Cặp "chồng điếc, vợ lòa" trên chiếc bè nổi dưới sông Hồng ngày rét buốt

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Chiếc bè được dựng sát mép bên bờ sông Hồng là “địa chỉ thường trú” của đôi vợ chồng già. Họ đã nương tựa vào nhau để vượt qua mùa đông rét buốt.

Cách trung tâm thành phố khoảng 4km, men theo con đường nhỏ, vượt dốc sâu hun hút rồi đi thêm khoảng 500 mét nữa đến ven bờ sông Hồng, ngay dưới chân cầu Long Biên, sẽ thấy một căn nhà được dựng tạm bợ, nơi che mưa chắn gió cho ông Nguyễn Văn Thành (87 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thủy (86 tuổi) suốt 10 năm nay.

Video: Cặp ‘chồng điếc, vợ lòa’ nương tựa nhau trên chiếc bè nổi dưới sông Hồng ngày rét buốt.

Ông Nguyễn Văn Thành và bà Nguyễn Thị Thủy nương tựa bên nhau suốt nhiều năm trên túp lều nổi dưới sông Hồng. Ảnh PHI HÙNG

Ông Nguyễn Văn Thành và bà Nguyễn Thị Thủy nương tựa bên nhau suốt nhiều năm trên túp lều nổi dưới sông Hồng. Ảnh PHI HÙNG

Những ngày này, khi Thủ đô tiếp tục ghi nhận tình trạng rét buốt với nhiệt độ từ 8-10 độ C, kèm theo gió mạnh khiến cái lạnh lại càng gia tăng. Ông Thành và bà Thủy phải tìm đủ mọi cách để chống chọi. Dù đã sống ở đây hơn một thập kỷ nhưng bà Thủy bảo, cũng chỉ có thể quen với cái sự chòng chành, lênh đênh trên sông nước, “chứ cái rét buốt này thì vẫn chưa thích nghi được”.

Mấy hôm nay, ông Thành thi thoảng vẫn đi nhặt nhạnh và tìm về được miếng vải, mảnh gỗ để gia cố cho căn nhà nhỏ. Dù gọi là nhà nhưng thực chất đó chỉ là một chiếc bè được dựng tạm bợ, xung quanh được che chắn bởi những tấm bạt.


“Chúng tôi chuyển về đây được hơn chục năm nay, lúc ấy nhà này chỉ là chiếc thuyền nhỏ. Hai vợ chồng sống nhờ mỗi người góp cho một chút. Quần áo, chăn chiếu, nồi niêu… đều do người ta mang đến tặng. Nhưng mấy hôm nay trời rét buốt, đêm ngủ gió thổi mạnh quá, đồ mặc không đủ ấm, rét không làm được gì”, bà Thủy nói.

“Chúng tôi chuyển về đây được hơn chục năm nay, lúc ấy nhà này chỉ là chiếc thuyền nhỏ. Hai vợ chồng sống nhờ mỗi người góp cho một chút. Quần áo, chăn chiếu, nồi niêu… đều do người ta mang đến tặng. Nhưng mấy hôm nay trời rét buốt, đêm ngủ gió thổi mạnh quá, đồ mặc không đủ ấm, rét không làm được gì”, bà Thủy nói.

“Căn nhà mới này” được ông bà dựng lại mới từ Tết năm ngoái với sự giúp đỡ từ nhiều nguồn, nhiều người, gồm nhiều nguyên vật liệu khác nhau: gỗ, bìa carton, nhôm, vải, nhựa… nhưng vẫn là không đủ để che chắn tất cả những khe hở từ sáu mặt.

Khi tuổi về già mắt bà Thủy bị lòa, cùng lúc đó ông Thành cũng bị lãng tai. Ảnh PHI HÙNG

Khi tuổi về già mắt bà Thủy bị lòa, cùng lúc đó ông Thành cũng bị lãng tai. Ảnh PHI HÙNG

Những cơn gió rét buốt lùa vào từ bốn hướng, rít lên từng cơn, cái lạnh từ dưới sông đẩy lên qua mặt sàn khiến bà Thủy chỉ còn biết ao ước “những ngày rét buốt sớm qua đi để mọi thứ trở lại bình thường”.

Ông Thành biết đêm nào bà cũng khó ngủ vì trời rét quá nhưng “biết sao được, không có đủ vật liệu để làm”. Rồi ông lại lạc quan nói: “Mình sống cảnh dưới sông dưới bến này thì phải biết chấp nhận, chứ làm sao được. May mắn là thỉnh thoảng vẫn có người đến giúp đỡ”.

Những hôm thời tiết Hà Nội rét buốt, gió từ mặt nước thổi qua các khe trống ùa vào khiến cặp vợ chồng già tê tái vì rét. Ảnh THANH TÚ

Những hôm thời tiết Hà Nội rét buốt, gió từ mặt nước thổi qua các khe trống ùa vào khiến cặp vợ chồng già tê tái vì rét. Ảnh THANH TÚ

Ông Nguyễn Văn Thành và bà Nguyễn Thị Thủy gặp nhau từ hơn 50 năm trước trong một lần đi nhặt rác. Gặp nhau vài lần rồi thương, tặc lưỡi về “chung nhà”. Không con cái, họ sống lay lắt trên khắp phố phường rồi cuối cùng đưa nhau về đây, dựng chiếc bè sống cho qua ngày.

Hai năm trở lại đây, mắt bà Thủy yếu dần rồi mù lòa, cũng là lúc ông Thành bị lãng tai, không còn được nghe những âm thanh của cuộc sống như trước. Dù vậy nhưng ông vẫn lo mọi việc cơm nước, trồng rau, nhặt rác ở bãi đất ven bờ. Rồi cả hai mất hoàn toàn sức lao động, họ sống nhờ vào những người khác, ai cho cái gì thì họ có cái đó.

Khu nấu ăn tạm bợ của ông bà ngay trên chiếc lều. Ảnh PHI HÙNG

Khu nấu ăn tạm bợ của ông bà ngay trên chiếc lều. Ảnh PHI HÙNG

Đến nay, họ cũng đã dắt tay nhau hơn 50 năm đi qua nghèo khó, đói khát, đắng cay. Nhưng khi được hỏi về những thiếu thốn, cặp “chồng điếc, vợ lòa” cứ hồn nhiên cười ha hả, giòn tan. Những ngày rét buốt cuối năm, Tết đến, cũng như những năm trước, ông bà chỉ biết chờ đợi vào sự hỗ trợ của các đoàn thiện nguyện. Họ cũng chẳng có mong muốn, ước vọng gì cho năm mới.

Giờ đây cuộc sống của hai ông bà lúc cuối đời trên túp lều dưới sông Hồng hoàn toàn phụ thuộc vào những tấm lòng hảo tâm. Ảnh THANH TÚ

Giờ đây cuộc sống của hai ông bà lúc cuối đời trên túp lều dưới sông Hồng hoàn toàn phụ thuộc vào những tấm lòng hảo tâm. Ảnh THANH TÚ

Trong những ngày giáp Tết rét buốt này, nhắc đến quê quán Thái Bình, bà Thủy gạt ngay đi: “Bà không thích nhắc đến quê, nhắc làm gì nữa. Họ hàng anh em giờ cũng không còn gì, không ai nhận”.

Rồi như chợt nhớ ra điều gì, bà lẩm bẩm: “Họ bảo mai mở cống, nước lại lên giữa trời rét buốt…”.

Nguồn: [Link nguồn]

Không có quy định địa giới hành chính cụ thể nào nhưng cái tên “xóm chạy thận” vẫn cứ được nhiều người dân thủ đô gọi và đã trở nên thân quen với nhiều người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THANH TÚ-PHI HÙNG ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN