Cấp giấy phép lái xe quốc tế từ tháng 10
Giấy phép lái xe quốc tế có thể sử dụng được ở 85 quốc gia trên thế giới. Sau khi nộp hồ sơ, người dân sẽ phải chờ 5 ngày để lấy được giấy phép lái xe quốc tế mới.
Trao đổi với phóng viên ngày 23.7, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, từ ngày 1.10.2015, Tổng cục Đường bộ và sở GTVT sẽ thực hiện cấp giấy phép lái xe quốc tế (International Driving Permit - IDP) cho người dân có nhu cầu. Việc cấp giấy phép lái xe quốc tế được thực hiện thí điểm ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Giấy phép lái xe quốc tế có thời hạn không quá 3 năm và được sử dụng để lái xe tại 85 quốc gia tham gia Công ước quốc tế 1968 về giao thông đường bộ và Công ước về biển báo - tín hiệu đường bộ (Công ước Vienna).
“Người dân có nhu cầu chỉ cần làm đơn theo mẫu và mang giấy phép lái xe gốc đến các địa điểm cấp đổi để làm thủ tục. Sau khoảng 5 ngày chờ, người dân sẽ lấy được giấy phép lái xe quốc tế mới. Dự kiến kinh phí cấp mới hết khoảng 150.000 đồng”, ông Huyện chia sẻ.
Giấy phép lái xe quốc tế giống như hộ chiếu, gồm nhiều trang được in song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh (Ảnh minh họa)
Theo ông Huyện, giấy phép lái xe quốc tế giống như hộ chiếu, gồm nhiều trang được in song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Trong đó, có ghi thông tin cơ bản của người được cấp, phạm vi sử dụng. Phần khai về người lái xe và phân hạng xe được in bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha để người được cấp có thể sử dụng ở các quốc gia tham gia Công ước Vienna.
Giấy phép lái xe quốc tế sẽ ghi rõ lái xe được lái ô tô, mô tô loại nào. Người được cấp giấy phép lái xe quốc tế là người Việt Nam, người nước ngoài có thẻ thường trú tại Việt Nam, có giấy phép lái xe quốc gia do Việt Nam cấp còn giá trị sử dụng.
Ông Huyện cho hay, khi được cấp giấy phép lái xe quốc tế, lái xe ra nước ngoài bắt buộc phải mang cả hai giấy phép lái xe đi, một giấy phép lái xe do Việt Nam cấp và một giấy phép lái xe quốc tế. Việc bắt buộc lái xe phải có hai giấy phép lái xe khi ra nước ngoài nhằm mục đích chống làm giả giấy phép lái xe.
Trước câu hỏi vì sao Tổng cục Đường bộ Việt Nam không nghiên cứu ghép hai giấy phép (loại GPLX thông thường và GPLX quốc tế) thành một chiếc và để song ngữ, ông Huyện nói: “Đây là quy định chung của Công ước quốc tế 1986 về giao thông. Họ không chấp nhận có một giấy phép lái xe nên Việt Nam bắt buộc phải thực hiện. Các nước khác tham gia công ước cũng phải thực hiện như vậy”.