Carina cháy hơn 1 giờ, PCCC mới được báo tin

Trao đổi với Tiền Phong chiều 27/3, Đại tá Lê Tấn Bửu, nguyên Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TPHCM (PCCC) nhận xét vụ cháy chung cư Carina (phường 16, quận 8) làm 13 người chết là một bài học đau xót.

Carina cháy hơn 1 giờ, PCCC mới được báo tin - 1

Hiện trường vụ cháy thảm khốc tại chung cư Carina làm 13 người chết, gần 100 người bị thương

Ông Bửu nói: Thảm họa vừa xảy ra ở chung cư Carina chính là tin báo cháy chậm, hệ thống chữa cháy không hoạt động, lực lượng tại chỗ hoạt động không hiệu quả. Lực lượng PCCC đến nơi thì đã cháy lớn, mọi chuyện đã rồi.

Vụ cháy chung cư Carina, nếu TPHCM có trực thăng cứu hộ cứu nạn thì hậu quả của nó có thảm khốc như vậy?

Hậu quả từ vụ cháy chung cư Carina, vấn đề ở đây là do chủ đầu tư không chấp hành đúng các quy định về đảm bảo an toàn. Công trình có thẩm duyệt, có hồ sơ lưu về PCCC nhưng khi xảy ra sự cố thì các hệ thống không hoạt động được. Đặc biệt, hệ thống buồng thang thoát nạn phải chống khói, đằng này thang thoát hiểm mở toang hết. Nhiều chỗ còn bị chèn đá. Việc mở ra cho thông thoáng vô tình khi xảy ra cháy thì lửa, khói, khí độc lan tỏa lên các tầng trên.

Cái thứ hai là thông tin cháy báo cáo chậm. Hơn một tiếng đồng hồ, thậm chí gần 1 tiếng 30 phút tụi tôi mới nhận được tin. Nếu được báo sớm hơn, điều kiện hạ tầng đáp ứng, trực thăng có nơi đáp, chung cư có nơi lánh nạn trên tầng thượng cho cư dân chờ trực thăng đến cứu thì hiệu quả cứu hộ cứu nạn sẽ rất cao.

Tòa nhà Carina không có sân đáp trực thăng trên sân thượng, nếu có trực thăng tham gia cứu hộ cứu nạn thì cũng chỉ cơ động đưa người bị nạn xuống bên dưới để phương tiện khác đưa đi. Hiệu quả chưa hẳn đã tốt hơn.

Còn câu chuyện ở Carina chính là tin báo cháy chậm, chính là hệ thống chữa cháy không hoạt động, lực lượng tại chỗ hoạt động không hiệu quả. Lực lượng PCCC đến nơi thì đã cháy lớn, mọi chuyện đã rồi. Mình cứu người trong cái còn cái mất. Lúc đó anh em chỉ biết lăn xả vào từng phòng để tìm kiếm nạn nhân. Đây là điều hết sức đau lòng và là sự cảnh tỉnh đối với tất cả các chung cư, các chủ đầu tư không được lơ là trong công tác PCCC.

Cảnh sát PCCC thẩm duyệt, thanh kiểm tra rồi nhưng tại sao không phát hiện được hệ thống PCCC tại chỗ có vấn đề?

Quan trọng là trong quá trình khai thác, vận hành, duy tu, bảo hành, bảo dưỡng. muốn hệ thống PCCC hoạt động tốt thì phải kiểm tra thường xuyên; phải có một đội ngũ kỹ thuật, kiểm tra hệ thống hàng tuần, hàng ngày để kịp thời phát hiện và khắc phục. Đằng này có cũng như không. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ trách nhiệm của đơn vị cơ sở.

Nếu sự cố được báo sớm?

Chắc chắn hậu quả sẽ không nặng nề, thảm khốc như vậy. Nếu báo tin sớm, Cảnh sát PCCC đến kịp thời và xử lý nhanh thì nhiệt độ sẽ không tăng cao và khói, khí độc sẽ không lan tỏa nhiều. Đằng này đến hơn một tiếng đồng hồ mới báo.

Khoa học đã chứng minh nếu đám cháy tự do xảy ra chưa quá 10 phút đầu, nhiệt lượng tỏa ra chưa nhiều thì khả năng lan tỏa khói và nhiệt độ đám cháy còn hạn chế. Từ phút thứ 11 trở đi, đám cháy lan truyền theo cấp số nhân, thậm chí cháy theo kiểu “cóc nhảy”. Thời gian càng chậm mà không có sự tác động của con người sẽ báo hiệu cho một đám cháy lây lan rất lớn và thiệt hại không thể lường được. Carina là một bài học đau xót.

Qua vụ cháy chung cư Carina, theo ông, việc trang bị trực thăng cứu hộ cứu nạn và chữa cháy tại TPHCM có thực sự cần thiết?

Trực thăng phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra cháy lớn tại các tòa nhà cao tầng ở TPHCM là rất cần thiết, còn kết hợp để chữa cháy chỉ là nhiệm vụ bổ sung. Hiệu quả trong việc chữa cháy bằng trực thăng là đối với các sự cố cháy rừng.

Sử dụng trực thăng phải đáp ứng điều kiện về hạ tầng kỹ thuật thì mới có thể thực hiện được nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn. Các nhà cao tầng khi đến một độ cao nào đó bắt buộc phải có mặt bằng để trực thăng đáp. Công trình đòi hỏi phải chắc chắn, an toàn. Nói chung phải đồng bộ để khi sử dụng trực thăng đạt hiệu quả tối ưu.

Nếu chung cư Carina có sân đỗ trực thăng và mặt bằng lánh nạn trên sân thượng thì hiệu quả cứu nạn, cứu hộ đã rất tốt. Các tòa nhà có bãi đáp trực thăng phải tập huấn, huấn luyện kỹ năng thoát hiểm, sử dụng các trang thiết bị chữa cháy tại chỗ như thế nào cho cư dân. Quá trình vận hành, khai thác, quy chế phối hợp… nói chung là đòi hỏi phải đồng bộ.

Về chủ trương, việc trang bị trực thăng cứu hộ cứu nạn và phục vụ chữa cháy tại TPHCM là rất cần thiết. Các nước trong khu vực họ đã trang bị trực thăng rồi. Mình đang đi chậm hơn người ta.     

Năm 2017, làm việc với Cảnh sát PCCC, Bí thư Thành ủy TPHCM đã thống nhất chủ trương thuê trực thăng của quân đội để phục vụ cứu hộ cứu nạn và chữa cháy. Chủ trương đó đã được thực hiện đến đâu?

Sau khi lãnh đạo TPHCM có chủ trương, Cảnh sát PCCC đã nhiều lần bàn với các anh bên quân đội, lực lượng phòng không nhưng chỉ dừng lại ở việc bàn bạc vì có những khó khăn nhất định.

Nếu bây giờ có quyết tâm chính trị; vì vấn đề an sinh, an toàn của người dân trong thời gian chờ trang bị trực thăng, sự đồng bộ hạ tầng việc sử dụng trực thăng chi viện trong công tác cứu hộ cứu nạn sẽ rất tốt.

Trước mắt, trong phối hợp thì cần có một hợp đồng ghi nhận trách nhiệm và khi có lệnh điều động thì trực thăng có mặt và tham gia ứng cứu. Trước mắt mà TPHCM làm được điều này thì rất tốt và chắc chắn sẽ hạn chế được những tổn thất. Tuy nhiên, quan trọng là cần phải có chủ trương, phải có sự thống nhất giữa lãnh đạo địa phương và quân đội. Máy bay sẵn có của quân đội sẽ góp phần tích cực trong những tình huống khẩn cấp như vụ cháy chung cư Carina vừa rồi.

Có một nghịch lý là người ta có thể thuê máy bay phục vụ nhu cầu cá nhân, trong khi TPHCM loay hoay mãi không có máy bay để cứu hộ cứu nạn?

Cơ quan tham mưu cần nghiên cứu, bàn bạc và đề xuất lại về phối hợp. Hiện nay phương tiện có, con người cũng có. Cứu hộ cứu nạn bằng trực thăng đòi hỏi tính chuyên nghiệp, phải có những bài huấn luyện riêng cho lực lượng cứu hộ cứu nạn. Chuyện đó không khó nếu có một hợp đồng.

Kể cả một số công ty dịch vụ bay, nếu mình hợp đồng trước, họ tham gia cứu hộ, cứu nạn theo lệnh điều động của thành phố thì cũng rất hiệu quả. Trong thời gian chờ ngân sách trang bị trực thăng, thực hiện theo hướng đó sẽ rất hiệu quả, tiết kiệm.

TPHCM có một xe thang rất cao, vì sao không điều động đến hiện trường vụ cháy chung cư Carina?

Xe thang 72 m (cao nhất hiện nay) đã bị hư hỏng nhiều năm. Hiện nay TPHCM sử dụng chủ yếu loại xe thang 52 m. Trên thế giới người ta cũng giới hạn chiều cao của xe thang chứ không phải tòa nhà cao bao nhiêu thì điều xe thang cao bấy nhiêu đến xử lý. Loại xe thang 50 – 52 m, qua kinh nghiệm, tôi thấy sự cơ động và xử lý tình huống nhanh hơn, tốt hơn.

Đặc trưng của các tòa nhà cao tầng là phải có những quy chuẩn hết sức nghiêm ngặt về xây dựng cũng như hệ thống PCCC, nếu sự cố cháy xảy ra thì đủ điều kiện chữa cháy lâu dài, đủ điều kiện xử lý các tình huống phức tạp.

Thảm họa tại chung cư Carina là do chủ đầu tư chấp hành không đầy đủ an toàn về PCCC, thể hiện ở chỗ hệ thống PCCC không hoạt động được; lực lượng chữa cháy tại chỗ không hiệu quả. Đây là trách nhiệm của chủ đầu tư.

Cám ơn ông.

Công an triệu tập chủ đầu tư

Ngày 28/3, nguồn tin Tiền Phong xác nhận, liên quan đến vụ cháy chung cư Carina (quận 8, TPHCM) khiến 13 người chết, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã triệu tập đại diện Công ty TNHH Xây dựng thương mại dịch vụ sản xuất Hùng Thanh (gọi tắt công ty Hùng Thanh-được cho là chủ đầu tư chung cư Carina) để phục vụ công tác điều tra.

Trước đó, đại tá Nguyễn Sỹ Quang, trưởng phòng Tham mưu - Công an TPHCM cho biết, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” xảy ra tại chung cư Carina (quận 8, TPHCM) khiến 13 người chết, hàng chục người bị thương.

Ông Quang cho biết thêm, sự cố cháy là do 1 chiếc xe máy để tầng hầm chung cư. Cơ quan CSĐT cũng đã loại trừ nguyên nhân cố ý gây cháy nổ. “Thông tin cụ thể vụ việc dự kiến sẽ được cung cấp đầy đủ trong buổi họp báo định kỳ vào hôm nay tại UBND TPHCM”, ông Quang cho biết.

Theo nguồn tin Tiền Phong, sau quá trình khám nghiệm hiện trường và thu thập các dữ liệu có liên quan đến vụ cháy chung cư Carina (quận 8, TPHCM), cơ quan chức năng phát hiện nhiều sai phạm và có sự buông lỏng về phòng cháy chữa cháy tại chung cư này. Cụ thể, lực lượng chức năng xác định sự cố cháy xuất phát từ một chiếc xe máy để trong tầng hầm chung cư. Nhân viên trực tại chung cư phát hiện vụ cháy trễ nên chữa cháy tại chỗ không hiệu quả. Sau đó, đám cháy lan rộng ra. Khi xảy ra cháy, nạn nhân chạy theo lối thang bộ để thoát hiểm dẫn đến bị ngạt khói. Trong số 13 người tử vong trong vụ cháy, có đến 11 người tử vong tại thang bộ do ngạt khói.  

Văn Minh      

Cháy chung cư Carina: Tạm đình chỉ Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC quận 8

Ngoài việc tạm đình chỉ Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC quận 8 thì công an cũng triệu tập Tổng Giám đốc Công ty Hùng Thanh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HUY THỊNH (Tiền Phong)
Cháy chung cư 13 người chết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN