Cao điểm mùa đông năm nay sẽ rét nhất bao nhiêu độ?
Năm nay có sự chuyển pha giữa El Nino sang pha trung tính. Theo quy luật của các giai đoạn chuyển pha, thời tiết sẽ có ngày rét cực đoan, xuất hiện băng giá, mưa tuyết ở các tỉnh miền núi phía Bắc trong tháng 1/2025.
Nền nhiệt sẽ lạnh hơn trung bình nhiều năm
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ cuối tháng 11/2024, không khí lạnh sẽ gia tăng cả về tần suất và cường độ. Từ tháng 12/2024 - tháng 2/2025, không khí lạnh hoạt động mạnh, có khả năng gây ra các đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng ở các tỉnh miền Bắc. Tháng 12 đến tháng 2 thông thường cũng là thời điểm mà hoạt động của không khí lạnh mạnh nhất và diễn ra nhiều nhất trong mùa đông.
Các giai đoạn chuyển pha, thời tiết sẽ có ngày rét cực đoan xuống rét đậm và rét hại ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Trong tháng 1, đồng bằng Bắc Bộ thường có nền nhiệt trung bình khoảng 16,5 - 17 độ C. Với nhiệt độ trung bình ở mức thấp như vậy thì khi không khí lạnh mạnh về có thể kéo nhiệt độ giảm sâu gây ra tình trạng rét đậm rét hại. Dưới 15 độ C sẽ xảy ra rét đậm, dưới 13 độ C xảy ra rét hại.
Nhiệt độ thấp nhất ở đồng bằng có thể xuống 7 - 10 độ C, vùng núi 0 - 4 độ C, vùng núi cao có thể dưới 0 độ C. Cần đề phòng khả năng xảy ra hiện tượng thời tiết nguy hiểm sương muối, băng giá, mưa tuyết ở các tỉnh vùng núi khu vực Bắc Bộ trong các tháng chính đông.
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai nhận định, năm nay có sự chuyển pha giữa El Nino sang pha trung tính và khả năng cao chuyển sang La Nina vào tháng 11/2024 với xác suất là 70%. Mặc dù vậy sự xuất hiện của La-Nina hay không vẫn là điều chưa chắc chắn. Điều này kéo theo biến đổi bất thường của nhiệt độ. Theo quy luật của các giai đoạn chuyển pha, thời tiết sẽ có ngày rét cực đoan xuống rét đậm và rét hại ở các tỉnh miền núi phía Bắc trong tháng 1/2025. Dù vậy vẫn sẽ có các đợt nắng ấm khiến mọi người có cảm giác nắng nóng.
Nhiệt độ từ đầu năm đến tháng 10 năm nay đều cao hơn so với trung bình của các năm trước. Trong tháng 12, tháng 1 tới đây cũng sẽ theo xu hướng ấm hơn bình thường. Dù vậy, nhiệt độ trung bình một số thời đoạn ngắn sẽ lạnh hơn năm trước khoảng 0,5-0,75 độ C trong những đợt lạnh có gió Đông Bắc ẩm đi vào khu vực miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Ngoài những ngày lạnh xen kẽ đợt nắng ấm, các đợt lạnh có mưa hoặc mưa phùn sẽ làm cho người dân có cảm giác lạnh hơn. Thời tiết lạnh năm nay sẽ rơi vào tháng 12, tháng 1 có thể kéo dài đến đầu tháng 2. Trong đó, khu vực phía Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ lạnh sâu.
Chuyên gia nhận định, năm 2024, thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến hầu hết khía cạnh đời sống, từ sản xuất, kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, sinh hoạt trên diện rộng. Rét đậm rét hại khiến cho gia súc gia cầm bị ảnh hưởng, thiệt hại, nhất là khi lạnh mà có tuyết rơi như ở khu vực Lào Cai, Lai Châu, hay khu vực Đông Bắc, tỉnh Quảng Ninh.
"Năm nay, thời gian được dự báo có rét đậm rét hại rơi vào dịp gần Tết Nguyên đán. Do đó, người dân cần có kế hoạch chủ động, sẵn sàng", chuyên gia nhận định.
Chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại
Nói về công tác dự báo, chuyên gia Nguyễn Ngọc Huy cho biết, hiện nay, không khí lạnh được dự báo tương đối tốt. Dự báo xu hướng có thể biết trước 15 ngày và dự báo chi tiết có thể trước 1 tuần. Khi nhiệt độ miền núi phía Bắc xuống dưới 7 độ, người dân nên đưa gia súc đi tránh rét dưới thung lũng, xuống dưới 10 độ tính đến sức khỏe con người, ưu tiên nhất là giữ ấm cho người già, trẻ em.
TS Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hiện ngành Khí tượng thủy văn đã từng bước hiện đại hóa hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai bằng việc sử dụng hệ thống siêu máy tính CrayXC40 - hệ thống tính toán dành cho bài toán dự báo khí tượng mạnh trong khu vực Đông Nam Á. Hệ thống này được đánh giá tương đương với hệ thống CrayXC40 của Cơ quan khí tượng Singapore.
Theo đó, hệ thống CrayXC40 của Việt Nam được trang bị 56 máy chủ tính toán với trên 2.100 bộ vi xử lý, cho phép đạt năng lực tính toán đạt xấp xỉ 80TFLOPS và thực hiện bài toán dự báo thời tiết ở quy mô 2- 3km cho toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và Biển Đông; dự báo 3 ngày trong thời gian 30 - 40 phút.
"Với hệ thống siêu máy tính này, ngành đã và đang thực hiện đồng hóa số liệu, tích hợp toàn bộ các hệ thống quan trắc thời gian thực gồm: Vệ tinh, radar, quan trắc bề mặt, đo mưa tự động; trên cơ sở đó, đưa ra các tính toán, phân tích dự báo các hiện tượng thời tiết cực đoan trong tương lai, từ ngày, tuần đến tháng", ông Hoàng Đức Cường cho biết.
Hệ thống trực quan hóa và biên tập dữ liệu dự báo khí tượng (SmartMet) cũng được Tổng cục sử dụng trong quá trình thực hiện dự báo. Hệ thống này tích hợp nhiều loại số liệu quan trắc và số liệu của các mô hình, có thể mở được cùng lúc trên một bản đồ làm việc, dễ dàng cho việc so sánh; đồng thời giúp các dự báo viên có thể tùy chỉnh hiển thị, phân tích các thông số đặc trưng khí quyển tùy theo mục đích dự báo.
"Chúng ta phải giữ ấm vào thời gian ra khỏi nhà, không ở ngoài trời quá sớm, quá khuya trừ những người có công việc đặc thù. Người hay tập thể dục chú ý 5-6h sáng là thời điểm lạnh nhất trong ngày, dẫn đến nguy cơ đột quỵ, hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ra, người dân cần lưu ý không sử dụng bếp than trong phòng kín, tránh gây ngạt khí độc", chuyên gia Nguyễn Ngọc Huy khuyến cáo.
Theo chuyên gia thời tiết Huy Nguyễn, mùa đông năm nay ấm, khô hơn nhưng sẽ có những đợt rét đậm, rét hại vào cuối tháng 1/2025.
Nguồn: [Link nguồn]