Cao tốc TP.HCM - Trung Lương: 51% tai nạn do buồn ngủ

Thêm một vụ TNGT nghiêm trọng trên đường cao tốc TP HCM-Trung Lương khi chiếc xe tải 10 tấn lao thẳng vào cabin...

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương: 51% tai nạn do buồn ngủ - 1

Cục quản lý đường cao tốc đang tiến hành lắp các tấm chống chói kết hợp với phản quang để đảm bảo an toàn giao thông vào ban đêm

Sáng 8/10, thêm một vụ TNGT nghiêm trọng trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương khi chiếc xe tải 10 tấn lao thẳng vào cabin trạm thu phí. Nguyên nhân ban đầu được xác định do tài xế không làm chủ tay lái khi điều khiển phương tiện.

Tai nạn xảy ra ở những đoạn đường tốt, có đèn sáng

Khoảng 4h55 sáng 8/10, chiếc xe tải BKS 51C-020.39 từ Long An về TP HCM, khi đến trạm thu phí Chợ Đệm, tài xế cho xe đi vào làn số 4 để ra khỏi đường cao tốc. Nhưng khi thấy phía trước có một xe đang chờ, trong khi làn số 2 trống, tài xế bẻ tay lái đánh sang làn số 2. Khoảng cách với trạm thu phí chỉ còn 2 m, tài xế không làm chủ được tay lái nên đâm thẳng vào con lươn mũi tàu phía trước. Chiếc xe mất lái lao thẳng vào khiến cabin số 7 đổ sập xuống; Thùng xe cũng bị nghiêng đổ xuống đè lên ca bin số 4.

Nguyên nhân của vụ tai nạn đang được điều tra, tuy nhiên, từ camera của trạm thu phí cho thấy, tài xế xe tải đã không làm chủ được tốc độ, tay lái, chuyển hướng khẩn cấp dẫn đến tai nạn. Ở khu vực này hoàn toàn trống trải, đèn sáng.

Trước đó, chiều 7/10, PV Báo Giao thông cùng đoàn công tác của Cục Quản lý đường cao tốc (Tổng cục Đường bộ VN) trở lại hiện trường vụ tai nạn liên hoàn khuya 28/9 đoạn qua huyện Thủ Thừa (Long An) khiến hai người tử vong và nhiều người bị thương. Đoạn đường khu vực này thẳng, mặt đường tốt, êm thuận, có đèn chiếu sáng.

Những dấu vết còn lại trên hiện trường cho thấy tài xế xe khách sau không làm chủ tay lái đâm vào đuôi xe tải dừng lề đường bên phải rồi lao qua bên trái đâm gãy lan can, gãy một trụ đèn chiếu sáng, phi tiếp qua dải phân cách cứng có trồng cỏ, tiếp tục lao qua hướng đường ngược chiều đâm gãy lan can phía đường bên kia. “Rất may lúc đó không có xe nào đi từ hướng ngược lại không thì không biết chuyện gì xảy ra nữa”, một công nhân rùng mình kể lại.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục quản lý đường cao tốc cho biết, qua phân tích các vụ TNGT cho thấy, có 75% số vụ xảy ra tại những vị trí có đèn chiếu sáng.

Tìm cách trị tài xế buồn ngủ

Thống kê của Ban ATGT tỉnh Long An cho thấy, từ khi cao tốc TP HCM - Trung Lương đưa vào hoạt động đến nay, riêng đoạn đi qua địa bàn tỉnh Long An với chiều dài gần 30 km đã xảy ra 212 vụ TNGT, làm chết 33 người, bị thương 149 người, hư hỏng 83 ô tô và thiệt hại nhiều tài sản khác. Qua phân tích cho thấy, các vụ TNGT chủ yếu xảy ra vào ban đêm (chiếm 76%). Nguyên nhân do lái xe buồn ngủ chiếm 51%; Các vụ tai nạn xảy ra hướng từ Tiền Giang về TP HCM chiếm 82%.

Trong số 76% số vụ xảy ra ban đêm có đến 61% số vụ xảy ra từ 1-5h sáng. Ông Phùng Văn On, Phó trưởng ban ATGT tỉnh Long An lý giải: nhiều tài xế lái xe từ các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, An Giang xuất phát từ đầu giờ tối, khi đến cao tốc vào khoảng gần sáng. “Đây là khoảng thời gian rất dễ buồn ngủ. Nếu tài xế không được nghỉ mà làm việc quá sức rất dễ dẫn đến buồn ngủ”, ông On nói.

Để hạn chế tình trạng tài xế buồn ngủ, ông Vũ Anh Tuấn cho biết, sẽ tăng cường thông tin nhắc nhở trên các bảng điện tử dọc tuyến. Đồng thời, đề nghị lực lượng CSGT tăng cường tuần tra vào thời gian gần sáng để cảnh báo tài xế. Song song đó cũng sẽ làm việc với các Hiệp hội vận tải hàng hóa, hành khách để nhắc nhở DN thực hiện nghiêm chế độ nghỉ ngơi cho tài xế.

Cục quản lý đường cao tốc cũng tiến hành lắp 6/10 km các tấm chống chói kết hợp phản quang, nhưng thiết kế để đèn chiếu sáng của xe đối diện có thể chiếu vào xe ngược chiều ở mức độ giúp tài xế không buồn ngủ. Dự kiến đến 21/10 sẽ hoàn thiện 4 km còn lại. Ông Tuấn cũng cho biết, hiện có hai đoạn từ Km24 - Km27 và Km34 - Km41 đang cắm biển hạn chế tốc độ 100 km/h. Sau khi nâng cấp lại êm thuận sẽ nâng tốc độ tối đa lên 120 km/h cho đồng bộ.

Trong khi đó, một trong những lỗi vi phạm phổ biến trên đường cao tốc rất dễ dẫn đến tai nạn là việc giữ khoảng cách an toàn. Dọc đường đều có biển cảnh báo khoảng cách an toàn tối thiểu là 100 m, nhưng quan sát thấy hầu như không có tài xế nào quan tâm, các xe cứ nối đuôi nhau chỉ cách chừng 10 m. Thống kê cho thấy, trong số 24% số vụ tai nạn do vi phạm quy tắc giao thông thì có đến 16% không đảm bảo khoảng cách an toàn.

“Giới hạn từ 60-120 km/h là trong điều kiện xe tốt, người lái đảm bảo sức khỏe, thời tiết tốt… chứ không phải cứ lên xe là phóng 120 km/h. Quan trọng là tài xế phải làm chủ được tốc độ, thấy mình không đảm bảo sức khỏe, đoạn nào, đường nào tối, tầm nhìn hạn chế thì đi chậm lại, đặc biệt là phải giữ khoảng cách an toàn để xử lý kịp các tình huống xảy ra”, ông Vũ Anh Tuấn khuyến cáo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Tư ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN