CẬP NHẬT bão số 10 ngày 14/9: Bão chưa đổ bộ đã có 2 người chết, mất tích
Thi thể người đàn ông 38 tuổi đã được tìm thấy, riêng cháu bé 3 tuổi vẫn đang mất tích.
Bão số 10 (Doksuri) là cơn bão rất mạnh, và được đưa ra mức cảnh báo cấp độ 4 (màu đỏ) mức rất lớn, nguy hiểm và rủi ro cao. |
7h
Hồi 7 giờ sáng, bão số 10 đang ở cách bờ biển Hà Tĩnh - Quảng Bình khoảng 700km về phía Đông. Bão đã mạnh lên cấp 11, tốc độ di chuyển 20km/h.
Do ảnh hưởng của bão số 10, từ hôm nay (14/9) đến hết ngày 16/9, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Thanh Hóa có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-300mm/đợt. Riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi trên 400mm; các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Sơn La (50-150mm/đợt, có nơi trên 200mm).
Tại Nghệ An: đã bắt đầu cấm biển từ 7 giờ sáng nay (14/9). Tổ chức trực ban từ tỉnh đến cơ sở để ứng phó với tình huống bão có thể xảy ra.
Tại Hà Tĩnh: có hơn 6.000 tàu thuyền với trên 17.000 lao động. Các phương tiện đã được liên lạc và nắm bắt thông tin về cơn bão. UBND tỉnh đã ban hành lệnh cấm biển từ 17 giờ chiều qua (13/9).
Tại Quảng Bình: Ông Nguyễn Hữu Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, toàn tỉnh có hơn 8.500 tàu thyền hoạt động trên biển.
Tuy đã được thông báo và kêu gọi, tuy nhiên vẫn còn 298 tàu hoạt động trên biển. “Các tàu này đã nhận được thông báo và cam kết sẽ trở vào bờ trong chiều 14/9”, ông Nghị nói.
Tại TP HCM: Khoảng 2h sáng nay, cơn mưa lớn đổ xuống như trút nước kéo dài nhiều giờ khiến nhiều khu vực ở TP.HCM bị ngập sâu.
Ảnh hưởng của bão số 10, TP HCM và các vùng lân cận đã có mưa lớn sáng 14/9.
ThS. Lê Đình Quyết - Phó Trưởng phòng Dự báo (Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ) cho biết, cơn mưa nói trên là do ảnh hưởng của cơn bão số 10 đang hoạt động khá mạnh. Trong đó, thời gian mưa lớn nhất là từ khoảng 3h - 3h30 rạng sáng 14/9.
Phó Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ dự báo, theo ảnh radar thời tiết mới nhất thì trong vài ngày tới, TP.HCM vẫn sẽ tiếp tục có mưa do ảnh hưởng của gió Tây Nam bị kích động từ bão số 10.
10h
Hồi 10 giờ sáng nay (14/9), bão số 10 đang nằm ngay trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình khoảng 600km về phía Đông Đông Nam.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu trong cuộc họp trực tuyến ứng phó bão số 10 sáng 14/9.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão đã tăng thêm 2 cấp so với ngày hôm qua (13/9), từ cấp 9 lên cấp 11 (100 đến 115 km/giờ), giật cấp 14.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và tiếp tục mạnh lên.
Đến 10 giờ sáng 15/9, vị trí tâm bão ở trên bờ biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.
Với cấp độ như trên, cơ quan khí tượng nhận định đây là cơn bão rất mạnh và đã đưa ra mức cảnh báo cấp độ 4 (màu đỏ), mức rất lớn, nguy hiểm và rủi ro cao.
11h
Tại Quảng Ngãi:
Hàng trăm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đang hoạt động ở các vùng biển xa bờ, nhất là tại 2 ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đã “ùn ùn” vào bờ tránh bão số 10.
Đến 11 giờ trưa nay, toàn bộ tàu cá của ngư dân trong nghiệp đoàn đang đánh bắt ở 2 ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đã về tới đất liền hoặc tìm nơi tránh trú an toàn.
Đại tá Đoàn Thanh Long, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đã chỉ đạo cho các đồn, trạm biên phòng ven biển bố trí lực lượng duy trì trực 24/24, kêu gọi tàu thuyền vào hết trong bờ, thường xuyên giữ liên lạc với các tàu cá, kịp thời hỗ trợ cứu hộ cứu nạn ngư dân khi gặp sự cố trên biển.
Đoàn tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Quảng Ngãi ùn ùn kéo vào bờ tránh bão
Lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tập trung theo dõi thường xuyên, nếu quá trình di chuyển tàu thuyền có sự cố xảy ra phải có phương án cứu hộ nhanh nhất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trường Thọ cũng yêu cầu ngành nông nghiệp và các địa phương cần theo dõi, rà soát các hồ đập, nếu mưa lớn xảy ra thì phải triển khai các phương án phòng chống đảm bảo an toàn các hồ chứa, đồng thời Ban chỉ huy phòng chống thiên tai của tỉnh, huyện, sở ngành và các xã cần trực ban 24/24h để xử lý sự cố có thể xảy ra và theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão.
Các thành viên trong ban chỉ huy của tỉnh bám sát địa phương được phân công để kịp thời ứng phó cơn bão Doksuri (bão số 10), giảm thiệt hại tối đa do thiên tai gây ra.
14h
Hà Tĩnh phát lệnh sơ tán hơn 47.000 dân
14h chiều, nhiều khu vực ở Hà Tĩnh đã bắt đầu xuất hiện mưa giông.
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa phát đi công lệnh sơ tán 47.400 người dân các xã ven biển, ven cửa sông, cửa lạch đến nơi an toàn trước 5h chiều nay 14/9.
Tàu vào trú bão tại Cảng cá Thạch Kim, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh
Theo đó, số hộ dân cần di dời là 10.928 hộ, tương đương 47.400 dân thuộc các huyện Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Thạch Hà, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh và khu kinh tế Vũng Áng. "Không để dân quay lại khi bão chưa tan", lệnh nêu rõ.
Ông Trần Đức Bá, Giám đốc Đài Khí tượng thuỷ văn Hà Tĩnh cho hay, do chịu ảnh hưởng của cơn bão số 10, từ đêm 14 - 16/9, toàn tỉnh Hà Tĩnh sẽ xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng. Tổng lượng mưa dự báo phổ biến khoảng 250 - 400mm.
Từ ngày 15-17/9, trên các sông khu vực Hà Tĩnh có khả năng ra một đợt lũ lớn. Đỉnh lũ trên các sông có khả năng ở mức như sau:
Trên sông La tại Linh Cảm đỉnh lũ khả năng ở mức báo động 1 – báo động 2.
Trên các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố có khả năng ở mức báo động 2 – báo động 3, đặc biệt thượng nguồn sông Ngàn Sâu có khả năng trên mức báo động 3.
Cảnh báo mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn, cần đặc biệt đề phòng khả năng xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở trung du và vùng núi, ngập úng ở vùng trũng thấp, đặc biệt tại các huyện Kỳ Anh, Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ.
14h30
Tại Quảng Trị
Ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, từ chiều nay (14/9), các ngành và địa phương đình chỉ các cuộc họp không cần thiết để tập trung triển khai các biện pháp ứng phó.
Sở Giáo dục - Đào tạo cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 15/9/2017 nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh; tất cả các trường học, giáo viên khẩn trương thực hiện việc bảo đảm an toàn trường lớp, trang thiết bị, dụng cụ và đồ dùng dạy học.
Người dân khẩn trương thu hoạch lúa hè thu. Ảnh Báo Quảng Trị
Các huyện ven biển nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; rà soát lại toàn bộ tàu thuyền đã vào bờ, chú ý hướng dẫn, kiểm tra việc neo đậu đảm bảo tránh va đập, chìm và không để người dân ở lại trên tàu thuyền; đối với vùng nuôi trồng thủy hải sản dứt khoát không để cho dân ở lại trông giữ tài sản.
Đối với những vùng trọng điểm về ngập nước, sạt lỡ, lũ ống và lũ quét cần tuyên truyền, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, đảm bảo an toàn về tài sản, tính mạng; sẳn sàng các phương án di dời dân, tài sản đến nơi an toàn, công tác sơ tán dân tránh bão phải hoàn thành trước 20h ngày 14/9/2017.
Tập trung huy động mọi lực lượng để thu hoạch diện tích lúa vụ hè thu còn lại. Ngành nông nghiệp và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra các hồ đập và thực hiện tốt quy trình chứa nước, xả lũ an toàn.
Các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tăng cường ứng trực, đảm bảo đầy đủ phương tiện, nhân lực để ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra cũng như làm tốt công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông…
14h30
Theo bản tin lúc 14h30 chiều 14/9 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 13 giờ bão số 10 đang ở ngay trên vùng biển phía Tây quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình khoảng 530km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100 đến 135 km/giờ), giật cấp 15.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và còn mạnh thêm.
Đến 1 giờ ngày 15/9, vị trí tâm bão nằm trên vùng biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km; khoảng trưa đến chiều mai (15/9), bão số 10 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị gây gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15, sau đó suy yếu dần.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Trung Lào.
15h
Nghệ An: Hơn 700.000 học sinh phải nghỉ học để tránh bão
Chiều 14/9, Văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An cho biết, lãnh đạo ngành đã có công văn khẩn gửi Phòng GD-ĐT các huyện, Ban giám hiệu các trường trên toàn tỉnh Nghệ An yêu cầu cho toàn bộ học sinh bậc từ Mầm non đến Phổ thông trung học nghỉ học từ chiều 14/9 để phòng tránh cơn bão số 10.
Tất cả các trường ở bậc học từ Phổ thông Trung học trở xuống, dừng tổ chức giảng dạy để đảm bảo an toàn cho học sinh. Theo đó, có khoảng hơn 700.000 học sinh ở Nghệ An phải nghỉ học tránh bão số 10.
Tại khu vực thị xã Cửa Lò đang có mưa nhỏ, hầu hết các tàu thuyền đã tìm được nơi trú tránh an toàn. UBND thị xã Cửa Lò đã ra thông báo nghiêm cấm du khách tắm biển từ chiều 14/9. Người dân đang gấp rút chẳng chống bảo vệ nhà cửa.
Tại thị xã Cửa Lò đang có mưa nhỏ
Hầu hết các tàu thuyền đã tìm được nơi tránh bão an toàn
Tỉnh Nghệ An có 625 hồ chứa, đến nay có 268 hồ đầy nước, 357 hồ còn lại mực nước chỉ còn 70-80%. Hiện tỉnh Nghệ An đã ban hành 3 công điện để chỉ đạo, đối phó với bão số 10 từ ngày 13/9 đến sáng 14/9.
Ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng nông nghiệp huyện Diễn Châu, Nghệ An cho biết: “Trên địa bàn huyện Diễn Châu, có hơn 1000 tàu thuyền hiện chỉ còn 8 tàu thuyền đang trên đường cập bến, theo báo cáo của chủ tàu, chiều 14/9 họ sẽ cập bến. Đồng thời huyện sẽ thực hiện nghiêm khắc lệnh cấm biển của tỉnh”.
Hiện lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Trung ương cho tàu cứu hộ cứu nạn công suất lớn vào cảng Cửa Lò để ứng cứu khi cần thiết.
Người dân làm bao cát để chèn chống nhà cửa
Một cây xăng ở thị xã Cửa Lò đang được gia cố trước cơn bão số 10
16h
Tại Thừa Thiên Huế: Ảnh hưởng bão số 10, cây đổ đè bẹp ô tô biển xanh
Chiều 14/9, ông Nguyễn Hoài Phương – Chủ tịch UBND phường Vỹ Dạ (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, khoảng hơn 10 giờ sáng nay, một ô tô biển xanh hiệu Toyota vios BKS 75C-6767 đang lưu thông theo hướng từ đường Phạm Văn Đồng lên Bà Triệu (TP Huế), khi qua gần hết cầu Vỹ Dạ bất ngờ bị một cây xanh đổ đè trúng.
Cây xanh đổ đè bẹp ô tô biển xanh. Ảnh Báo Thừa Thiên Huế
Trần của xe biển xanh bị cây đè móp lún xuống, gương chắn phía trước và gương chiếu hậu bị rạn nứt. Vụ việc không gây thương vong nhưng khiến nhiều người đi đường được phen hú vía, giao thông bị gián đoạn.
Được biết, xe biển xanh gặp nạn thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế quản lý.
Ông Phương cho biết thêm, do ảnh hưởng của bão số 10, thời điểm xảy ra vụ việc ở Huế trời mưa và gió giật khá mạnh.
17h
Hàng chục chuyến bay tới miền Trung bị hủy do bão số 10
Do ảnh hưởng của bão số 10, ngày 14/9, Vietnam Airlines đã dừng khai thác 9 chuyến trên các đường bay từ Hà Nội đến Đà Nẵng/Huế; từ TP HCM đi Đồng Hới/Huế/Đà Nẵng và ngược lại.
Ngày 15/9, hãng tiếp tục hủy 13 chuyến trên các đường bay từ Hà Nội/TP HCM đi Huế/Đà Nẵng và ngược lại; hủy 2 chuyến bay giữa Đà Nẵng và Đà Lạt.
Nhiều chuyến bay bị hủy do ảnh hưởng của bão số 10 (ảnh minh họa: Người lao động)
Hãng Vietjet Air cũng đã ngừng khai thác 4 chuyến bay trong ngày 14/9 đến miền Trung, tập trung ở chặng TP HCM - Chu Lai.
Hãng Jetstar Pacific hủy 4 chuyến bay giữa TP HCM đi Chu Lai, Đồng Hới và ngược lại. Ngày 15/9, Jestar Pacific cũng sẽ dừng khai thác 12 chuyến bay giữa TP HCM đến các tỉnh miền Trung và giữa Huế - Đà Lạt, Đồng Hới – Chiang Mai (Thái Lan).
Những hành khách trên các chuyến bay bị ảnh hưởng do bão sẽ được chuyển đổi miễn phí sang chuyến bay các ngày hôm sau, hoặc hành khách có nhu cầu hoàn vé cũng sẽ được hoàn miễn phí.
17h
Bão số 10 cách Hà Tĩnh-Quảng Bình 470km
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn trung ương, hồi 16 giờ chiều nay (14/9), tâm bão số 10 đang cách bờ biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình khoảng 470km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (100 đến 135 km/giờ), giật cấp 15.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20- 25km và còn mạnh thêm.
Đến 4 giờ ngày 15/9, vị trí tâm bão nằm trên vùng biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình 180km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 11-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15. Biển động dữ dội.
17h15
12 ngư dân Quảng Ngãi mất liên lạc ở Hoàng Sa
Cuối giờ chiều nay (14/9), Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, có 2 tàu cá của ngư dân địa phương đã bị mất thông tin liên lạc. Hai tàu cá (trên 2 tàu có 12 ngư dân) này được xác định là đang đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam.
Hai tàu cá bị mất liên lạc là tàu QNg-96237TS của Mai Văn Lý ở huyện Lý Sơn trên tàu có 5 ngư dân và tàu cá QNg-96499TS của ngư dân Hoàng Minh Trung cũng ở huyện đảo Lý Sơn, trên tàu có 7 ngư dân.
Hiện, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đang tìm cách nắm bắt thông tin về 2 tàu cá đang bị mất tích này.
2 tàu cá với 12 ngư dân đang mất liên lạc với đất liền
Bão số 10 cũng đã gây thiệt hại cho ngư dân Quảng Ngãi với 1 tàu cá đã bị chìm. Tàu cá chìm mang số hiệu QNg-94094TS của ngư dân Trương Hoàng Giang (SN 1981), ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ. Lúc 12 giờ trưa nay, trong lúc từ ngoài khơi chạy vào bờ tránh bão số 10 đã bị chết máy và bị sóng lớn bổ mạnh làm nước tràn vào khoang tàu gây chìm. 2 ngư dân đi trên tàu bị nạn may mắn được 1 tàu cá đi cùng kịp thời cứu sống.
17h30
Tại Hà Tĩnh
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trên địa bàn Hà Tĩnh đang bắt đầu có mưa nhỏ, gió nhẹ. Hiện tại, chưa ghi nhận thiệt hại do bão số 10 gây ra.
Chiều 14/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có mặt tại Hà Tỉnh kiểm tra công tác phòng chống, ứng phó bão số 10. Lãnh đạo tĩnh cũng đã họp trực tuyến với lãnh đạo các huyện, xã và yêu cầu người dân chằng chéo nhà cửa, di chuyển về nơi an toàn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra thực tế tiến độ thi công tuyến đê Kỳ Ninh, Thị xã Kỳ Anh. Ảnh Báo Hà Tĩnh
Hơn 6.000 tàu thuyền đã cập bến an toàn. Hiện chỉ còn 2 tàu ở ngoài biển đang đi vào một cảng ở huyện Kỳ Anh tránh trú bão. Lực lượng dân phòng đang giúp đỡ 2 tàu này đi vào bờ.
Theo kịch bản của tỉnh Hà Tĩnh, dự kiến tỉnh sẽ di dời 110.000 hộ dân, với 280.000 người dân ở các địa bàn huyện, xã. Tối 14/9, các huyện Kỳ Anh, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên đã và đang di dời người dân ở vùng ven biển, vùng xung yếu vào nơi an toàn.
“Cơ bản đến khoảng 8h sáng 15/9, chúng tôi sẽ di dời xong toàn bộ người dân vào vùng tránh trú bão an toàn. Trong đêm, lãnh đạo ở các địa phương, đội ngũ bác sĩ sẽ trực 24/24h để ứng phó khi bão đổ bộ”, ông Sơn nói.
17h50
Đà Nẵng: Cứu 11 ngư dân trên tàu hỏng máy trôi dạt trong bão
Chiều 14.9, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực II cho biết, trên hành trình đi tránh trú bão số 10, tàu ĐNa 90875TS do ông Nguyễn Cu (trú tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng, bị hỏng máy lúc 09h00 ngày 14.9 ở vùng biển Thừa Thiên Huế.
Dưới tác động của gió bão, tàu hiện đang trôi dạt về phía đông với tốc độ nhanh (gần 3 hải lý/giờ). Lúc này, thời tiết khu vực đang diễn biến rất phức tạp, sóng cao 3 đến 4 mét do ảnh hưởng của cơn bão số 10 đang tiến vào đất liền, 11 thuyền viên trên tàu hoang mang hoảng loạn vì không có khả năng chống đỡ trước gió bão, thuyền trưởng đã liên lạc yêu cầu được cứu nạn khẩn cấp.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực II đã lập tức điều động tàu SAR 412 tại Đà Nẵng đi cứu nạn.
Tàu SAR vượt bão đưa các ngư dân vào bờ an toàn
Sau nhiều giờ chạy đua với thời gian, trong điều kiện sóng gió vô cùng khắc nghiệt, tàu SAR 412 đã cứu được 11 thuyền viên và hỗ trợ lai dắt đưa tàu ĐNa90875TS cập cảng X50 - Đà Nẵng an toàn.
Trước đó vào tối qua, ngày 13.9, tàu SAR 412 đã cứu 01 thuyền viên bị đau tim ở vùng biển Hoàng Sa, đưa về Đà Nẵng chữa trị kịp thời.
21h
Tại Thừa Thiên - Huế
Trao đổi với PV tối 14/9, ông Trịnh Đức Hùng - Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, trên địa bàn huyện vừa xảy ra một cơn lốc vào khoảng 16h cùng ngày khiến 31 căn nhà bị tốc mái.
Huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa bị một cơn lốc cuốn qua vào khoảng 16h ngày 14/9, khiến 31 căn nhà tốc mái.
Cùng ngày, do ảnh hưởng của bão số 10 khiến mực nước suối dâng cao, ông Ngô Văn Hiển (38 tuổi, trú thôn Lưu Hiền Hòa, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền) đã bị nước cuốn khi băng qua đây vào khoảng 8h sáng. Đến 14h, thi thể của ông Hiển đã được tìm thấy.
Trước đó, cháu Nguyễn Viết Sáng (3 tuổi, ở thôn Mỹ Hòa, xã Điền Lộc, huyện Phong Điền) cũng đã bị sóng biển cuốn trôi khi ra biển chơi, hiện chưa rõ tung tích. “Nhiều khả năng cháu bé đang chìm dưới biển chưa nổi lên, mà trời đã tối và biển đang có sóng to gió lớn nên công tác tìm kiếm sẽ tiếp tục vào hôm sau”, ông Hùng nói.
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, ngoài những thông tin nói trên, huyện Phong Điền đã chịu một số thiệt hại ban đầu về vật chất do ảnh hưởng của bão số 10 gây ra. Hiện, các thiệt hại chỉ mới được khắc phục khoảng 50%.
“Ngoài biển đang có gió to sóng lớn, còn trong đất liền có mưa theo từng cơn. Dự báo đêm nay và sáng mai, khi bão số 10 đổ bộ vào đất liền thì địa phương cũng sẽ bị ảnh hưởng”, ông Hùng nói.