Cấp cứu 115 không cứu người: Do hiểu nhầm?
Ông Trần Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cho rằng, sự việc cấp cứu 115 không cứu người do hiểu nhầm.
Như tin đã đưa, ngày 23/9, một vụ tai nạn khá nặng xảy ra trên đường Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội. Chứng kiến vụ tai nạn hôm đó có nhà báo Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam.
Ông Tuấn cho biết, khoảng 21h15’ tối 23/9, đang đi bộ dưới đường thì nghe có tiếng va chạm mạnh. Nhìn sang thấy xe ô tô hiệu Innova kéo lê một xe máy mắc vào bánh trước ô tô.
Vì lo sợ nạn nhân bị chấn thương não nếu bốc lên xe nên nhà báo Trần Đăng Tuấn gọi xe cấp cứu. Tuy nhiên, hàng giờ đồng hồ trôi qua nhưng không có một bóng dáng xe cấp cứu nào đến, cũng không có số điện thoại nào từ 115 gọi lại cho nhà báo Trần Đăng Tuấn.
“Kíp trực cấp cứu không có lỗi”
Trao đổi với PV sáng ngay (26/9), ông Trần Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, vào 21 giờ 37 phút ngày 23/9/2013, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội nhận được 4 cuộc gọi phản ánh có người bị tai nạn trên đường Hoàng Đạo Thuý, Hà Nội.
Xe cấp cứu thuộc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội. (Ảnh minh họa)
Ngay sau đó Trung tâm đã điều xe cấp cứu tại trạm cấp cứu 115 ở Hà Đông đến hiện trường. Trong khi xe cấp cứu di chuyển, nữ điều hành viên Đỗ Thị Hồng Liên gọi đến một trong 4 số điện thoại vừa gọi đến và được biết nạn nhân đã đưa đi cấp cứu bằng taxi. Xe quay về trạm lúc 21h50 phút.
Trả lời PV về việc nhà báo Trần Đăng Tuấn gọi cấp cứu 115 nhưng hàng giờ đồng hồ không có xe đến, cũng không có số điện thoại nào từ 115 gọi lại, ông Nam cho rằng, có sự hiểu nhầm.
“Lẽ ra điều phối viên kiểm tra thông tin về nạn nhân phải gọi cho người đầu tiên gọi điện đến Trung tâm là nhà báo Trần Đăng Tuấn. Tuy nhiên, nhân viên lại gọi cho một số điện thoại khác là chị Hoàng Thu Trang (Trung Hòa, Nhân Chính), người gọi điện thứ 2”.
Ông Trần Văn Nam, Giám đốc TT Cấp cứu 115 "trần tình" với PV sáng nay (26/9)
Ông Nam cho biết, để có thông tin chính xác, lãnh đạo Trung tâm đã giao cho ông Đặng Thành Khẩn, Phó Giám đốc xác minh thông tin cuộc gọi.
“Chị Trang cũng thừa nhận mình là người thông báo nạn nhân đã đi cấp cứu bằng taxi. Như vậy kíp trực cấp cứu ngày 23/9 không có lỗi”, ông Nam khẳng định.
Theo ông Đặng Thành Khẩn, Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115, tất cả cuộc gọi đến 115 yêu cầu cấp cứu đều được ghi lại chi tiết. Thời gian từ khi tiếp nhận thông tin đến khi xe xuất phát trong trung tâm chỉ từ 2 - 3 phút.
Nhưng từ nơi xuất phát ở Trung tâm hay các Trạm đến nơi yêu cầu có rất nhiều yếu tố khách quan như đường tắc, đường đông, giờ cao điểm… rất khó kiểm soát được.
“Trên thực tế, trên xe chưa có người bệnh chúng tôi càng phải đi nhanh đến cấp cứu, không có chuyện 115 không đến”, ông Khẩn nói.
Trao đổi lại với nhà báo Trần Đăng Tuấn, ông Tuấn khẳng định đứng ở đó khoảng một tiếng đồng hồ vẫn không thấy xe cấp cứu đến.
“Anh bạn cùng ở đó với tôi nói rằng đừng có mà mong xe cấp cứu đến trong những trường hợp thế này”.
Tuy nhiên, khi nghe lời giải thích của Trung tâm cấp cứu 115 ông Tuấn cho rằng, ông cũng không trách móc họ. Quan trọng là phải tìm ra trách nhiệm thuộc về ai.
Qua thông tin vụ việc nêu trên, Trung tâm Cấp cứu 115 tiếp tục rà soát các quy định, quy trình tiếp nhận, điều hành cấp cứu, nhắc nhở nhân viên trực tiếp nhận điện thoại nào vi phạm việc từ chối không điều động kíp cấp cứu khi có yêu cầu hoặc thiếu trách nhiệm sẽ xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định. Đây là lần đầu tiên người dân phản ánh về sự chậm trễ của cấp cứu 115. Đối với trường hợp vi phạm, chậm trễ cấp cứu, Trung tâm sẽ xử lý theo quy định. Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cung cấp đường dây nóng để người dân tiện phản ánh: 0913040744, 0904228979, 0904005147. Ông Trần Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội |