Cấp thẻ căn cước: Không bỏ giấy khai sinh, giấy kết hôn
Bộ Tư pháp cho biết, Chính phủ và Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã thống nhất không bỏ giấy khai sinh và giấy kết hôn của công dân.
Sáng nay (16/10), tại cuộc họp báo quý III/2014, ông Trần Tiến Dũng (người phát ngôn của Bộ Tư pháp) cho biết, cơ quan soạn thảo cũng như Chính phủ và Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã thống nhất giữ lại 2 loại giấy tờ về hộ tịch kể cả khi đã cấp thẻ căn cước công dân là: giấy khai sinh và giấy chứng nhận kết hôn. Mặt khác, công dân chỉ được cấp thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi.
Trước đó, Bộ Công an (cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Căn cước) đề xuất cấp thẻ căn cước cho công dân ngay từ khi mới sinh ra. Nhiều ý kiến cũng đề xuất, thẻ căn cước có thể thay thế các loại giấy tờ hiện nay, trong đó thay cả giấy khai sinh và giấy kết hôn.
Tháng 4/2014, Bộ Công an đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy cách, hình dáng thẻ căn cước công dân
Hai loại giấy có ý nghĩa với con người
Tham gia ý kiến sáng nay, ông Nguyễn Công Khanh (Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực - Bộ Tư pháp) cho biết, trong dự thảo luật hộ tịch mới nhất, Ủy ban Pháp luật Quốc hội cũng như Chính phủ đã thống nhất đề nghị giữ lại 2 loại giấy gồm: giấy khai sinh và giấy kết hôn.
Theo ông Khanh, sở dĩ giấy khai sinh và kết hôn được giữ lại vì qua phân tích, cơ quan soạn thảo cũng như Chính phủ, Ủy ban Pháp luật Quốc hội nhận thấy 2 giấy này có nhiều ý nghĩa với đời sống con người.
Giấy khai sinh được coi là thẻ vào đời của mỗi công dân. Thực tiễn, ở Việt Nam, giấy khai sinh đã tồn tại hàng trăm năm nay. Từ thời Pháp thuộc đã có giấy khai sinh. Hiện nay, một số địa phương còn lưu giữ được những bản giấy khai sinh từ thời Pháp thuộc. Đó là văn bản xác thực nhất về gốc tích nhân thân mỗi con người và sẽ gắn với họ suốt cuộc đời.
Giấy kết hôn mang ý nghĩa về sự công nhận chính thức của nhà nước khi 2 người trở thành vợ chồng. Loại giấy này vừa trang trọng, vừa mang tính nghi thức, lại thiết thực với mỗi cặp vợ chồng.
Còn các loại thông tin hộ tịch khác được lưu vào sổ và hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử. Khi người dân có yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp trích lục hoặc giấy xác nhận về những thông tin đó. Người dân không phải giữ những giấy tờ này nữa.
Chính phủ và Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã thống nhất không bỏ giấy khai sinh và giấy kết hôn
14 tuổi chưa đủ nhận dạng
Ông Trần Tiến Dũng cũng cho biết, Chính phủ đã 2 lần gửi công văn đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện quan điểm tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh là cần thiết, phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Bộ Luật dân sự, Luật Bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em. Chính phủ cho rằng, cấp thẻ căn cước công dân chỉ nên thực hiện đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên.
Quan điểm của Chính phủ nêu rõ: Việc cấp thẻ căn cước cho trẻ em từ khi sinh ra đến dưới 14 tuổi chưa đảm bảo phù hợp với khái niệm "căn cước" trong dự thảo luật. Từ khi sinh ra đến dưới 14 tuổi, các đặc điểm nhận dạng của trẻ em chưa ổn định. Trong khi đó, các đặc điểm gốc tích của trẻ em chủ yếu là thông tin về khai sinh. Qua nghiên cứu so sánh kinh nghiệm của các quốc gia, tuyệt đại đa số đều cấp thẻ căn cước cho người 14 tuổi hoặc cao hơn.
Việc bỏ cấp giấy khai sinh và thay thế bằng cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi cũng sẽ gây khó khăn cho công dân khi giao dịch tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài bởi hầu hết quốc gia đều cấp giấy khai sinh. Theo pháp luật Việt Nam, người đủ 14 tuổi bắt đầu chịu trách nhiệm hình sự. Cấp thẻ căn cước cho công dân từ 14 tuổi như cấp CMND hiện nay là phù hợp.
"Quan điểm của Chính phủ về việc giữ 2 loại giấy này cũng chính là quan điểm của Bộ Tư pháp." - Ông Nguyễn Công Khanh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Công Khanh cũng cho hay, nếu luật hộ tịch mới được Quốc hội thông qua, sẽ cắt giảm từ 46 thủ tục xuống 25 thủ tục hành chính về hộ tịch. Như vậy giấy tờ hộ tịch sẽ giảm khá nhiều.