Cảnh nước cuồn cuộn chảy xiết tại các con sông gần Hà Nội
Các con sông ở Hà Nội và sông ở tỉnh lân cận có nguồn kết nối với Hà Nội đều đang trong cảnh nước chảy xiết từ thượng nguồn đổ về, có nguy cơ lên tới mức báo động 3.
Mực nước tại sông Hồng (bên phải) và sông Đuống địa phận Thủ đô đang mỗi lúc một lên cao. Hình ảnh ghi nhận vào chiều 10/9 khi TP Hà Nội nâng mức cảnh báo lũ trên những con sông lớn chảy quanh Hà Nội, đồng thời rà soát toàn bộ mức độ an toàn của các cây cầu vượt sông. Ảnh: Hoàng Hà
Đoạn giao nhau giữa sông Hồng và sông Đuống tại địa phận Hà Nội. Từ trên cao có thể thấy mực nước đã lên cao hơn bình thường, còn dòng chảy đang tiến về phía hạ lưu. Ảnh: Hoàng Hà
17h ngày 10/9, bãi giữa sông Hồng chỉ còn lại một khóm cây nhú lên. Các mảng xanh ngày nào bị chìm nghỉm dưới dòng nước lũ. Ảnh: Hoàng Hà
Khu vực các phường Phúc Xá, Tứ Liên, Nghĩa Dũng, Nhật Tân, Phú Thượng... thuộc hai quận Ba Đình, Tây Hồ nằm ngoài đê của Hà Nội khiến ít ai còn nhận ra vì đang dần ngập chìm trong nước. Ảnh: Hoàng Hà
Con sông Đuống đoạn qua cầu Đông Trù, một bên là huyện Đông Anh, một bên là quận Long Biên, nước dâng mấp mé những thửa ruộng chiều 10/9. Ảnh: Hoàng Hà
Nhiều người dân quanh vùng tại quận Long Biên đổ ra bờ sông quan sát nước tràn về từ thượng nguồn với tâm trạng lo lắng. Với nhiều thanh niên trẻ tuổi, đây là lần đầu tiên họ nhìn thấy cảnh này. Với những người con quê gốc huyện Gia Lâm sinh ra ở thập kỷ 50, 60 thì năm 1971 là trận lụt kinh khủng nhất và từng khiến họ phải leo lên nóc nhà để tránh lụt. Ảnh: Hoàng Hà
Tại sông Đuống ở khu vực cầu Đuống nằm giữa quận Long Biên và huyện Gia Lâm, nước chảy mạnh đến nỗi làm hõm cả một vùng. Ảnh: Hoàng Hà
Quang cảnh nước chảy ở các trụ cầu Đuống tạo cảm giác dòng nước rất dữ. Ảnh: Hoàng Hà
Cũng là sông Hồng nhưng ở đoạn giao với sông Lô (Việt Trì, Phú Thọ) lúc 14h ngày 10/9. Từ trên cao có thể thấy không còn chỗ nào cạn ở các đoạn tiếp giáp với bờ sông. Ảnh: Hoàng Hà
Trong ngày hôm qua, toàn thành phố Việt Trì (Phú Thọ) lúc mưa lúc hửng. Bầu trời nhiều mây đen u ám, còn nước sông vẫn chảy cuồn cuộn từ thượng nguồn về. Ảnh: Hoàng Hà
Nước chảy xiết ở các trụ cầu Việt Trì, do sóng đánh nên nhìn chưa rõ ở mức nào, tuy nhiên với đà này nó có thể sẽ lên tới mức xấp xỉ mặt cầu rất nhanh trong khoảng 1-2 ngày tới. Ảnh: Hoàng Hà
Trong ảnh là đê Việt Trì, bên cạnh nước sông đang lên cao. Khu vực này cách địa phận Hà Nội khoảng 70km. Ảnh: Hoàng Hà
Ở một số đoạn, nước sông Lô đang tràn lên mấp mé đường đi. Ảnh: Hoàng Hà
Một số ngôi nhà ven sông đã chìm một phần trong nước. Ảnh: Hoàng Hà
Gây ngập nặng nhất tính đến thời điểm này là dòng sông Bùi. Nước đã tràn vào các khu dân cư từ mấy ngày trước, không còn trông thấy đường bao. Ảnh: Thạch Thảo
Các ngôi làng ven con sông Bùi đã chìm trong biển nước. Người dân phải di chuyển bằng thuyền. Cách đó không lâu, chừng 1 tháng trước, nhiều xã thuộc các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai cũng rơi vào tình cảnh ngập lụt vì mưa lớn kéo dài. Ảnh: Thạch Thảo
Hình ảnh sông Đáy đoạn chảy qua Hà Nội. Mực nước cũng chảy xiết và dần dâng cao, có màu đỏ đục, có đoạn chỉ còn cách mấp mé mặt đường QL6 chừng 50cm. Sông Đáy có chiều dài khoảng 240km, là phân lưu của sông Hồng chảy qua Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định rồi đổ ra vịnh Bắc Bộ tại Cửa Đáy. Đoạn chảy qua Hà Nội của sông Đáy bắt nguồn từ xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ), chảy qua các quận, huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Hà Đông, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa đến xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức). Ảnh: Thạch Thảo
Tại sông Tích Giang, nước dâng lên liên tục trong ngày 10/9, tràn vào khu vực ruộng đồng lân cận. Ảnh: Thạch Thảo
Sông Đà đoạn chảy qua thị trấn Từ Sơn (Hoà Bình) nước dâng cao sau khi mưa kéo dài trong cả ngày 10/9. Vào buổi chiều hôm qua, thuỷ điện Hoà Bình đã ngừng xả lũ để đảm bảo an toàn cho người dân. Ảnh: Thạch Thảo
Hà Nội - Bà Phan Thị Uyên ở Nghi Tàm, quận Tây Hồ ôm theo chó, bật khóc leo lên thuyền để di tản cùng hàng trăm hộ dân khác khi nước sông Hồng dâng cao, gây ngập lụt vùng ven.
Nguồn: [Link nguồn]