CẬP NHẬT bão số 10 ngày 15/9: Bão sang Lào sau 6 giờ quần thảo miền Trung
Sau 6 quần thảo và gây nhiều thiệt hại cho các tỉnh miền Trung, bão số 10 đã di chuyển sang khu vực Trung Lào.
5h
Tại Nghệ An:
Sáng 15/9, thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cho biết, hiện đã ra lệnh cho các địa phương di dời hơn 14.400 người dân ở ven biển đến nơi an toàn. Theo đó, 15 xã, phường của 5 huyện, thị xã trong tỉnh sẽ phải di dời, sơ tán 3.183 hộ dân với 14.428 người đến nơi an toàn,.
Công tác di dời phải hoàn thành trước 8h30 sáng 15/9, đây là công việc khẩn cấp, cấp thiết của chính quyền Nghệ An lúc này. Trong trường hợp mưa to kết hợp với triều cường, các địa phương phải kịp thời báo cáo để tiếp tục di dời những hộ dân khác ra khỏi vùng nguy hiểm.
Nhiều hộ dân ven biển ở huyện Diễn Châu vẫn cố gắng bám trụ ở nhà, dùng bao cát chống bão
Tại thị xã Cửa Lò, vào lúc 5h sáng 15/9, công tác chuẩn bị di dời hơn 1 nghìn dân tại phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò đã sẵn sàng. Với sự hỗ trợ của lực lượng công an, dân phòng, quân đội đồ đạc, tài sản của người dân sẽ được di dời đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã, Trạm Y tế, trường học.
Trong suốt đêm 14/9, tại tỉnh Nghệ An đã có mưa to trên diện rộng, vào sáng nay, mưa lớn vẫn tiếp tục, nhiều nơi có nguy cơ ngập úng như thành phố Vinh, Diễn Châu, Yên Thành…có gió mạnh cấp 5, cấp 6.
Với diễn biến mưa lớn kéo dài thì nguy cơ ngập úng tại các vùng hạ lưu có thể xảy ra, tỉnh Nghệ An có thể phải di dời thêm hàng nghìn người dân.
Tại Quảng Bình:
Ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho hay, từ sáng sớm nay (15/9), bão số 10 đã bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Quảng Bình. Những cơn gió mạnh kèm theo mưa lớn tràn qua hầu hết địa bàn các huyện, thành phố, thị xã khiến cây cối ngã nghiêng gãy đổ, điện sinh hoạt đã bị cắt, nhiều nơi bị ngập lụt cục bộ…
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, tính đến 9h sáng nay, tỉnh Quảng Bình đã di dời được 7.852 hộ với 25.229 nhân khẩu đến nơi trú ẩn an toàn.
Hiện tại, tỉnh Quảng Bình vẫn đang tiếp tục di dời những hộ dân ở vùng có nguy cơ sạt lở, nguy hiểm về nơi tránh trú an toàn.
7h
Theo bản tin lúc 7h sáng 15/9 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, bão số 10 đang cách bờ biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình khoảng 120km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.
Dự báo khoảng trưa đến chiều nay, vùng tâm bão số 10 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị gây gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15.
Vị trí và hướng di chuyển của bão số 10. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVTƯ.
Đến 16 giờ chiều, vị trí tâm bão nằm trên đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100 đến 115 km/giờ), giật cấp 14.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Thượng Lào.
Đến sáng 15/9, các đơn vị đã di dời được gần 10.000 hộ dân vào nơi an toàn. Hiện tại, không còn các tàu bè ở trên biển. Người dân ở các huyện Kỳ Anh, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên đã chằng chéo xong nhà cửa, di chuyển đến nơi an toàn và sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ.
Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho hay, trong ngày 15/9, đơn vị vẫn tiếp tục duy trì việc tổ chức chạy tàu. Khi bão đổ bộ, đoàn tàu có thể phải dừng tại ga Vinh (các tàu SE7,SE5, SE9) và ga Huế (các tàu SE2, SE4, SE6, SE8, SE10, SE20) là ga cuối cùng để tránh đoàn tàu đi vào vùng tâm bão và chạy lại khi điều kiện cho phép.
7h30
Tại Hà Tĩnh:
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, từ đêm qua đến sáng nay, trên địa bàn Hà Tĩnh có mưa lớn, lượng mưa ở TP. Hà Tĩnh có nơi lên đến hơn 200mm.
8h
Tại Nghệ An:
Tại huyện Diễn Châu nước biển đang dâng lên cao một cách bất thường khiến người dân lo lắng vì sợ nước cuốn trôi nhà cửa.
Anh Lê Tuấn Anh chủ nhà hàng biển thuộc xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, Nghệ An cho biết: “Nước đang lên rất cao, mặc dù gió đang nhẹ và mưa nhỏ. Chuỗi nhà hàng của tôi nằm giáp biển, rất sợ nước biển cuốn trôi”.
Nước biển dâng cao bất thường ở Nghệ An.
Đến 8h sáng nay bão số 10 đang cách bờ biển Hà Tĩnh, Nghệ An khoảng 100km. Hiện tàu thuyền và người dân ở các địa phương này đã được đưa đến nơi an toàn.
Hoãn mọi cuộc họp không cần thiết để tập trung chống bão số 10
Thủ tướng có Công điện về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó bão số 10 năm 2017.
Công điện nêu rõ đây là cơn bão rất mạnh, diễn biến của bão còn phức tạp, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến và đề phòng bão đổ bộ vào bờ sớm hơn dự báo.
Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương có liên quan hoãn các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với bão.
9h
Tại Nghệ An: Bão áp sát, biển động dữ dội
Nước đã tràn qua đê và tràn vào nhà dân.
Tại thị xã Cửa Lò đang mưa lớn kèm gió mạnh, nước biển dâng cao. Khu vực bãi biển Cửa Lò sóng biển đang rất dữ dội. Tại một số xã của huyện Diễn Châu, Nghệ An nước biển đã dâng cao, sóng đánh cao gần 5m, mưa to gió lớn. Tại các con sông, nước đã tràn qua đê và tràn vào nhà dân.
Ông Trần Văn Nguyện, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cho biết, tại khu vực biển Quỳnh Long sóng biển dâng cao, tràn qua cả đê. Chính quyền đã yêu cầu người dân ở gần đê biển di dời khẩn cấp ra khỏi vùng xung yếu nguy hiểm
9h30
Theo bản tin lúc 9h sáng nay (15/9) của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, tâm bão số 10 đã đi vào vùng biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.
Vị trí và hướng di chuyển của bão số 10. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVTƯ.
Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và trưa đến chiều nay (15/9), vùng tâm bão số 10 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị gây gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15, sau đó bão tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau là một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.
Tại Quảng Bình:
Ông Ngô Hải Dương – Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Bình cho biết, lúc 10h30p, bão số 10 đã đổ bộ đất liền tỉnh Quảng Bình. Sức gió là 38m/s tức giật cấp 13. Hiện tại ở Quảng Bình đang có mưa rất lớn, gió giật mạnh.
Clip: Mưa lớn tại Quảng Bình
Tại Quảng Ngãi: Sóng đánh chìm 4 tàu cá trên biển
Thống kê từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi lúc 10 giờ sáng nay, cho biết, bão số 10 đã làm cho 4 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị chìm trên biển gây thiệt hại nặng. Tuy nhiên, rất may các ngư dân đi trên 4 tàu cá bị chìm này đều thoát nạn.
10h
Bão đã vào Hà Tĩnh, 1 người chết, cấm các phương tiện lưu thông trên quốc lộ
Lúc 10h20, trao đổi với PV, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, ông đang đi cùng Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường (Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai) và đoàn công tác có mặt tại huyện Kỳ Anh cùng người dân chống bão.
“Bão đã bắt đầu vào Hà Tĩnh, gió giật rất mạnh. Chúng tôi đã yêu cầu cấm tất các phương tiện đi lại trên các tuyến đường. Đặc biệt đoạn quốc lộ 1 từ Hà Tĩnh đi Quảng Bình. Người dân ra đường bây giờ rất nguy hiểm. Sáng nay đã có 1 người chết ở huyện Nghi Xuân, nguyên nhân do trèo lên mái nhà chằng chống bão”, ông Sơn nói.
PCT Hà Tĩnh cho biết, người dân ở các vùng nguy hiểm, cùng tàu thuyền đã được sơ tán đến nơi an toàn từ chiều qua 14/9.
11h
Tại Quảng Trị:
Ông Nguyễn Đức Chính – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhận định, bão số 10 không đổ bộ trực tiếp vào Quảng Trị nhưng Quảng Trị nằm trong vùng ảnh hưởng của tâm bão. Hiện tại, Quảng Trị đang có mưa rất to, gió giật cấp 9-10.
“Hiện theo báo cáo của các huyện gửi về chưa ghi nhận thiệt hại về người. Tuy nhiên, rất nhiều cây cối, đặc biệt là cao su và hồ tiêu bị gió quật gãy đổ. Đã có ít nhất 700 nhà bị tốc mái, hư hỏng”, ông Chính nói.
Tại Đà Nẵng:
Học sinh được nghỉ học chiều nay tránh siêu bão
Sáng 15.9, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, đã kí công văn khẩn, yêu cầu các trường trên địa bàn cho học sinh nghỉ học tránh cơn bão số 10.
Đối với các trường có học vào ngày thứ 7 (ngày 16.9), học sinh, sinh viên đi học lại bình thường. Trong trường hợp diễn biến cơn bão phức tạp ảnh hưởng đến Đà Nẵng, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ có thông báo khẩn tiếp theo.
11h30
Tại Thừa Thiên Huế:
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện tại trên địa bàn vẫn có gió lớn, mưa đã bắt đầu giảm. Bão số 10 đã gây sạt lở nhiều tuyến đê, làm tốc mái khoảng 150 ngôi nhà, khoảng hơn 100 cây xanh bị gãy, đổ. Một người dân bị thương do vật liệu trên đường rơi trúng người khi di chuyển tránh bão.
Cơn lốc xoáy trong đêm làm tốc mái hàng trăm nhà dân, hư hỏng nhiều đồ đạc.
Cây cối, cột điện đổ ngổn ngang
12h30
Tại Hà Tĩnh:
Bão đánh sập tháp truyền hình cao 100m ở thị xã Kỳ Anh
Trao đổi với PV, ông Phan Duy Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết, bão số 10 vẫn đang quần thảo ở đất liền với sức gió cấp 11. Ông Vĩnh xác nhận, khoảng 11h trưa, gió lốc đã quật gãy cột tháp truyền hình thị xã Kỳ Anh.
Cột Đài truyền hình huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh cao 100m bị gãy đổ hoàn toàn.
Gió lốc làm khiến nhiều biển quảng cáo bị gãy đổ ở TP Hà Tĩnh / ảnh: Kim Sơn
Khu vực ven biển Thiên Cầm, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh bắt đầu xuất hiện ngập lụt trên nhiều tuyến đường.
13h30
Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, hiện nay thành phố đang mất điện. Một số bệnh viện phải phát máy nổ để phục vụ công tác khám chữa bệnh. Cho đến thời điểm này, toàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn có 38.000 bệnh nhân đang nằm viện điều trị, chưa có thống kê bệnh nhân tai nạn do bão lũ.
Tại Quảng Bình, đại diện Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba cho biết, do ảnh hưởng của bão số 10, bệnh viện mất điện. Tại đây, ngoài những khu vực cần thiết được dùng máy phát điện, các bác sĩ phải dùng đèn pin của điện thoại để chiếu sáng, làm hồ sơ bệnh án.
13h40
Tại Nghệ An:
Tràn hơn 4km đê biển Diễn Châu
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch tỉnh Nghệ An cho biết, tại Nghệ An vẫn mưa to, gió đã bắt đầu giảm còn khoảng cấp 5-6.
Clip: Nước biển dâng cao cuốn trôi nhiều tài sản, nhà hàng ven biển huyện Diễn Châu.
“Khoảng hơn 4km đê biển ở Diễn Châu bị tràn bờ, nước dâng cao 60-70cm so với bề mặt đê. Nguyên nhân do sóng to, triều cường tăng cao. Chúng tôi đã cử cán bộ, xuống trực tiếp chỉ đạo, huy động các lực lượng khắc phục. Hiện vẫn chưa xác định cụ thể các đoạn sạt lở”, ông Đường thông tin.
Sóng cao bất thường, kết hợp với triều cường dâng cao khiến tuyến đê biển Diễn Châu, Nghệ An bị tràn khoảng 4km
14h
Dừng một số đoàn tàu chạy qua tâm bão
Chiều 15/9, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục dừng một số đoàn tàu có lịch trình chạy tàu qua khu vực bão số 10. Cụ thể, dừng tàu SE7 dự kiến 12h tại ga Vinh; tàu SE5 dự kiến 15h tại ga Vinh; tàu SE10 dự kiến 12h30 tại ga Huế; dừng tàu SE2 dự kiến 12h30 tại ga Đà Nẵng; dừng tàu SE4 dự kiến 14h tại ga Đà Nẵng.
Tại Quảng Bình: Một người tử vong khi bão số 10 đổ bộ
Theo tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình), khi bão số 10 đổ bộ sáng 15/9 đã khiến 1 người tử vong khi đang phòng chống bão tại gia đình. Đó là ông Nguyễn Văn Hoa (50 tuổi, ở thôn Minh Tiến, xã Quảng Minh).
Mưa to, gió giật mạnh khiến nhiều cây xanh bị gãy, đổ ở Quảng Bình (ảnh: Duẩn Lê)
Nhiều biển quảng cáo cỡ lớn bị gió quật đổ. Ảnh: Báo Quảng Bình
Tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới đang bị mất điện, bệnh viện phải ưu tiên dùng máy phát cho Khoa Cấp cứu hồi sức và phòng mổ.
Cấp cứu bệnh nhân trong bão tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (ảnh: Duẩn Lê)
Hiện vẫn chưa có báo cáo thiệt hại đầy đủ nhưng bão số 10 vẫn đang gây mưa to, gió lớn cho nhiều nơi ở Quảng Bình, khiến nhiều nhà dân bị tốc mái, cây cối gãy đổ hàng loạt. Một số nhà dân sinh sống dọc sông Gianh đã bị ngập nước.
14h30
Nam Định: Sóng biển tràn qua đê, sơ tán khẩn 2.000 người
Ông Lê Mạnh Đương, Chủ tịch thị trấn Thịnh Long (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) cho biết, do ảnh hưởng của bão số 10, nước biển dâng cao cùng sóng đã đánh tràn qua đê biển Hải Thịnh (Nam Định) gây sạt lở ở một số điểm xung yếu phía bên trong đê.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, ban chỉ huy phòng chống thiên tai của huyện Hải Hậu, các lực lượng biên phòng, thị trấn Thịnh Long cùng lực lượng chức năng đã triển khai các phương án ứng phó, khắc phục sạt lở. Hơn 2.000 nhân khẩu trong vùng ảnh hưởng đã được di dời đến nơi an toàn.
Sóng cao tràn qua đê gây ngập nhiều nơi ở Nam Định
Tại Hà Tĩnh
Ông Phan Tấn Linh, Giám đốc sở Thông tin truyền thông tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hầu hết các địa phương bị mất điện lưới, cột sóng Viettel đổ gãy. Một số tuyến đường do cột điện và cây cối bị đổ gãy gây khăn cho việc đi lại.
Hà Tĩnh tan hoang trong bão số 10. Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Tại huyện Cẩm Xuyên, 169 nhà bị tốc mái và ngập 19 thôn.
Tại thị xã Kỳ Anh, hơn 23.000 nhà dân bị tốc mái, nhiều cột điện, cây cối bị đổ gãy hiện nay chưa thống kê được.
Tại các huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Can Lộc rất nhiều nhà dân, trường học và các công trình công cộng đã bị tốc mái, nhiều cột điện, cây cối bị đổ gãy, hiện vẫn chưa thống kê được.
Tại huyện Nghi Xuân: Có khoảng hơn 50 nhà dân bị tốc mái.
Kỳ Anh nằm trong vị trí của tâm bão, ảnh hưởng nặng nề về tài sản, trong đó có nhiều ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng nặng.
Thanh Hóa: 10 thuyền viên mất liên lạc trong bão số 10
Ngày 15/9, thông tin từ UBND xã Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa cho hay, chị Hoàng Thị Xuyên, đã đến UBND xã thông báo về việc chồng mình là anh Nguyễn Văn Tuy, cùng các thuyền viên trên tàu TH 9366 TS bị mất liên lạc từ ngày 13/9 đến nay.
Chị Xuyên cho biết, ngày 6/9, tàu TH 9366 TS có công suất 829 CV do anh Nguyễn Văn Tuy làm thuyền trưởng, trên tàu có tổng 10 thuyền viên, xuất bến từ cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) vào vùng biển Nha Trang (Bà Rịa Vũng Tàu) để đánh bắt thủy hải sản.
Cột sóng dâng cao tại biển Sầm Sơn (Thanh Hoá)
Khi nhận được tin bão số 10, anh Tuy đã liên lạc được về với gia đình và địa phương. Tuy nhiên, từ ngày 13/9 đến nay, các gia đình đã không liên lạc được với các thuyền viên trên tàu TH 9366 TS.
UBND xã Ngư Lộc đã thông báo đến các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và ngư dân để tham gia tìm kiếm tàu TH 9366 TS cùng các thuyền viên.
15h
Bão số 10 áp sát biên giới Việt-Lào, miền Trung mưa gió điên cuồng
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, trưa nay (15/9) bão số 10 đã đi vào đất liền nước ta. Tâm bão tập trung vào khu vực các tỉnh Hà Tĩnh-Quảng Bình.
Hồi 14 giờ chiều nay, vị trí tâm bão số 10 đang nằm trên khu vực biên giới Việt-Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-9km/giờ), giật cấp 12.
Dự báo trong 6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sang khu vực Trung Lào và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 12 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.
16h
Tại Thanh Hóa
Bão số 10 không đổ bộ trực tiếp vào Thanh Hóa, nhưng bão cũng đã gây ra mưa lớn, gió mạnh từ cấp 5-6 tại nhiều khu vực.
Khu vực ven biển Sầm Sơn, sóng biển có lúc cao đến hơn 3m. Gió mạnh khiến nhiều nhà dân bị tốc mái, cây cối gãy đổ.
Sóng biển ở Sầm Sơn có lúc cao đến 3m (ảnh: Nguyễn Sơn)
Cảnh tượng trên đường phố Sầm Sơn
17h20
Tại Nghệ An
Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An, tính đến 16h ngày 15/9, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 1 người bị chết, 1 người bị thương do cơn bão số 10 gây ra.
Trường hợp tử vong là bà Đào Thị Thức (84 tuổi, trú phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò).
Theo ông Ngô Thanh Linh - Bí thư Đảng ủy phường Nghi Hải, vào khoảng 10h40 phút sáng nay, gió mạnh do bão số 10 đã làm bay tấm lợp fibro xi măng của gia đình rơi trúng người khiến bà Thức bị thương nặng, dẫn đến tử vong sau đó.
Người bị thương nặng là ông Ngụy Đình Ân (60 tuổi, trú Hùng Cường 1, xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ).
Cảnh tan hoang do bão ở Nghệ An
Ngoài ra, bão số 10 cũng khiến 210 ngôi nhà bị tốc mái, kè đê biển Thị xã Hoàng Mai bị sạt lở 400m, nước tràn qua đê. Tại khu vực bãi biển Cửa Lò, Nghệ An, gần như toàn bộ các ki-ốt đều bị bão đánh sập.
Chiều 15/9, triều cường do bão số 10 đã dâng nước mặn vượt đập Tràn Diễn Kỷ, nhiều nguy cơ vỡ Đập, đe dọa nhiều diện tích sản xuất ở 2 huyện Diễn Châu và Yên Thành (Nghệ An). Hiện, các lực lượng chức năng Diễn Châu đã tập trung dồn lực khắc phục sự cố.
Hiện bão số 10 vẫn đang gây mưa lớn và triều cường ở các con sông ở Nghệ An vẫn đang lên rất nhanh.
17h30
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hồi 16 giờ chiều nay (15/9), bão số 10 đã đi sang khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12.
Dự báo trong 6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Bão số 10 đã đi sang khu vực Trung Lào. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVTƯ.