Câu chuyện về "bà trùm" rau sạch trên bãi giữa sông Hồng
Là chủ của 5 héc-ta hoa màu, nằm chơi vơi giữa con sông Hồng chảy qua thủ đô Hà Nội, khi hỏi đến chị em bà Lợi - bà Toàn, không ai ở những khu chợ dọc hai bên bờ sông không biết. Sau hàng chục năm trồng rau và buôn bán, hai người đàn bà đã bước qua tuổi 50 này được nhiều người gọi vui là “bà trùm” rau sạch.
Cách gọi là thế nhưng mấy ai biết cuộc sống trên bãi bồi, bên trong những ngôi nhà lụp xụp của hai “bà trùm” này cũng không hề dễ dàng…
Bán rau kiếm tiền triệu mỗi ngày
Cái tên “bà trùm” buôn rau của chị em bà Nguyễn Thị Lợi (quê Vĩnh Phúc) nổi tiếng khắp các khu chợ, nhất là chợ Phú Gia (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) thì không ai không biết.
Khi hỏi đến bà Lợi “rau bí”, một bà chủ sạp rau tại đây hồ hởi chỉ cho chúng tôi con đường ngắn nhất để đến trang trại trồng rau của chị em bà Lợi. Người này cũng cho biết, hơn chục năm nay, chưa từng thấy bà Lợi nghỉ ngơi một ngày nào. Bất kể ngày mưa, nắng hay thời tiết khắc nghiệt, bà Lợi vẫn cố gắng chở cả tạ rau đến chợ Phú Gia để giao cho các sạp hàng.
Cơ ngơi của hai "bà trùm" rau sạch.
Nói về vườn rau khổng lồ của mình, bà Lợi kể: “Mỗi ngày hai chị em tôi cung ứng cho hàng chục quán ăn, nhà hàng trong nội thành khoảng 100kg rau bí đã tước sẵn. Vào những ngày cao điểm, lễ Tết người ta đi ăn hàng nhiều thì phải bán ra đến 200kg rau. Mỗi ký rau có giá 30 ngàn đồng”.
Bà Lợi cho biết, phần lớn những khách hàng đặt mua rau đều là khách quen, đã có quan hệ từ trước nên ít khi rau của bà bị ế. Cũng vì thế, chuyện thu về tiền triệu mỗi ngày đối với chị em bà Lợi là điều bình thường trong suốt nhiều năm trở lại đây. Có những khi vào ngày cao điểm, do không xử lý kịp rau theo đơn đặt hàng, bà Lợi phải chở rau từ Nhật Tân về tận Vĩnh Phúc để huy động anh em họ hàng tước rau hộ.
Thu tiền triệu mỗi ngày như vậy, ai nhìn vào bề nổi cũng nghĩ rằng hai người phụ nữ này có cuộc sống dễ dàng, sung sướng, giàu có. Nhưng ít ai biết, để trở thành một “bà trùm” rau sạch như vậy, trong 20 năm qua, bà Lợi cùng chị của mình đã phải chịu biết bao nhiêu vất vả.
“Năm 1999, tôi cùng nhiều người trong làng tại vùng quê Vĩnh Phúc di cư đến khu bãi bồi nằm sát cầu Nhật Tân để mưu sinh bằng nghề chăn nuôi, trồng trọt. Khi đó mọi người cũng nói vui với nhau là ra đảo hoang để ở. Rồi từ khi cây cầu Nhật Tân được xây dựng và hoàn thành, những người trên đảo cứ dần dần bỏ về quê. Họ bỏ nghề khiến bãi bồi này lại trở thành đảo hoang thực sự vì chỉ có vài người bám trụ.
Ngôi nhà dột nát nơi hai chị em sống.
Đã có lúc, khu bãi bồi này có rất đông người sinh sống, cả một làng ở Vĩnh Phúc quê tôi đã rủ nhau lên đây định cư lập nghiệp. Mỗi tối tiếng cười cứ vang lên khắp xóm, khiến mọi người quên hết mệt nhọc sau một ngày lao động. Nhưng đến giờ chỉ còn khoảng 6 nóc nhà với vỏn vẹn chục người còn bám trụ lại sau 20 năm. Khi xây xong cầu Nhật Tân, các tốp công nhân rời khỏi đảo. Chúng tôi nhặt nhạnh vải bạt, sắt thép xây dựng còn sót lại, vá víu thêm vào những căn lều của mình”, bà Lợi nhớ lại.
Nói là sống ở “đảo hoang”, nhưng những ngôi nhà cao tầng, sang trọng ở trong thành phố vẫn ở ngay trong tầm mắt. Tuy nhiên cuộc sống nơi này thiếu thốn đủ đường, không điện, không nước máy, nước sạch. Nhưng đổi lại, phù sa theo dòng sông Hồng bồi đắp vào khu đất nổi này giúp cho mảnh đất trở nên màu mỡ, trồng cây gì, rau gì cũng tươi tốt mà lại không cần dùng đến thuốc hay chất kích thích. Cũng vì thế, món rau bí do bà Lợi trồng đã trở thành một loại đặc sản đặc biệt và đó cũng là lý do vì sao chị em bà vẫn cố bám trụ ở nơi đây.
Tìm nguồn sống từ “đảo hoang”
Cũng từ 5 héc-ta rau bí này, vợ chồng bà Lợi có tiền để nuôi các con ăn học đàng hoàng, xây được nhà cửa ở quê nhà. Đổi lại, bà phải sống cảnh bơ vơ xa chồng, xa con. Năm 2013, thương em gái vất vả cô đơn, bà Nguyễn Thị Toàn quyết định chuyển ra “đảo hoang” này để cùng em chăm sóc vườn rau.
Bà Lợi sắp rau vào thùng cho khách.
Mỗi ngày, hai bà dậy từ 2 giờ sáng để ra vườn thu hoạch rau bí, kịp đi giao hàng tại khu chợ Phú Gia. Khi bà Lợi sắp rau vào thùng, mang lên đò để sang khu chợ bên kia bờ thì bà Toàn lại cặm cụi tước rau, nhổ cỏ, chăm thêm ít ngô, cà pháo, đỗ đen.
Đến 12 giờ, khi vừa từ chợ Phú Gia trở về, chưa kịp ráo mồ hôi, bà Lợi lại giục chị gái nhanh tay cùng mình tước hàng chục kilôgam rau bí cho khách đã đặt trước. Nhặt xong hơn 30 kg rau bí, hai người phụ nữ cẩn thận xếp rau vào thùng xốp. Cứ một lớp rau lại một lớp đá lạnh để giữ cho rau tươi ngon, không héo.
Xòe bàn tay cho chúng tôi xem, bà Lợi nói: “Tôi có thói quen đó là khi tước rau bí cho khách quen, không tham không ẩu hay làm rối, họ chê là mất mối ngay. Chúng tôi phải tước thật kĩ hết phần vỏ mà không được để rau gãy, rau nát. Làm rau nhiều nên tay tôi lúc nào cũng xanh lè…”
Chưa đợi bà Lợi nói hết câu, bà Toàn chen ngang vào câu chuyện của chúng tôi bằng giọng trách móc: “Em tôi toàn làm cố, đêm chỉ ngủ có 3-4 tiếng. Nếu người khác không quen thì không chịu được đâu. Có những ngày nắng gắt, 39-40 độ nhưng vẫn cố phơi nắng giữa đồng. Tôi nói nhiều lần rồi mà nó không nghe, nhìn người cứ gầy xác xơ”.
Nghe bà Toàn nói, bà Lợi chỉ cười trừ bởi đã trót ra đây kiếm sống, ai chẳng muốn cố gắng, muốn thay đổi cuộc đời. Thay đổi ở đâu thì không rõ, nhưng tại nơi đây, trong căn nhà gỗ lụp xụp được lắp ghép bởi những đồ đạc nhặt nhạnh từ công trường này, chúng tôi chỉ thấy sự khó khăn, nghèo nàn. Ngoài hai chiếc giường ọp ẹp nằm ngủ, một chiếc quạt và một chiếc loa nhỏ, trong căn nhà này không có một chút tài sản gì đáng giá.
Trong ngày chúng tôi có mặt tại “đảo hoang”, ông Chương - chồng bà Toàn cũng vừa mới ra thăm bà Toàn và em gái. Đây đã là một thói quen của người đàn ông này, đều đặn dăm bữa, nửa tháng ông lại đi xe máy từ Từ Sơn - Bắc Ninh ra “đảo”, tiện có việc gì thì phụ giúp cho vợ và em. Ông Chương kể, trước đây ông là giảng viên Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh. Cả ông lẫn bà Toàn đều đã qua một lần “đò”, cơ duyên gặp được nhau và về chung một nhà vì tình yêu thương thực sự.
Tương tự như ông Chương, ông Long là chồng bà Lợi cũng thường xuyên ra đảo thăm và đỡ đần vợ công việc vận chuyển rau đi khắp nơi. Dù xa gia đình, xa quê nhưng sự yêu thương, thấu hiểu của hai người chồng như tiếp thêm động lực cho hai chị em bà Lợi - bà Toàn gắn bó với “đảo hoang”.
“Vất vả, thiếu thốn nhưng được chồng con thấu hiểu như thế này, chúng tôi còn mong gì hơn. Còn sức khỏe thì hai chị em cố làm thêm một chút để có tiền lo cho con cái sau này ấm no. Gọi là đảo hoang nhưng mỗi khi các ông ấy ra, nơi này lại đầy ắp tiếng cười như những năm đầu tiên khai phá. Như vậy đâu gọi là đảo hoang…” - bà Lợi cười và nói.
Là “linh hồn” của xóm ngụ cư ở bãi giữa sông Hồng, ông Được “đen“ nổi tiếng với việc vớt xác, cứu người.