Cao tốc 34.000 tỷ xuống cấp: Tiết lộ 'hồ sơ điều tra' của các lão nông

Cách đây 4 năm, một nhóm nông dân ở thôn Phú Lễ, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi, do ông Phạm Tấn Lực (59 tuổi) khởi xướng, đã tự tổ chức đi giám sát cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, sau đó viết đơn khuyến nghị gửi đến các cơ quan chức năng. “Nếu họ thi công gian dối thì nợ công đất nước mình sẽ tăng cao”, nhóm nông dân lý giải.

Cao tốc 34.000 tỷ xuống cấp: Tiết lộ 'hồ sơ điều tra' của các lão nông - 1

Thắng lợi của các lão nông là khi có được bản vẽ công trình trong tay Ảnh: Văn Chương

Chứng cứ từ công nhân

Trên tờ giấy A4 được đánh máy hai mặt cách đây 3 năm, nhóm nông dân đã ký dưới bản kiến nghị gửi các cơ quan chức năng những nội dung mà theo họ là sai phạm của nhà thầu thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn đi qua huyện Bình Sơn. Những lá đơn đầu tiên chỉ có ông Lực ký, sau tăng lên chục người rồi 15 người. Trong số chữ ký ấy, chỉ có 3 nét chữ của người có thể thường xuyên cầm bút, còn 12 nét chữ khác thì ghi những dòng nguệch ngoạc từ bàn tay của những con người hằng ngày phải lam lũ với đồng ruộng, máy cày, máy xúc, đóng gạch, ve chai.

Về việc đánh chữ gần tràn ra mép giấy, lão nông Phạm Tấn Lực lý giải là để tiết kiệm tiền, vì thư gửi cho nhiều cơ quan, đồng thời phải gửi theo chế độ thư bảo đảm nhằm lưu lại hóa đơn chứng từ tránh bị người ta nói những lão nông vu khống, vi phạm pháp luật.

Trong đơn ghi chi tiết những việc làm sai của nhà thầu như: Việc gian dối diễn ra hằng ngày. Đất phân hóa không đưa vào bãi thải mà chôn hết vào lòng đường. Các giám sát trả lời chúng tôi về việc làm sai này là “bó tay cho nhà thầu Giang Tô, chúng tôi chỉ là lính”. Việc cống 103+540 xuất hiện nhiều vết nứt ở thân ngang, miệng cống, trong khi đây là vùng chịu lực rất lớn...

Theo “hồ sơ điều tra” của các lão nông, tại mỏ số 14 của Công ty Thiện Phát vào năm 2015 đã thí nghiệm nhiều lần chất lượng không đạt, ông Nhân (CDM - tư vấn giám sát) và ông Huy (VEC- Tổng Cty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam) cho đào đổ ra khỏi công trường. Nhưng qua năm 2016 thì lại nói là mỏ này đạt và cho sử dụng hết khối lượng trong giấy phép 123.500m3, mang đắp lên km 106+800-km khu vực Bàu Sen. Khi mua đất trái phép lòng hồ Hố Dọc của Công ty Lý Tuấn đưa vào sử dụng lớp  k98 tại km 103+300 km 104+500, km 104+800-km 106+300 thì lại nói đất mỏ số 14… Vậy có sự chấp thuận của CDM không?

Đó chỉ là 2 trong nhiều cụm chứng cứ được những lão nông đề cập trong đơn. Chứng cứ này chưa được kiểm chứng, nhưng đây là nguồn mà các lão nông thu thập được thông qua một số công nhân trên công trường ngầm phản đối việc làm sai của nhà thầu và mong muốn cao tốc đạt chất lượng tốt nhất khi đưa vào sử dụng. Những lá thư này đều được các cơ quan báo chí hồi âm, riêng các cơ quan chức năng thì hầu như không trả lời.

Những người tốt giấu mặt trên công trường 

Ban đầu, nhiều người cho rằng, việc làm của những lão nông này là “khùng”, công trình quốc gia thì đã có nhiều cơ quan giám sát và đã có Nhà nước lo. Nhưng rồi sự vào cuộc quyết liệt của các lão nông đã khiến ngay trong nội bộ của nhà thầu quay sang ngầm ủng hộ họ. Lão nông Phạm Tấn Lực đã lập “đường dây nóng”, công khai số điện thoại và từ đó bắt đầu nhận được nhiều tin nhắn lạ từ công trường.

Có một tin nhắn mang nội dung đáng chú ý “mong anh và người dân địa phương cố gắng giám sát công trường, kiểm tra và báo cáo với các cơ quan cấp thẩm quyền về việc làm ăn gian dối của nhà thầu Trung Quốc để đảm bảo chất lượng cho công trình của Việt Nam”; “nếu ông ấy không xử lý thì bác cứ gởi lên Bộ GTVT đôn đốc VEC phải làm”. Trong số các tin nhắn này, có cả thông tin khá nhạy cảm về những nhân vật là giám sát thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nhưng đã “đi đêm” với nhà thầu để bán đứng chất lượng.

Những lão nông chân đất mỗi ngày tiến lại gần công trường hơn. Thậm chí cán bộ kỹ thuật trên công trường đã tìm cách tuồn bản vẽ photo cho các lão nông để đối chiếu với các hạng mục ngoài thực địa. Lão nông Phạm Tấn Lực xem đây là một thắng lợi lớn. Vì từ trước đến nay chỉ nghe miệng nói, bây giờ có bản vẽ trong tay và bằng kiến thức của một người từng làm thợ xây dựng, ông Lực và các lão nông khác đã tìm ra một số manh mối như: chân đế mặt cống đặt trên cao tốc mỏng hơn so với bản thiết kế.

Chiếc máy ảnh Sony 2.0 cũ kỹ trở thành phương tiện để lão nông liên tục chụp ảnh, mang rửa, kèm vào hồ sơ gửi đến các cơ quan chức năng để tố cáo cống mới làm xong đã nứt, khu vực ao hồ thả lút sào, nhưng chỉ ủi đất sơ qua rồi láng thành đường… Phần kết của các bức thư ngỏ được các lão nông công khai số điện thoại như đường dây nóng để liên lạc, đồng thời khẳng định: “Nếu thi công gian dối thì sẽ cho ra một con đường sụt lún là chắc rồi và đời con đời cháu mình phải gồng gánh trả nợ”.

 Kết thúc “chuyên án” cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, lão nông Phạm Tấn Lực “khoe” cuốn sổ vừa vay ngân hàng 50 triệu đồng để nuôi gà, vì định kỳ 3 tháng 1 lần phải đưa vợ ra Hà Nội điều trị bệnh xơ gan hóa F3, F4. Địa phương cũng vừa tạo điều kiện giúp lão có sổ hộ nghèo để chèo chống với hoàn cảnh.      

Cao tốc hơn 34.000 tỷ vá không được sẽ phải cào lên làm lại

Tối 13/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ có cuộc trao đổi với báo chí sau khi cùng đoàn công tác của Bộ trực tiếp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Văn Chương ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN