Cấp bách đưa kit test COVID-19 vào bình ổn giá
Cơ sở pháp lý cho việc đưa kit test COVID-19 vào diện bình ổn giá đã có mà không phải đợi.
Giá kit test “nhảy múa” và người dân đang chịu gánh nặng về chi phí này. Các cơ quan chức năng và đặc biệt là Quốc hội (QH) đã cho phép Chính phủ đưa mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 áp dụng biện pháp bình ổn giá.
Tuy nhiên đến nay, giá kit test vẫn nhảy múa và người dân phải cắn răng chịu chi phí này. Vì sao có việc này?
Chưa trình Chính phủ bình ổn giá kit test là khó hiểu
Theo TS Trần Huỳnh Thanh Nghị, Trưởng bộ môn Luật kinh tế, Khoa luật Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, hiện khung pháp luật cho vấn đề trên tương đối đầy đủ. Luật Giá 2012 trao quyền cho Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH mở rộng phạm vi hàng hóa thực hiện bình ổn giá theo tờ trình của Chính phủ, thêm vào đó là Nghị quyết 12/2021 của UBTVQH và các nghị định 177/2013, 149/2016, 98/2021.
Tuy nhiên, ở Điều 7 Nghị quyết 12/2021 nêu: “Căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ quy định cụ thể mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 áp dụng biện pháp bình ổn giá”.
Giá kit test “nhảy múa” và người dân đang chịu gánh nặng về chi phí này. Ảnh: NGUYỆT NHI
Hiểu theo quy định trên thì cần có văn bản của Chính phủ quy định kit test COVID-19 thuộc diện bình ổn giá và xác định thẩm quyền của Bộ Y tế đối với bình ổn giá kit test này.
Tức điều kiện cần là Chính phủ phải ban hành văn bản xác định rõ nội dung kit test COVID-19 thuộc mặt hàng trang thiết bị y tế phải bình ổn giá và xác định thẩm quyền của Bộ Y tế trong công tác này.
Bộ Y tế cũng cần ban hành thông tư mới thực thi Nghị định 98/2021, trong đó phân loại rõ kit test COVID-19 thuộc trang thiết bị y tế nào.
Có thể khẳng định cơ sở pháp lý hiện đã tương đối đủ, chỉ cần tháo nút thắt nêu trên là được.
Hiện đang là tháng 3, tức đã qua tháng thứ ba thực hiện Nghị quyết 12 và Nghị định 98/2021 nhưng Bộ Y tế, Bộ Tài chính vẫn chưa trình Chính phủ ban hành văn bản để cụ thể hóa Nghị quyết 12 bình ổn giá kit test là khó hiểu, khiến việc thực hiện Nghị quyết 12 còn nằm trên lý thuyết.
Bình ổn giá kit test là nhu cầu cấp thiết
Tương tự, ThS Lưu Đức Quang, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng cho là đã có đủ căn cứ pháp lý. Ông nêu: Theo Luật Giá 2012 thì “Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá được quy định tại khoản 2 điều này, Chính phủ trình UBTVQH xem xét, quyết định”. Ngày 30-12-2021, UBTVQH có Nghị quyết 12, đồng ý bổ sung trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá.
Vì vậy, Chính phủ hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để bổ sung kit test vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Việc trì hoãn áp dụng các biện pháp bình ổn giá đối với dụng cụ thiết yếu này không chỉ gây thêm khó khăn cho đời sống người dân vốn đã khốn khó vì đại dịch mà còn chưa tương thích với chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” mà Chính phủ đã đề ra.
Với tư cách là cơ quan tham mưu trực tiếp cho Chính phủ trong hoạt động này, Bộ Y tế cần đáp ứng yêu cầu hết sức chính đáng này của người dân.
Cần mức giá trần về kit test
Theo PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia về giá, kit test COVID-19 là mặt hàng tác động và ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu của người dân rất lớn, lợi dụng tình hình đó, nhiều thương nhân đã đẩy giá lên cao. Vì vậy, cơ quan chức năng cần vào cuộc.
“Nhà nước cần quản lý, phải xem xét từng loại kit test về nguồn gốc, xuất xứ… để có thể quy định mức giá trần. Điều này vẫn tạo ra sự cạnh tranh nhưng không được vượt quá mức giá cho phép” - ông Long nói.
Theo ông Long, việc tra cứu về thông tin các mặt hàng, giá rất cụ thể, không quá khó khăn. Bởi nếu là hàng nhập khẩu đều phải thông qua hải quan.
Bên cạnh đó, việc quản lý giá phải gắn với chất lượng, các cửa hàng kinh doanh phải niêm yết giá công khai, điều này hết sức quan trọng với tình hình hiện nay. Đồng thời, cơ quan chức năng cần có chế tài mạnh tay đối với những cửa hàng bán sai quy định.
Ngoài phạt tiền, đơn vị quản lý có thể rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn đối với cửa hàng đó.
Bộ Y tế đang tổng hợp để báo cáo Chính phủ Về việc loạn giá kit test COVID-19, mới đây Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Y tế có ngay giải pháp quản lý giá, bình ổn mặt hàng này. Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế), cho hay: Vừa qua, Bộ Y tế đã họp với các bộ Tài chính, Công Thương và Tư pháp. Hiện Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi các địa phương, cơ quan liên quan để đề xuất danh mục. “Theo kế hoạch, từ nay đến cuối tuần chờ tổng hợp xong, bộ sẽ thống nhất với Bộ Tài chính để báo cáo Chính phủ. Khi nào Chính phủ quyết định chính thức mới có cơ sở để triển khai. Bộ Y tế sẽ làm đúng theo thẩm quyền, trên tinh thần khẩn trương theo chỉ đạo của Chính phủ” - ông Lợi nói. Về vấn đề loạn giá kit test COVID-19 trên thị trường, ông Lợi thông tin tuần trước Bộ Y tế đã họp với các doanh nghiệp và bộ đề nghị các đơn vị sản xuất, nhập khẩu kit test COVID-19 chủ động tăng cường hoạt động sản xuất, nhập khẩu sản phẩm để đảm bảo nguồn cung trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp thực hiện công khai và cập nhật giá, trong đó có yêu cầu các nhà phân phối, bán lẻ thực hiện niêm yết giá, không gom hàng và tăng giá; không để tình trạng giá công bố cao nhưng giá bán thấp, tạo kẽ hở cho các nhà phân phối, bán lẻ lợi dụng làm lũng đoạn thị trường. Không bán cho các đơn vị thu mua, đầu cơ để tăng giá khi nhu cầu trong nước đang tăng cao, gây khan hiếm thị trường. “Cơ quan quản lý thị trường sẽ tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, khi phát hiện có vi phạm phải xử lý nghiêm. Người dân cần bình tĩnh, nghiên cứu, liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn chi tiết, tránh việc mua và sử dụng kit test khi chưa có nhu cầu, gây lãng phí không cần thiết, ảnh hưởng đến thị trường” - ông Lợi thông tin. |
Nguồn: [Link nguồn]
UBND TP.Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo về tăng cường kiểm tra, xử lý tăng giá thiết bị y tế, thuốc hỗ trợ, điều trị COVID-19 trên địa bàn.