Cậu bé 5 năm bò đến trường bằng tay giờ ra sao?

Lầu A Sáng suốt 5 năm bò bằng tay đến trường giờ đã trở thành một sinh viên năm 3 nghành công nghệ thông tin.

Lầu A Sáng bò bằng tay đến trường hồi còn học cấp 1.

Lầu A Sáng bò bằng tay đến trường hồi còn học cấp 1.

Liên quan đến sự việc cậu bé Lầu A Sáng, người dân tộc H’Mông, 5 năm bò bằng tay đến trường ở Sơn La vì đôi chân bị dị tật, ngày 29/9 chia sẻ với PV, lãnh đạo UBND thị trấn Nông Trường (Mộc Châu, Sơn La) cho biết, hiện tại Lầu A Sáng đang theo học tại trường Đại học Kinh Bắc ở Bắc Ninh.

Theo vị lãnh đạo này, Lầu A Sáng giờ không còn là cậu bé nữa mà đã trở thành một sinh viên năm thứ 3 đại học, chuyên nghành công nghệ thông tin.

Trò chuyện với PV, Lầu A Sáng cho biết, cậu giờ đã là một chàng trai 21 tuổi, nhưng chỉ nặng vỏn vẹn 35kg. Đôi chân dị tật của Sáng không thay đổi, giờ cậu đã có xe lăn, không phải bò đến trường như trước kia nữa.

Sáng bảo, cậu phải bò đến trường bằng tay suốt 5 năm học cấp 1, lên cấp 2, bố mẹ là người đưa đón cậu đi học. Đến cấp 3, Sáng được các thầy cô Trường Hữu Nghị 80 ở Sơn Tây (Hà Nội) đón về học.

Sau khi học xong cấp 3, Sáng có nguyện vọng vào học Khoa Công nghệ thông tin tại Trường Đại học Kinh Bắc ở Bắc Ninh nên đã xét tuyển vào đây.

Cậu bé 5 năm bò đến trường bằng tay giờ ra sao? - 2

Lầu A Sáng hiện tại.

Lầu A Sáng hiện tại.

Sáng vừa đi học về đang mở cửa vào phòng.

Sáng vừa đi học về đang mở cửa vào phòng.

“Em đi học ở đây được giảm 50% học phí, số còn lại bố mẹ lo cho em, còn 1 năm nữa là em ra trường”, Sáng nói.

Khi hỏi về dự định tiếp theo, Sáng cho hay, cậu cũng chưa nghĩ tới, cứ học xong rồi tính, xem năng lực của bản thân tới đâu Sáng sẽ lựa chọn hướng đi đúng đắn nhất cho bản thân.

Kể về cuộc sống hiện tại, Sáng bảo: “Em cảm thấy mình rất may mắn khi đi đến đâu cũng được bạn bè, mọi người xung quanh giúp đỡ nhiệt tình”.

Sáng học trên lớp.

Sáng học trên lớp.

Nhớ lại khoảng thời gian khi chưa có xe lăn, đôi bàn tay chai sần, chi chít những vết sẹo lớn nhỏ và đất cát cáu bẩn lại càng thôi thúc cậu phải cố gắng học tập.

Sáng cho biết, cậu chưa bao giờ tự ti về đôi chân dị tật của mình. Hiện tại, Sáng vẫn tự sinh hoạt, duy chỉ có đến trường phải lên 1 con dốc cao nên cậu phải nhờ bạn bè hỗ trợ.

“Mỗi lần về quê bạn bè đưa em ra bắt xe, về đến nhà bố mẹ lại ra đón em. Khó khăn lúc nhỏ thôi chứ giờ em đã quen với tất cả mọi việc”, sáng chia sẻ.

Sáng kể nhà cậu có tất thảy 5 anh chị em nhưng chỉ có Sáng là người bị dị tật ở chân. Các anh chị Sáng đã lập gia đình và ra ở riêng, giờ chỉ còn Sáng ở cùng với bố mẹ. Sáng chỉ muốn học tập thật tốt, kiếm được công việc phù hợp cho bản thân để phụ giúp bố mẹ.

Năm 2012, Lầu A Sáng được báo chí nhắc đến khi là một học sinh 5 năm bò đến trường bằng tay. Sở dĩ phải bò đến trường vì Sáng không đi lại được bằng chân do khối u sau mông.

Quê Sáng ở tiểu khu Pa Khen I, thị trấn Nông trường Mộc Châu, Mộc Châu, Sơn La. Nơi đây là miền núi, lạc hậu, nhà Sáng lại nghèo nữa, mãi đến năm Sáng 6 tuổi gia đình Sáng mới có điều kiện chạy chữa.

Khi mổ xong, Sáng thoát khỏi tử thần nhưng đôi chân lúc này đã teo tóp, cong queo, không thể đi lại được. Từ ấy, Sáng chỉ có thể ngồi một chỗ.

Thấy các bạn trong bản cắp sách tới trường, Sáng khát khao được đi học. Nghĩ là làm, Sáng không cho phép mình nằm một chỗ, cậu bắt đầu tập di chuyển bằng cách bò.

Những ngày đầu tập di chuyển rất khó nhọc. Nhưng niềm khao khát tự mình di chuyển được khiến Sáng tập bò cả ngày lẫn đêm.

Ước muốn được tới trường của Sáng đã trở thành hiện thực. Những hôm bố bận, Sáng tự đeo cặp lên lưng rồi bò từ nhà đến trường.

Suốt 5 năm với đôi chân thường xuyên đau nhức, không thể đi được, Sáng đã bền bỉ bò đến trường để được học chữ. Cậu bé ấy có một tinh thần hiếu học và nghị lực phi thường.

Khi lên cấp hai, Sáng phải chuyển đến trường học cách nhà 3km nên Sáng không thể nào tự bò tới lớp học được nên đã nhờ bố mẹ hỗ trợ.

Cậu bé 10 tuổi sống cô độc ở Tuyên Quang bây giờ ra sao?

Cảnh đời khốn khổ của cậu bé Khuyên đã khiến nhiều người rơi lệ. Sau khi báo chí đăng tải, được sự giúp đỡ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh An ([Tên nguồn])
Những phận đời kém may mắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN