai khuân phụ mẹ không”, anh Quá băn khoăn.
Cầm đầy đủ tiền của 2 vé đã trả, ông Phan Đức Thanh (52 tuổi, quê Bình Định) nói: “Tôi thấy đường sắt hỗ trợ như vậy là hợp lý rồi. Nhưng mà xe trung chuyển thì phiền phức lắm, tuổi già sức yếu khó đi được. Còn tiền vé thì tôi đã nhận lại đầy đủ 100%”.
Lê Ngọc Bảo Anh (SV năm 3 Trường ĐH Hồng Bàng) cho biết, Bảo Anh đã mua vé tàu về ga Nha Trang vào tối 21.3. Hành khách này sẵn sàng đi xe trung chuyển nhưng lo lắng chuyến tàu tại ga Biên Hòa không chạy đúng giờ. “Em tới đây là để hỏi việc đó. Nếu tàu không chạy đúng giờ được thì em sẽ trả vé”, Bảo Anh nói.
Ông Nguyễn Văn Thừa, hành khách đã mua vé chuyến tàu SE22 đi từ ga Sài Gòn tới ga Lăng Cô (Huế) theo lịch khởi hành lúc 12h5 ngày 21.3, cho biết, nhà ga hẹn 11h sẽ có xe trung chuyển tới chở ra Biên Hòa, tiếp tục hành trình.
Hành khách ngồi chờ xe buýt trung chuyển đưa ra ga Biên Hòa.
Ông Đỗ Quang Văn - Giám đốc Công ty Vận tải Đường sắt chi nhánh Sài Gòn cho biết, kế hoạch dự kiến ngày 21.3 sẽ có 9 đôi tàu, gồm 5 đôi tàu Thống Nhất (Sài Gòn - Hà Nội) và 4 đôi tàu khu đoạn (Sài Gòn - Phan Thiết - Nha Trang - Quy Nhơn - Vinh), dự kiến vận chuyển 918 hành khách (giảm nhiều so với cùng thời điểm - khoảng 2.500 khách).
Trước đó, ngày 20.3, đã có hơn 1.000 hành khách di chuyển qua ga Sài Gòn tới ga Biên Hòa thông qua xe trung chuyển. Trong những ngày tới, kế hoạch dự kiến sẽ có 8 đôi tàu.
Ông Văn cho biết thêm, nhiều nhân viên đã được cử từ ga Sài Gòn lên ga Biên Hòa, đặc biệt các nhân viên trong bộ phận hành lý để giúp những trường hợp ưu tiên (người già, phụ nữ, người khuyết tật,...) khuân vác hành lý.
Ông Đỗ Quang Văn - Giám đốc Công ty Vận tải Đường sắt chi nhánh Sài Gòn.
Tại ga Sài Gòn, trong ngày 20.3, Sở GTVT TP.HCM đã điều 12 xe buýt hỗ trợ trung chuyển hành khách, và có 10 xe ô tô do các doanh nghiệp du lịch hỗ trợ. Riêng hôm nay (21.3), có 23 chiếc xe buýt do Sở GTVT TP.HCM điều đến hỗ trợ ga Sài Gòn. Ngoài ra, ga Biên Hòa cũng bố trí nhiều xe ô tô trung chuyển hành khách.
“Ga Sài Gòn đang ưu tiên vận chuyển hành khách và hành lý mang theo. Đối với hành lý ký gửi đang gửi tại ga Sài Gòn, bộ phận chuyển hàng đang cố gắng xử lý ngay trong hôm nay và ngày mai. Dự kiến, ngày 23.3, hành lý ký gửi sẽ được chuyển tới ga Biên Hòa”, ông Văn nói.
Một hành khách mua vé đang được nhân viên tư vấn về việc đi xe trung chuyển.
Mặc dù phải mang theo nhiều hành lý đi xe trung chuyển nhưng hầu hết các hành khách đều cảm thông cho nhà ga.
Người già, trẻ em, người khuyết tật,... là những đối tượng được ưu tiên hỗ trợ khuân vác hành lý.
Ngày 21.3, đã có 23 xe trung chuyển được Sở GTVT TP.HCM điều đến hỗ trợ ga Sài Gòn.
Nhiều hành khách nước ngoài tỏ ra khó hiểu khi phải đi xe ô tô trung chuyển từ ga Sài Gòn.
Tàu lửa "nằm im" trong ga Sài Gòn.