Cao tốc, nhiều đoạn vừa đi vừa run
Chỉ có hai làn xe, không có dải phân cách, hạn chế tốc độ, không có trạm dừng chân… là những bất cập trên một số tuyến cao tốc thuộc cao tốc Bắc - Nam hiện nay.
LTS: Thời gian gần đây, trên tuyến cao tốc Bắc - Nam liên tục xảy ra tai nạn thảm khốc khiến nhiều người thương vong. Nguyên nhân xảy ra những vụ tai nạn này, ngoài ý thức của người tham gia giao thông thì những bất cập về quy hoạch, thiết kế đường cao tốc cũng được đặt ra. Mặt khác hiện nay ở Việt Nam, một số tuyến cao tốc được đưa vào khai thác, vận hành khi chưa hoàn thiện. Tình trạng cho xe chạy vừa thi công, thiếu trạm dừng chân, thiếu làn dừng khẩn cấp, trong khi không có dải phân cách... gây ra không ít nỗi lo, nguy cơ rủi ro cho người tham gia giao thông.
Những năm qua, hàng loạt dự án cao tốc trên tuyến cao tốc Bắc - Nam được chú trọng đầu tư và hoàn thiện đã khơi thông hạ tầng giao thông, giúp tăng tính kết nối vùng, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là giúp người dân lưu thông thuận tiện. Điểm sáng là dịp Tết Nguyên đán 2024, rất nhiều người đã sử dụng xe cá nhân để về quê ăn Tết thông qua các tuyến cao tốc. Tuy nhiên, tình trạng liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn nghiêm trọng đã bộc lộ những hạn chế của các tuyến cao tốc này.
Thấp thỏm đi trên cao tốc chưa đủ chuẩn
Anh Tuấn Anh (ngụ TP.HCM) cho biết khi thấy hàng loạt tuyến cao tốc vừa hoàn thành, anh cùng gia đình rất phấn khởi nên quyết định tự lái xe về quê ăn Tết. Tuy nhiên, việc chọn di chuyển bằng cao tốc lại là nỗi ám ảnh của cả gia đình anh dịp Tết vừa rồi.
“Ngay khi vừa vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, xe của gia đình tôi đã bị kẹt lại bởi một vụ tai nạn. Sau đó, khi đến đoạn cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo, Cam Lâm - Nha Trang, chúng tôi tiếp tục phải “chôn chân” hàng giờ ở nhiều điểm” - anh Tuấn Anh nói.
Tối qua (10-3), lại thêm một vụ tai nạn thảm khốc ở cao tốc Cam Lộ - La Sơn khiến hai người chết, bốn người bị thương. Ảnh: BT
Anh Đức Minh, tài xế xe khách tuyến TP.HCM - Phan Thiết, cho biết trung bình mỗi ngày anh chạy 4-5 chuyến đi và về, anh thấy người dân còn thiếu kinh nghiệm khi di chuyển trên cao tốc.
Theo anh Đức Minh, ngày thường trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết rất vắng, tuy nhiên vào dịp nghỉ lễ, Tết, người dân sử dụng xe cá nhân rất nhiều, trong đó có nhiều xe gia đình hay tài xế mới lái. Nhiều tài xế chạy rất chậm, thậm chí chạy như “rùa bò” nhưng vẫn chạy vào làn trong, gây cản trở giao thông. Hoặc nhiều tài xế chuyển làn bất chấp dẫn đến tai nạn trên cao tốc.
Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, kiểm tra hiện trường vụ tai nạn xảy ra trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn ngày 18-2 khiến ba mẹ con tử vong. Ảnh: NGUYỄN DO
Tương tự, anh Nguyễn Tuân, tài xế xe tải tuyến TP.HCM - Hà Nội, cho biết đa phần anh đều chạy trên cao tốc trong hành trình di chuyển, đường sá thuận tiện hơn nhưng cao tốc vẫn chưa đạt chuẩn. Trong đó, cao tốc La Sơn - Túy Loan có đường hẹp, dốc. Các cao tốc khác có đoạn chỉ có hai làn xe mỗi bên như Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan. Một số đoạn không có dải phân cách, thiếu làn dừng khẩn cấp.
“Tôi khá ám ảnh khi đi qua đoạn Cam Lộ - La Sơn vì đường khá hẹp, không có dải phân cách ở giữa nên các xe dễ đối đầu nhau, vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là về đêm. Có những đoạn chuyển làn từ hai làn lên bốn làn, nhiều xe tăng tốc độ, chuyển làn đột ngột vô cùng nguy hiểm, nguy cơ gây tai nạn rất cao” - anh Tuân nói.
Nhiều đoạn cao tốc chỉ có hai làn xe, không có dải phân cách gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Ảnh: NGUYỄN DO
Nhiều nguy cơ rủi ro
Ông Đào Tiến Tùng, tài xế xe đường dài, cho biết hiện có nhiều tuyến cao tốc ở Việt Nam được đưa vào sử dụng, song có nhiều tuyến cao tốc đang thiếu chuẩn hoặc chưa đúng tiêu chuẩn của một cao tốc. Cao tốc ở nước ta hiện nay đang thiết kế theo tiêu chuẩn hiện hành TCVN 5729:2012, tốc độ thiết kế là 60 km/giờ, 80 km/giờ, 100 km/giờ và 120 km/giờ.
Cũng theo tiêu chuẩn này, đường cao tốc có tối thiểu hai làn cho mỗi chiều xe chạy, dải phân cách và làn dừng khẩn cấp, bên cạnh đó là hệ thống đảm bảo an toàn giao thông trên đường. So với những quy định trên thì nhiều đoạn của cao tốc chưa phải là cao tốc. Cụ thể là đoạn Cam Lộ - La Sơn chưa thể gọi là cao tốc.
Tương tự, cao tốc Vĩnh Hảo - Cam Lâm tuy được điều chỉnh tốc độ lên 80 km/giờ (mỗi bên chỉ hai làn xe) nhưng không có làn dừng khẩn cấp. Với các trường hợp bất cập như tai nạn, sự cố sẽ vô cùng nguy hiểm cho người tham gia giao thông, từ đó dẫn đến tình trạng ùn ứ trên cao tốc. Tương tự, tại cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cũng chỉ có một số điểm có làn dừng khẩn cấp, cao tốc này có bốn làn xe nhưng nhu cầu đi lại hiện nay là rất lớn.
“Trên cao tốc, các xe thường di chuyển với tốc độ cao nhưng hạ tầng hiện nay chưa thực sự đáp ứng, có những đoạn chỉ như đường quốc lộ thông thường. Là người có kinh nghiệm lái xe nhưng nhiều khi tôi vẫn thấp thỏm, bất an khi di chuyển trên cao tốc. Thậm chí giật thót về những pha chuyển làn bất ngờ của những tài xế khác” - ông Tùng nói.•
Ông HOÀNG HẢI MINH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế:
Cần sớm đầu tư cao tốc hoàn chỉnh
Vụ tai nạn giao thông vừa xảy ra trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn một phần do ý thức của người tham gia giao thông, song một trong những nguyên nhân khác đến từ những bất cập về hạ tầng trên cao tốc này. Có điểm trên cao tốc bị bó hẹp, thắt cổ chai gây tiềm ẩn tai nạn giao thông. Địa phương đã đề nghị với chủ đầu tư cần sớm có giải pháp xử lý, khắc phục.
Bên cạnh đó, trên toàn tuyến cần lắp đặt thêm hệ thống chiếu sáng, phạt nguội, bổ sung biển báo về tốc độ, khoảng cách; nghiên cứu có thể giảm ngắn lại các dãy phân cách cứng ở những điểm kết thúc vượt. Địa phương đã đề nghị các đơn vị có giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm xử lý, khắc phục triệt để các tồn tại, bất cập về kết cấu hạ tầng tại đoạn tuyến xảy ra tai nạn trong thời gian sớm nhất. UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đề nghị Bộ GTVT sớm quan tâm đầu tư nâng cấp đạt quy mô đường cao tốc bốn làn xe hoàn chỉnh theo quy hoạch nhằm đảm bảo giao thông thuận lợi, an toàn hơn.
Ông TRẦN VĂN BON, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang:
Tiềm ẩn tai nạn khi cao tốc chỉ có hai làn, thiếu làn dừng khẩn cấp
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận dù mới đi vào khai thác nhưng đã thực sự quá tải. Dịp Tết vừa qua, tuyến cao tốc này thường xuyên bị ùn ứ, xảy ra va chạm giao thông.
Hiện lưu lượng giao thông tăng rất cao so với thiết kế ban đầu. Lượng xe quá đông nên thường xuyên bị ùn ứ và có nhiều vụ va chạm đã xảy ra. Mặc dù đơn vị quản lý đã điều chỉnh tốc độ lên 90 km/giờ nhưng thực tế các xe chỉ di chuyển với tốc độ 60 km/giờ. Hơn hết, tuyến đường không có làn dừng khẩn cấp, chỉ có điểm dừng khẩn cấp (khoảng 5-6 km có một điểm dừng). Điều này là vô cùng nguy hiểm với người tham gia giao thông.
Tỉnh Tiền Giang nhận định đây là trục giao thông vô cùng quan trọng để kết nối với vùng ĐBSCL, sắp tới nhiều tuyến cao tốc tiếp tục hoàn thành và đưa vào khai thác nên cao tốc TP.HCM - Trung Lương và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ tiếp tục bị quá tải. Tỉnh Tiền Giang đã có kiến nghị Bộ GTVT sớm đầu tư hoàn chỉnh tuyến cao tốc này để đảm bảo việc đi lại cho người dân, nâng cao năng lực lưu thông, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Được biết đã có đơn vị tiến hành nghiên cứu báo cáo tiền khả thi, dự kiến tuyến cao tốc này cũng sẽ được mở rộng, hoàn chỉnh trong thời gian tới.
Ông NGUYỄN ANH TUẤN, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Trị:
Cần có giải pháp trước khi cao tốc đủ chuẩn
Khi đợi cao tốc được đầu tư đạt chuẩn, Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Trị có ý kiến đối với các đoạn bắt đầu và kết thúc đường có dải phân cách giữa (từ 2-3 làn về một làn/một chiều) đề nghị Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh chỉ đạo tư vấn nghiên cứu tính toán kéo dài đoạn vuốt nối chuyển làn đảm bảo theo quy định (không bố trí chiều dài tối thiểu).
Đồng thời, tại Km4+600 - nơi đã xảy ra ba vụ tai nạn giao thông, Ban An toàn giao thông tỉnh đề nghị thảm lớp BTN hạt thô nhằm tăng cường lực ma sát mặt đường, giảm thiểu sự trơn trượt mặt đường vào lúc trời mưa, qua đó giảm thiểu tai nạn giao thông. Còn việc lắp camera trên tuyến này để ghi hình, xử phạt nguội thì chưa thể triển khai vì cần có hạ tầng thiết bị đi kèm theo như nguồn điện lưới, đường truyền mạng chuyên dụng để truyền về trung tâm theo dõi. Mặt khác, đoạn tuyến nằm ở khu vực xa khu dân cư, khó khăn về nguồn cấp điện chưa được phủ sóng 4G nên việc đầu tư sẽ rất khó, do đó trước mắt đề nghị Cục CSGT tăng cường ghi hình để xử phạt.
Nguồn: [Link nguồn]
Những hành khách đi trên xe khách bị thương sau va chạm giao thông xảy ra trên đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã được đưa đến bệnh viện, tất cả không bị đe doạ đến tính mạng.